|
Sách Sơn Nam - Đi và ghi nhớ. Ảnh: NXB Trẻ. |
Tầm vóc của nhà văn Sơn Nam - “ông già Nam Bộ” đã được khẳng định từ lâu trong nền văn chương Việt Nam. Tinh thần tự do, nhân ái, hòa khí và những hiểu biết của ông tạo ra mạch ngầm chảy mãi trong văn chương, trong lòng bạn đọc. Sức viết của ông rất dồi dào, đáng nể với di sản văn hóa là nhiều bộ sách văn học, công trình biên khảo để lại cho đời.
Cuộc sống có nhiều biến động, không ít tác phẩm, bài viết của nhà văn - nhà báo Sơn Nam bị lưu lạc. Trong nỗ lực tìm kiếm, tập hợp và đưa những bài viết nổi tiếng một thời của ông đến với công chúng ngày nay, Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt tập sách Sơn Nam - Đi và ghi nhớ.
Đây là một tập sách dày dặn với 56 bài báo của Sơn Nam đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay cùng một số báo khác trước năm 1975. Với hơn 300 trang, tác phẩm Sơn Nam - Đi và ghi nhớ trong lần in này gồm những bài báo thuộc các chủ đề, thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu là khảo cứu các vấn đề về lịch sử, văn hóa, tập quán của con người Sài Gòn - Nam Bộ xưa và nay.
Trong cuốn sách này, ta có thể tìm được những bài viết giá trị của ông về khía cạnh văn hóa của các vùng đất, như “Nhớ Sài Gòn - Gia Định từ thuở sơ khai”, “Sức sống cư dân vùng châu thổ sông Cửu Long”, “Thương cảng Sài Gòn hình thành và phát triển”, “100 năm trước Sài Gòn”, “Về với Bến Tre...”.
Các bài viết về con người, phong tục tập quán, đời sống tinh thần thì có “Biên giới & văn hóa tâm linh”, “Người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn”, “Vài nét văn hóa dân tộc qua lễ Kỳ Yên ở đình làng Nam Bộ”, “Người Sài Gòn phóng khoáng, tình nghĩa”, “Đám cưới thời xưa, thời nay”, “Cá tính dân Sài Gòn qua địa lý”, “Mâm cơm Tết Nam Bộ”... Hay các bài về nhân vật và tác phẩm: “Suy nghĩ tản mạn nhân đọc sách Chùa Thiên Mụ”, “Kể chuyện Vương Hồng Sển”, “Tình riêng”, “Lạm bàn về sách báo Sài Gòn”, “Lai rai ba món ở Sài Gòn”, “Đọc Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông”...
Kho kiến thức rộng lớn của Sơn Nam về đất và người Nam Bộ thể hiện rất rõ trong những bài báo. Kiến thức uyên bác, thâm sâu, vốn sống dồi dào là vậy nhưng ông vẫn chuộng lối hành văn đơn giản, gần gũi, bình dị nhất để mọi tầng lớp độc giả đều có thể tiếp cận tác phẩm, dễ đọc, dễ hiểu. Tâm và tài của Sơn Nam cùng những tác phẩm của ông, từ văn chương đến báo chí là thứ mà biết bao nhiêu bạn văn, bạn báo, bạn viết, bạn đọc... phải nghiêng mình kính nể.
Đọc cuốn sách để hiểu “ông già đi bộ” Sơn Nam đã đi bộ gần như cả cuộc đời để “đi và ghi nhớ”, giúp hậu thế có được một kho di sản đáng giá.