Được dựng lên sau một trận cuồng ghen của thổ ty Sùng Chúa Đà. Cột đá ấy trở thành nơi tra tấn, giết chóc kinh hoàng nhất. Hơn 200 năm có lẻ, cột đá Sùng Chúa Đà vẫn không mảy may sứt sẹo, dù chỉ một miếng nhỏ.
Sau trận cuồng ghen
Mấy năm trở lại đây, khách du lịch lên vùng Hà Giang đều tò mò về cột đá được đặt tại góc sân của bảo tàng. Vỏn vẹn một tấm bia ghi chú thích: “Cột đá – Tương truyền rằng, khoảng thế kỷ thứ XVIII (cách nay hơn 200 năm), tại Đường Thượng, huyện Yên Minh có một thổ ty phong kiến người Mông tên là Sùng Chúa Đà khét tiếng tàn ác – Đã sử dụng cột đá này để trừng trị những người vi phạm luật lệ do hắn đặt ra”.
“Luật lệ” do Sùng Chúa Đà đặt ra là luật gì? Hỏi ai cũng lắc đầu không biết. Hỏi ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang, ông Hợp suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Có thể là luật lệ về hôn thú, tình ái”.
Điều đó được ông dẫn giải về trận cuồng ghen của Sùng Chúa Đà với vợ bé. Cho rằng vợ bé đã ngoại tình, Sùng Chúa Đà cho bắt giam đôi “gian phu dâm phụ” lại tra tấn.
Tên thổ ty này nghĩ ra một trò mới khiến kẻ phản bội mình phải chết đau đớn. Hắn cho người đẽo một cột đá rồi dựng trước nhà. Đó là nơi mà Sùng Chúa Đà đã hành quyết vợ mình cùng người tình của vợ.
Sau đó, với quyền lực của một thổ ty, Sùng Chúa Đà đặt ra luật lệ hà khắc. Tất cả những kẻ ngoại tình, những kẻ phạm luật đều bị đưa ra cột đá để hành quyết.
Chuyện có đúng như vậy hay không, thì ông Hợp cũng không dám chắc. Bởi vậy, ở bia giới thiệu, bảo tàng cũng thận trọng với 3 chữ đầu tiên: Tương truyền rằng.
|
Đường đến xã Đường Thượng, nơi thổ ty Sùng Chúa Đà từng sinh sống. |
Cận cảnh cột đá
Trước khi ngược đường lên Đường Thượng (Yên Minh), nơi cột đá được chế tác hơn 200 năm trước, chúng tôi nán lại bên hiện vật để hiểu hơn căn cơ phát xuất lẫn một bố cục điêu khắc được các nhà khảo cổ đánh giá là công cụ giết người “độc nhất vô nhị” trên thế giới.
Cột đá cao 1,9m hoàn toàn là đá nguyên khối. Cột đá hình tròn, có đường kính 60cm. Phần chân đế của cột cũng bằng đá liền khối, tạo cho nó một thế đứng vững chãi. Phần ngọn cột đá có loe ra như hình dạng của cánh máy bay, ở giữa hai cánh có hai lỗ.
Khi một người trưởng thành đứng áp mặt vào cột đá, thì hai lỗ của cột đá sẽ trùng khít vào hai bờ vai. Nếu đút hai tay vào hai lỗ được khoét ở hai cánh thì bao giờ cũng vừa khít. Tư thế gông cùm bằng đá ấy khiến người ta tưởng tượng cái chết từ từ rồi khô queo lại giữa cái nắng của cao nguyên đá.
Đã hơn 200 năm, tất nhiên những người chứng kiến các vụ hành quyết tàn bạo ấy chẳng ai còn sống, cũng không có một hình ảnh hay hồ sơ nào ghi chép lại. Chỉ có thể đối mặt với cột đá, và với trực giác của một người bình thường, chúng ta cũng đủ những rùng rợn về những cái chết do Sùng Chúa Đà gây ra.
|
Cột đá Sùng Chúa Đà. |
Chuyện ở Đường Thượng
Ngược cổng trời Quản Bạ, qua vùng Mậu Duệ để đến Đường Thượng. Con đường toàn đá hộc, đá nhọn lởm chởm dẫn vào vùng đất vốn là thủ phủ của cây thuốc phiện.
Đường Thượng hiện ra, toàn núi với rừng. Con người sống nơi đây thưa thớt, vẫn nghèo nàn và hoang vắng, chỉ những tiếng cười trên lưng chừng rẫy vọng lại là giòn tan.
