Theo ghi chép trong “Ngụy thư Lý văn u hoàng hậu Phùng thị truyền”, Phùng hoàng hậu là cháu gọi Phùng thái hậu bằng cô, thuở nhỏ tên Diệu Liên, càng lớn càng sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời, khiến Hiếu Văn đế si mê sủng ái. Hai người quấn quýt như hình với bóng, quyến luyến không rời. Nhưng từ khi Phùng hoàng hậu mắc bệnh về da, lo sợ hoàng đế bị nhiễm bệnh, Phùng thái hậu ra lệnh đuổi nàng khỏi cung, cho về quê làm ni cô.
Thương nhớ người con gái yêu kiều, nhưng Hiếu Văn đế sợ sệt không dám trái ý thái hậu. Một năm sau, Phùng thái hậu vì trọng bệnh qua đời, hoàng đế thủ hiếu ba năm. Khi nỗi nhớ trở nên da diết khôn nguôi, lại hay tin Phùng thị đã khỏi bệnh, Hiếu Văn Đế sai người đón về cung Lạc Dương rồi chìm đắm đêm ngày bên người đẹp, sau đó sắc phong ngôi hậu.
Bão tố kéo đến cấm cung, Phùng Chiêu Nghi hãm hại em gái, giành lấy Hậu vị
Dù suốt một thời gian tu hành nhưng có lẽ Phùng thị khó lòng mà quán triệt được hết tất cả những thói hư tật xấu của mình.
Bằng chứng là khi vừa mới hồi cung, biết được muội muội cùng cha khác mẹ của mình nay đã được làm Hoàng hậu, nàng đâm ra ghen ghét.
|
Ảnh minh họa. |
Nàng cho rằng mình nhập cung từ rất sớm mà nay địa vị lại thấp hơn cả em gái chỉ cùng nửa dòng máu. Từ đó, Phùng thị tìm mọi cách hãm hại Hoàng hậu.
Sau nhiều lần nỉ non với Hiếu Văn Đế, đồng thời loan tin bêu xấu Hoàng hậu. Cuối cùng, Phùng Chiêu Nghi đã thành công.
Mùa thu cùng năm 496, Hiếu Văn Đế phế truất Hoàng hậu, Hoàng hậu uất ức, lập tức rời cung. Sang năm 497 thì Hiếu Văn Đế sắc phong Phùng Chiêu nghi trở thành Hoàng hậu thay thế.
Từ đó, nàng chính thức trở thành Mẫu nghi thiên hạ của cả một giang sơn Bắc Ngụy.
Vốn xinh đẹp lại có tài ăn nói nên bao năm làm Hoàng hậu, Phùng thị vô cùng được Hiếu Văn Đế sủng ái.
Ông yêu thương nàng, ban cho nàng biết bao nhiêu là vinh hoa phú quý mà bất kỳ nữ nhân đương thời nào cũng ao ước có được.
Hai người gắn bó với nhau như hình với bóng, sống vô cùng hạnh phúc bên nhau.
Đáng tiếc là không bao lâu sau, Bắc Ngụy gặp biến cố chính sự, Hiếu Văn Đế phải rời cung, thân chinh xuất binh đi chống giặc.
Phùng thị lúc này đành chịu cảnh chăn đơn gối chiếc, giữa một Hoàng cung bao la rộng lớn.
Hoàng hậu ngoại tình cùng Thái giám, kết bè kết phái gây nhiễu loạn triều đình
Một thời gian sau khi Hiếu Văn Đế rời cung, do không chịu nổi cảnh cô đơn lẻ bóng được nữa, Phùng Hoàng hậu bắt đầu có ý tư thông ngoại tình với chính kẻ hầu người hạ trong cung.
Và tình nhân của Phùng Hoàng hậu không ai khác chính là Cao Bồ Tát - một Thái giám giả mạo, đã lách luật vượt qua vòng "tịnh thân" mà chẳng mất đi thứ gì.
Chưa kể, Cao Bồ Tát còn có vẻ ngoài khôi ngô, vóc dáng tráng kiện nên được Phùng Hoàng Hậu hết mực yêu chiều.
Có được sự hậu thuẫn của Hoàng hậu, trong cung lại chẳng có Hoàng đế, Cao Bồ Tát nhanh chóng bành trướng quyền lực, thu phục quần thần.
Riêng Phùng Hoàng Hậu cũng chẳng vừa, ngoài ngoại tình nàng cũng kết bè kết phái, tự lập cho riêng mình rất nhiều thế lực đen tối. Chốn cung cấm từ đây bắt đầu nhiễu nhương.
Nhưng không có gì là mãi mãi, những việc làm tày trời của Phùng thị sớm bị bại lộ khi nàng ra sức ép Công chúa Bành Thành (một vị Công chúa chết chồng, đang là một góa phụ) phải lấy em trai Phùng Túc của mình, mặc cho Công chúa hết lời cự tuyệt.
Biết là không thể chống cự được lâu, Công chúa Bành Thành liền sai người lén ra khỏi cung, tố cáo những việc làm xấu xa của Hoàng hậu tới cho Hiếu Văn Đế.
Sự việc bại lộ, Hoàng hậu cùng mẹ ruột bày mưu giết thiên tử bằng thuật vu cổ
Hiếu Văn Đế nghe tin vẫn một mực không tin đây là sự thật, ông cho người điều tra thêm. Mãi cho đến khi chân tướng lộ rõ, ông tức giận, bất mãn ngã vật xuống đất ngay trong doanh trại của mình.
Nhưng để tránh "bứt dây động rừng" ông giả vờ im lặng, coi như không có chuyện gì xảy ra, đợi đến lúc hồi cung mới ra tay trừng trị đôi "gian dâm".
Linh tính có chuyện chẳng lành cộng thêm nhiều nguồn tin đã rót vào tai Phùng Hoàng hậu sự việc Hiếu Văn Đế đã phát hiện mọi chuyện trong cung, lúc này Phùng Hoàng hậu như ngồi trên đống lửa.
Nàng còn cho gọi mẹ ruột của mình vào cung để bày kế hòng tránh khỏi tội chết.
Nghĩ mãi chẳng biết phải làm gì, hai mẹ con Phùng thị mới bèn liều lĩnh dùng tới kế sách tày đình khác. Đó là cho gọi thầy phù thủy vào cung để yểm bùa vu cổ, với mục đích giết Hiếu Văn Đế.
Năm 499, Hiếu Văn Đế bí mật quay trở về kinh đô Lạc Dương. Sau đó, ông liền cho người bắt Cao Bồ Tát lại thẩm vấn để xác thực chuyện gian díu với Hoàng hậu.
Chịu không nổi đòn roi, Cao Bồ Tát đành khai hết tất cả với Hiếu Văn Đế, khai cả chuyện Hoàng hậu dùng bùa chú để hãm hại Hoàng đế.
Thế là, Hiếu Văn Đế nghe xong đau đớn như đứt từng khúc ruột, điên tiết sai người bắt Phùng Hoàng hậu mang đi chém đầu.