Bên cạnh Gia Cát Lượng, Tào Tháo, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung cũng đề cập đến những nhân vật kiệt xuất khác thời Tam quốc như Quan Vũ, Tôn Quyền, ngũ hổ tướng Thục Hán… Loạt bài này sẽ làm rõ những tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết cũng như khai thác yếu tố mà Tam quốc diễn nghĩa không đề cập đến.
Theo trang mạng TimeTW, Lã Mông (178-220), tự Tử Minh, người Phú Bi, huyện Nhữ Nam, Trung Quốc. Ông là danh tướng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc thời cổ đại.
Danh tướng văn võ song toàn
Lã Mông sinh ra trong thời chiến loạn, phải sống trong cảnh nghèo khổ. Lớn lên, ông nương nhờ người anh rể là Đặng Dương, vốn là tướng dưới quyền của Tôn Sách, thủ lĩnh ở Giang Đông.
Năm 16 tuổi, Lã Mông giấu gia đình, bí mật theo Đặng Dương chinh phạt quân San Việt. Sau này, Đặng Dương phát hiện ra Lã Mông làm lính trong quân của mình nên đem việc này nói với mẹ ông khiến bà rất tức giận, mắng ông và không cho ông tòng quân.
Lã Mông liền giải thích với mẹ rằng, “Chúng ta không thể sống nghèo khổ mãi, nếu có thể tự chứng tỏ bản thân qua những công việc khó khăn, thì sự giàu sang mới có thể đến với mình. Nếu không vào hang hổ thì làm sao mà có thể bắt được hổ con”.
Bà mẹ nghe lời giải thích của ông cũng rất cảm động, nên đồng ý cho ông đi theo con đường của riêng mình, trở thành bộ hạ cho thủ lĩnh Giang Đông là Tôn Sách.
Năm 200, Tôn Sách qua đời, em trai là Tôn Quyền lên nắm quyền. Khi duyệt binh, Tôn Quyền nhìn thấy đội ngũ của Lã Mông thì rất hài lòng, nhận định Lã Mông có tài trị quân, bèn giao thêm binh sĩ.
Về sau, Lã Mông theo Tôn Quyền chinh chiến khắp nơi, bao gồm đại chiến Xích Bích, lập nhiều đại công, gây dựng thanh danh.
Lã Mông vốn là võ tướng, không màng đến việc "dùi mài kinh sử". Có lần, Tôn Quyền bèn khuyên ông đọc sách. Nhưng ông thoái thác nói công việc bận không có thời gian.
Tôn Quyền lại khuyên: "Ta chỉ cần ngươi đọc hiểu sách vở. Lẽ nào ngươi còn bận hơn cả ta?". Từ đó, Lã Mông mới bắt đầu động đến sách vở, tri thức nhanh chóng vượt xa nhiều văn thần cùng thời. Trong khi đó, Lỗ Túc có phần xem thường Lã Mông.
Một lần, Túc đi qua nhà Lã Mông, vừa hay nghe thấy Lã Mông nói về 5 kế sách phòng bị Quan Vũ. Lỗ Túc nghe xong ngỡ ngàng, thốt lên: "(Lã Mông) không còn là Ngô hạ A Mông nữa rồi".
Lã Mông đáp: “Kẻ sĩ ba ngày không gặp nhau thì nên rửa mắt mà nhìn”. Từ đó, Lỗ Túc và Lã Mông trở thành bạn tốt.
Chiếm Kinh Châu, uy chấn Trung Hoa
Năm 217, đại thần Đông Ngô, Lỗ Túc qua đời, Lã Mông trở thành Đại đô đốc, nhân vật quyền lực số hai dưới trướng Tôn Quyền. So với Lỗ Túc luôn chủ trương “dĩ hòa vi quý” với Thục Hán, Lã Mông lại là người luôn phản đối Tôn Quyền liên minh cùng Lưu Bị.
Nhờ sự tư vấn của Lã Mông, Tôn Quyền xuôi theo chiến lược đánh Kinh Châu, triệt hạ tận gốc Quan Vũ. Bởi Lã Mông luôn cho rằng, “Quan Vũ quá mạnh, phải diệt đi mới yên tâm”.
Nhân lúc Quan Vũ tập trung đánh Phàn Thành, Lã Mông âm thầm đưa quân vượt sông. Lã Mông dùng chiến lược Bạch y độ giang, ra lệnh cho quân sĩ mặc đồ trắng, cải trang thành thương nhân qua sông, đồng thời cử tinh binh mai phục trong các thuyền nhỏ, do đó nhanh chóng vượt qua các chốt phòng thủ gần bờ sông của Quan Vũ, vượt sông tiến vào vùng Kinh châu.
Trong khi Quan Vũ chưa biết tin tức gì về hoạt động của quân Đông Ngô, Lã Mông nhanh chóng đoạt được Nam quân, rồi sai Ngu Phiên đến thuyết hàng hai tướng Phó Sĩ Nhân và Mi Phương. Hai tướng này vốn bất mãn với Quan công nên đồng ý, đầu hàng, dâng thành cho Tôn Quyền.
Có thể nói, phần lớn công lao trong chiến dịch này thuộc về Lã Mông. Kinh châu cũng là trận đánh đỉnh cao nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông.
Lã Mông lại dùng chính sách Hoài Nhu, ra lệnh cho quân lính không được cướp đoạt và chém giết bách tính vô tội. Lúc đó có người đồng hương với Lã Mông ăn bớt vật tư, bị sĩ tốt phát hiện. Lã Mông không vì nể tình riêng, ra lệnh xử tử người đó khiến quân sĩ rất khâm phục.
