Tô Ma Lạt là một trong những người thị nữ nổi tiếng nhất trong triều đại Mãn Thanh. Những nghiên cứu về triều đại Mãn Thanh cho thấy, bà sinh năm 1615, trong một gia đình Mông Cổ nghèo. Phụ thân của bà vốn là một nông dân, quanh năm chỉ biết làm lụng, chắt chiu.
|
Chân dung Tô Ma Lạt. Ảnh: Baidu |
Bà tên thật là Tô Mạt Nhi, theo tiếng Mông Cổ có nghĩa là “cái túi làm bằng lông thú”. Năm bà khoảng 10 tuổi, Tô Ma Lạt lọt mắt xanh của quản gia ở phủ bối lặc Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Bố, sau đó được chọn làm thị nữ, theo hầu Nhị Cách cách Mộc Bố Thái, người sau này trở thành Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu.
Tuy xuất thân từ con nhà nông, nhưng Tô Ma Lạt lại rất thông minh. Chỉ một thời gian ngắn sau khi vào phủ bối lặc, bà đã có thể nói thông viết thạo cả tiếng Hán và tiếng Mãn. Đặc biệt hơn, nét chữ của bà “đẹp như in”, tới mức bà được chọn làm người dạy chữ chính cho vua Khang Hy.
Không chỉ vậy, Tô Ma Lạt cũng rất khéo léo. Thời kỳ đó, bà được còn được biết đến là một “chuyên gia” may vá. Những bộ y phục do chính tay bà làm luôn nhận được lời tán dương, khen thưởng. Cũng chính vì vậy, bà là người lên ý tưởng và thiết kế chính y phục cho nhà Thanh.
Giống như Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu, Tô Ma Lạt trải qua bốn thời đại tại Cung điện nhà Thanh. Trong suốt 80 năm sống trong cung điện, Tô Ma Lạt từ một thị nữ theo hầu, bà trở thành một người khiến cả Hoàng đế cũng kính trọng. Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu luôn coi bà như chị em, gọi bà là “cách cách”, Khang Hy Hoàng đế gọi bà một tiếng “ngạch nương” (mẫu thân), hay Hoàng đế Thuận Trị sau này cũng luôn giữ lễ khi nói chuyện với bà. Những điều đó đủ cho thấy thân phận của bà khác xa những thị nữ khác ở trong cung.
Ngày 3/9/8/1643, Hoàng Thái Cực - vị vua sáng lập triều Thanh băng hà, khi ấy Hiếu Trang Hoàng Thái hậu mới chỉ 31 tuổi. Tô Ma Lạt vì thương bà, nên quyết định ở lại cung, hầu hạ bà cả đời.
Năm Khang Hy thứ 26 (1687), Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu qua đời, khi đó Tô Ma Lạt đã bước sang tuổi 70. Tuổi cao, thêm vào đó là sự mất mát quá lớn khiến bà đổ bệnh. Lo lắng cho “ngạch nương”, Khang Hy Đế đã giao thập nhị a ca Dận Đào, khi đó mới 3 tuổi, cho bà nuôi nấng, bất chấp quy định của triều Thành, chỉ có cấp bậc Tần trở lên mới được nuôi dưỡng hoàng tử.
Báo đáp lại “ân huệ” đặc biệt này của Hoàng đế, bà hết mực yêu thương, nuôi dưỡng cho Hoàng tử. Nhờ sự chăm sóc, dạy bảo tận tình của Tô Ma Lạt, Đào Dận mau chóng trưởng thành, nhiều lần tham gia giải quyết việc chính sự. Tuy nhiên, trong khi nhiều huynh đệ khác bị cuốn vào cuộc chiến giành ngai vị, Đào Dận không một chút tơ tưởng. Cũng chính vì vậy, ông đều được Khang Hy và Ung Chính hết sức trọng dụng.
Được Tô Ma Lạt nuôi dưỡng từ nhỏ, nên Đào Dận có tình cảm rất đặc biệt với bà. Do đó, khi Tô Ma Lạt đổ bệnh nặng, cả ông và Khang Hy đều hết sức đau lòng. Đặc biệt là Khang Hy Đế, dù đang vi hành, nhưng ông vẫn gửi tin người hầu phải chăm sóc chu đáo cho bà, truyền người đêm thảo mộc quý, giúp bà bồi bổ.
Năm Khang Hy thứ 44 (1705), bệnh tình của Tô Ma Lạt trở nên trầm trọng khi đại tiện ra máu và không thể ăn uống bất kỳ thứ gì. Hay tin “ngạch nương” khó lòng qua khỏi, Khang Hy khi đang vi hành đã truyền tin báo về cung điện: “Nếu ngạch nương có chuyện, phải giữ lại 7 ngày mới được phép nhập liệm”. Mục đích của ông là có thể nhìn mặt mẫu thân đáng kính lần cuối, cũng như nói lời tạm biệt với bà. Điều này cho thấy tình cảm sâu sắc giữa Khang Hy đế và “ngạch nương”.
Chính Khang Hy cũng là người tận tay lo liệu hậu sự, thậm chí còn để tang bà. Phần linh cữu của Tô Ma Lạt sau đó được đặt ở gần linh cữu của Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu. Khi Ung Chính lên ngôi, ông đã cho tu sửa lại lăng mộ của bà.
Cuộc đời Tô Ma Lạt có hai nguyên tắc kỳ lạ mà tới nay vẫn chưa có ai lý giải được. Thứ nhất, bà không bao giờ tắm. Mỗi năm, khi dịp Tết đến, bà cũng chỉ dùng một lượng nhỏ nước để “thanh tẩy” cơ thể. Thứ hai, bà không bao giờ uống thuốc, bất kể bệnh tình trầm trọng ra sao. Mặc dù hai thói quen trên khá khó hiểu và phản khoa học, tuy nhiên bà vẫn có thể sống thọ tới hơn 90 tuổi, một cuộc đời đủ dài đối với một cung nữ được tôn kính hơn nhiều hoàng thân quốc thích.