Hỏi chuyện một cô gái đứng ven cụm cúc tần về thổ ty Sùng Chúa Đà. Cô gái lắc đầu, chỉ tay vào trong nhà. Bước qua hàng rào đá vào nhà trình tường đã rỗ đất gặp một ông cụ tên Giàng Pá Sủ. Cụ Sủ không biết mình đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết qua khoảng 80 cái chợ tình.
“Cái chuyện chúa đất Sùng Chúa Đà có thật đấy. Tao trước vẫn được nghe kể nhiều. Hồi bé tao còn lên núi vào trong đấy chơi. Nhưng nó có giết người, giết vợ hay không thì không ai nhìn thấy đâu”, cụ Sủ cho hay.
Nhưng điều mà cụ Sủ chắc chắc về một trong những luật lệ mà Sùng Chúa Đà đặt ra với dân bản là hành quyết tất cả những kẻ phạm tội ngoại tình. Cả trai lẫn gái sẽ bị đem ra cột đá, xỏ tay vào lỗ gông, áp mặt vào cột phơi giữa trời nắng cho tới chết.
Ở Đường Thượng bây giờ, ngôi nhà của thổ ty Sùng Chúa Đà đã bị san phẳng. Chỉ còn lại đấy khu vườn rậm rịt cây cối cùng một ít đất mà người ta gọi là nền nhà. Trước khu đất này là nơi đặt cột đá. Tại đây, theo ước tính sau những câu chuyện góp nhặt thì có khoảng 50 người đã chết sau những đợt hành quyết dã man của Sùng Chúa Đà.
Tất nhiên, tính xác thực của nó thì không chắc chắn. Bởi những câu chuyện cứ lan man không đầu không cuối, không căn cứ cũng chẳng bằng chứng hồ sơ. Thế nên, chính người bản địa cũng mơ hồ và coi đây là một câu chuyện của quá khứ. Câu chuyện của cái chết và luật lệ.
|
Mỗi bên có một lỗ nhỏ để bắt nạn nhân thò tay vào. |
Nên đặt ở đâu?
Trong một lần đi điền dã để khảo sát văn hóa, ông Âu Văn Hợp đã vô tình phát hiện ra cột đá này. Ban đầu, định đặt cột đá tại UBND xã Đường Thượng nhưng như thế thì lại hơi vô duyên. Bởi chẳng có cớ gì lại đặt một chứng tích của tội ác ở một trụ sở ủy ban.
Có người đưa ra phương án chuyển cột đá lên di tích nhà Vương ở tận Đồng Văn. Nhưng như thế càng vô duyên hơn, bởi vua Mèo không có liên hệ gì với thổ ty Sùng Chúa Đà tận Yên Minh.
Cuối cùng, sau rất nhiều bàn bạc. Bảo tàng quyết định đưa về thành phố. Nhưng đưa bằng cách nào thì lại là chuyện khác. “May sao có anh thợ điện có chiếc xe tải nhỏ đi qua. Chúng tôi mới nhờ dân bản dùng xà beng từ từ bẩy xuống dưới rồi dùng cẩu đưa lên xe”, ông Hợp cho hay.
Ở Đường Thượng, bao nhiêu đời nay phải chứng kiến, phải nhìn cái cột đá giết người ấy mà ám ảnh. May thay có người đưa đi hộ thì mừng rỡ vô cùng. Họ hò nhau đem xà beng cuốc xẻng bẩy cái ác đi nơi khác.
Cán bộ bảo tàng đã xuống tận Hà Nội lục tìm những tư liệu nói về cột đá. Họ còn xem cả những tư liệu của người Pháp xem có ghi chép gì không. Nhưng tất cả đều không có một dòng, một dấu để lại.
“Chúng tôi sẵn sàng thay đổi “hồ sơ di tích” nếu như có tư liệu xác đáng nói về cột đá. Tạm thời, cột đá Sùng Chúa Đà là chứng tích của tội ác nhưng nó cũng là một tác phẩm kiến trúc độc đáo nhất”, ông Hợp khẳng định.
Đứng bên cột đá, dẫu không tường chuyện về hiện vật, nhưng khách lạ cũng hiểu đôi phần về một thời xa xưa, ở vùng đất xa xôi có một luật lệ hà khắc. Nhưng chúng ta cũng chỉ nên coi đó là một giai thoại như bảo tàng đã thận trọng chú thích: Tương truyền rằng.
“Theo như chuyện tôi sưu tầm được thì đôi nam nữ phạm luật sẽ phải thọc tay vào hai lỗ đá khoét tròn trên cột. Hai cặp tay trói lại với nhau. Nạn nhân phải đứng ngày nọ qua ngày kia giữa trời cho đến chết. Họ úp mặt vào nhau nhưng không chạm được vào nhau, cũng không nói được với nhau vì bị nhét giẻ vào mồm”.
Ông Âu Văn Hợp (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang)