“Hồng nhan bạc phận”, người xưa có câu nói này để chỉ các cô gái có nhan sắc xinh đẹp nhưng cuộc đời lại không được thuận buồm xuôi gió. Và để nói về số phận bi thảm, bạc mệnh của giai nhân không thể không nói đến cô Phượng Hàng Ngang - 1 trong Tứ đại mỹ nhân Hà thành xưa. Người con gái được mệnh danh là Tây Thi phố Cổ vì nhan sắc tuyệt vời.
Vị giai nhân có nhan sắc "chim sa cá lặn"
Cô Phượng có tên đầy đủ là Vương Thị Phượng, sinh ra trong một gia đình buôn bán vô cùng giàu có ở phố cổ. Từ khi sinh ra, cô đã sở hữu làn da trắng nõn nà như trứng gà bóc, gương mặt thanh tú, xinh đẹp, ngón tay búp măng mềm mại khiến ai thấy cũng yêu.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan, trong cuốn hồi ký “Những năm tháng ấy” đã dành những từ ngữ hoa mỹ nhất để mô tả vẻ xuân sắc của người đẹp: "Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười.
Gò má cô hơi cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlene Dietrich lừng danh thời bấy giờ".
Cha mẹ cô Phượng rất cưng chiều và yêu thương con gái. Họ cho mời thầy về nhà để dạy cô cầm, kỳ, thi, họa. Chính vì nhan sắc và tài năng ấy đã khiến cho biết bao công tử, đại gia thời bấy giờ mê mệt.
Theo truyền tụng thì bất cứ ai đi qua cửa hàng nhà cô Phượng cũng ngoái đầu hay kiếm cớ đi đi lại lại để ngắm cô. Khi tàu điện chạy qua phố Hàng Ngang, không ai bảo ai, tất cả hành khách đều hướng mắt về phía dãy nhà mang số chẵn, đó là nơi cô Phượng vẫn hay đứng bán hàng cho nhà mình.
Cha cô Phượng là người gốc Hoa, bởi vậy nên gia đình muốn tìm và gả cô cho một người Hoa khác. Cuối cùng, cô được gả cho A Cẩu - cháu của ông chủ buôn tơ lụa Phan Vạn Thành. Thời ấy, chuyện hôn nhân của con là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nên cô Phượng phải nguyện ý.
Hằng ngày, cô Phượng làm việc ở cửa hàng tơ lụa, gấm vóc của nhà chồng. Công việc trong nhà cô chẳng phải đụng tay tới bởi có kẻ hầu người hạ lo hết. Cha mẹ chồng vô cùng yêu mến cô con dâu này. Sau khi cô Phượng sinh con trai thì lại càng được cưng chiều hơn nữa.
Nhan sắc xinh đẹp của cô Phượng.
Nhà chồng chẳng có gì để chê nhưng chồng cô lại là hạng công tử bột “tốt mã giẻ cùi” chẳng biết làm gì.
A Cẩu ăn chơi, rượu chè không món nào thiếu. Anh ta chỉ coi việc lấy được cô Phượng như việc hoàn thành lời thách đố của bạn bè mà thôi. Cô Phượng trong mắt chồng trở thành chiến lợi phẩm, một thứ đồ trang trí đắt tiền mà thôi.
Trái ngược với bố mẹ chồng yêu mến dâu, chồng cô Phượng lại vũ phu cục cằn, hay ghen và gái gú. Anh ta thậm chí còn đánh vợ nếu có chuyện không vừa ý. Lấy phải người chồng không yêu thương đã làm nên bi kịch cuộc đời cô Phượng.
Bỏ chồng giàu chạy theo nhân tình và cuộc đời bi thảm
Sau này, cô Phượng gặp gỡ nhà báo Hoàng Tích Chu. Hai người sớm đồng cảm với nhau và nảy sinh tình yêu. Cũng chính vì điều này mà cô đã đưa ra quyết định táo bạo nhất cuộc đời đó là bỏ trốn theo nhân tình vào Sài Gòn và chỉ để lại cho gia đình một lá thư từ biệt.