Lã Mông còn tìm cách lấy lòng dân chúng, thăm hỏi người già, tặng thuốc cho người bệnh,... Đối với tài sản của Quan Vũ, Lã Mông cho phong bế lại và đưa lên Tôn Quyền, tuyệt đối không cắt xén một xu.
Quan Vũ sau khi biết chuyện Kinh châu thất thủ, vội vã chạy về Mạch Thành. Tuy nhiên, quân sĩ của Quan Vũ lần lượt ra hàng Đông Ngô. Tôn Quyền lại sai Phan Chương, Chu Nhiên chặn đường chạy về phía tây của Quan Vân Trường. Ngày 2/1/220, Quan Vũ bị bắt và bị chém đầu không lâu sau đó, Kinh Châu hoàn toàn thất thủ.
Cái chết bí ẩn
Sau khi lập đại công, Lã Mông được Tôn Quyền thăng chức Nam quận thái thú, tước Sàn Lăng hầu, ban 5000 cân hoàng kim. Lã Mông cáo ốm, thoái thác không nhận nhưng Tôn Quyền nhất quyết không đồng ý, vẫn phong chức tước và của cải quý.
Vài tháng sau, Lã Mông lâm bệnh nặng, qua đời ở tuổi 43. Cái chết của Lã Mông được La Quán Trung, tác giả tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa hư cấu theo hướng thần thánh hóa Quan Vũ.
Theo đó, trong buổi đại tiệc ăn mừng việc chiếm được Kinh Châu, "hồn" của Quan Vũ nhập vào xác Lã Mông, tự xưng là "Hán Thọ Đình hầu", chửi mắng Tôn Quyền một lúc rồi vật chết Lã Mông tại chỗ.
Có người còn đặt ra giả thuyết rằng, Tôn Quyền đã hạ độc Lã Mông để xoa dịu cơn giận của Lưu Bị. Mặt khác, những người này nhận định, Tôn Quyền cảm thấy công trạng của Lã Mông càng lớn, uy của mình sẽ càng yếu ớt dần, lại thấy Lã Mông tiện tay giết Quan Vũ, chọc giận Lưu Bị nên đã ra tay.
Giả thuyết này không được các học giả Trung Quốc ủng hộ, bởi Tôn Quyền đã xây dựng Đông Ngô hùng mạnh, không kém Lưu Bị kể từ sau trận Xích Bích.
Khi Lã Mông ngã bệnh, Tôn Quyền vô cùng lo lắng, xây nội điện cho ông nghỉ ngơi và mời danh y đến chữa trị, đồng thời rất quan tâm đến bệnh tình của ông.
Khi Lã Mông ăn được thì Tôn Quyền tỏ ra vui mừng, còn khi bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng thì Tôn Quyền rất lo lắng. Khi thấy tình trạng bệnh của ông có cải thiện, Tôn Quyền mới lại triệu tập quần thần. Điều này chứng tỏ Tôn Quyền rất xem trọng Lã Mông.
Giả thuyết được đa số học giả Trung Quốc ủng hộ và cũng hợp lý nhất là việc Lã Mông qua đời do bệnh cũ tái phát.
Gia tộc họ Lã vốn có sức khỏe không được tốt. Lã Mông thường làm việc quên mình, lại có tật thích uống rượu nên bệnh về gan, dạ dày ngày càng nghiêm trọng.
Trong chiến dịch tập kích Kinh Châu, Lã Mông làm việc căng thẳng suốt ngày đêm nên thường xuyên bị thổ huyết. Học giả Trần Văn Đức viết trong cuốn "Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện" rằng, có thể Lã Mông đã bị viêm loét dạ dày tới thời kỳ trầm trọng.
Khi biết mình không còn sống được bao lâu nữa, Lã Mông gượng dậy, nhắc Tôn Quyền mở tiệc mừng công tướng sĩ. Bữa tiệc vốn bị trì hoãn trong thời gian Lã Mông ốm nặng. Tôn Quyền nghe tin rất vui, lệnh cho mở đại tiệc.
Tại buổi tiệc, Tôn Quyền hết lời ca ngợi, đề cao Lã Mông trước bá quan vì đã có công lớn thu hồi được Kinh Châu, điều mà những người tiền nhiệm như Chu Du, Lỗ Túc không làm được.
Các tướng lĩnh, quan viên văn võ lần lượt đến nâng ly chúc mừng còn Lã Mông cũng vui vẻ nâng ly đáp tạ. Ngay lúc đó, xuất hiện dạ dày bột phát, Lã Mông gục xuống ngay tại bàn tiệc. Trước khi chết, Lã Mông sai người đem những vàng bạc của cải của Tôn Quyền giao tặng trả lại hết cho triều đình, và dặn dò làm lễ tang chỉ nên giản đơn.
Tác giả cuốn Tam quốc chí, Trần Thọ khen Lã Mông là người mưu dũng song toàn, có nhiều mưu kế giỏi và kì diệu như dụ hàng Hác Phổ, bắt Quan Vũ...
Năm 1959, trong chuyến công tác tại tỉnh An Huy, Mao Trạch Đông đã có lời khen ngợi đối với Lã Mông, cho ông là người kiêu hùng dũng lược, chí khí và đánh giá cao những thành tích mà Lã Mông đạt được.
Có thể nói, Lã Mông cùng với Chu Du, Lỗ Túc và Lục Tốn là Đông Ngô tứ đại Đô đốc, những người nắm toàn quyền cai quản quân đội, quyền lực chỉ xếp sau Tôn Quyền.