Câu chuyện này gây rúng động phố Cổ. Người cho rằng cô là kẻ dâm loạn, nhẫn tâm khi bỏ lại chồng con và cuộc sống vinh hoa phú quý. Kẻ lại khen cô dám đạp lên lề thói đạo đức để theo tiếng gọi con tim.
Thế nhưng cô Phượng và nhà báo Hoàng Tích Chu không thể ở bên nhau lâu dài và ông phải sang Pháp học nghề báo. Ông viết một lá thư gửi cha mình - quan tri huyện Bình Lục (Hà Nam) rồi đưa cho cô Phượng.
Khi đó, ông dặn cô về đưa lá thư cho cha mình và mong cha sẽ nhận Phượng như dâu con trong nhà. Thế nhưng cha của họ Hoàng không đồng ý, sai người đưa cô Phượng về xin lỗi chồng nhưng không thành, A Cẩu không chấp nhận vợ nữa. Khi ấy, bố mẹ đều đã qua đời nên cô Phượng đành buôn bán để nuôi thân chờ Hoàng Tích Chu quay lại.
Thế nhưng một lần cô bị lừa đến khánh kiệt gia sản, mất hết vốn liếng. Chẳng còn cách nào, cô đành nhờ sự giúp đỡ của những người đàn ông vây quanh.
Lúc đó có một người đàn ông tên Lưu giàu có và si mê cô Phượng. Thế nhưng ông ta đã có vợ, vợ còn nổi tiếng vì ghê gớm và “máu Hoạn Thư”. Ông Lưu thuê cho cô Phượng một ngôi nhà bên Long Biên để qua lại tình tự.
Chẳng bao lâu sau vợ Lưu biết chuyện và ngăn cản quyết liệt chuyện tình sai trái này. Lưu đành bỏ rơi Phượng. Cô quá đau khổ nên quyết định lên Hưng Yên xuất gia nhưng bất thành.
Một thời gian sau, viên tham tán tên Bách ghé ngôi chùa đó và gặp cô Phượng. Ngay tức khắc, ông ta mê đắm nhan sắc của cô và đòi cưới cô làm vợ. Lúc đó, ông thậm chí còn đưa vợ cả lên để làm lễ, rước Phượng về làm vợ lẽ.
Cuộc đời của giai nhân tuyệt sắc quá bi thảm. (Cô Phượng ngồi cao nhất).
Thế nhưng vì nhan sắc mĩ miều lại được chồng chiều nên vợ cả của tham tán ghen tuông. Sau này, ông được bổ nhiệm chức mới tại Lai Châu, người vợ cả thu xếp để tham tán và cô Phượng lên trước, mình sẽ theo sau. Tuy nhiên, sau đó bà ta đã cho Phượng uống một loại thuốc khiến cô ốm đau, nửa điên nửa dại, lúc khóc lúc cười.
Ngài tham tán đành cho người đưa cô quay về Hà Nội. Lúc đó, trong túi cô Phượng còn vẻn vẹn 15 đồng bạc, bà quay về Gia Lâm và nương nhờ vào một bà hàng xóm tốt bụng. Bà già tốt bụng vì thương tình mà trông nom cô như con đẻ. Nhưng vì bệnh tật quá nặng, bà đành gửi cô Phượng vào nhà thương. Một tuần sau, cô Phượng qua đời.
Cả cuộc đời cô Phượng đã khiến không biết bao nhiêu gã đàn phải si mê nhưng đến khi chết lại chỉ có một người tình cũ rủ lòng thương, khắc cho cô một tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".
Cuộc đời Vương Thị Phượng được chia thành hai nửa. Đầu đời cô Phượng sống an yên bên cạnh cha mẹ giàu có nhưng sau khi lấy chồng đã phải rẽ hướng khác, không thoát khỏi một kiếp hồng nhan bạc phận.