Vào ngày 18/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đã ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia trong Đợt 12. Trong số 29 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt này, tỉnh Quảng Ngãi đóng góp hiện vật Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và Khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng. Các hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện vật độc đáo, có giá trị độc bản
Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, vào năm 1998, trong lúc tìm phế liệu, ông Nguyễn Văn Luận đã tìm được một số hiện vật lịch sử có giá trị cao ở di tích nền xưởng in tín phiếu của Liên khu 5 giai đoạn 1947-1950 tại địa phận thôn Xà Nay, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng, niên đại từ năm 1947, được chế tác nhằm lưu thông tiền tệ ở khu vực Nam Trung Bộ khi quân Pháp tiến hành bao vây kinh tế để phá hoại các nguồn lực của cuộc kháng chiến chống Pháp.
|
Mặt trước (trên) và mặt sau (dưới) của khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa. |
Trong đó, khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng gồm có hai khuôn dùng để in mặt trước và mặt sau của tờ tín phiếu.
Khuôn in mặt trước của tờ tín phiếu có hình chữ nhật, chính giữa khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải phía trên có hàng chữ quốc ngữ: TÍN PHIẾU MỘT ĐỒNG; phía dưới là hàng chữ “Đại diện Chính phủ Trung ương”, dưới là chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng. Bên trái phía trên góc khuôn có hàng chữ Hán "元 壹" (nhất nguyên) nghĩa là 1 đồng, phía dưới là hàng chữ “Đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ” dưới là chữ ký của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
Phía dưới mặt khuôn hình chữ nhật ở góc bên phải, bên trái có mệnh giá bằng chữ số 1 nằm trong vòng tròn, thể hiện mệnh giá 1 đồng. Đường viền khuôn có trang trí hồi văn. Mặt lưng của khuôn có xuyên 3 lỗ tròn nhỏ dùng để bắt ốc vít cố định khuôn in trong quá trình in tín phiếu.
Khuôn in mặt sau của tờ tín phiếu 1 đồng có hình ảnh người nông dân đang điều khiển một con trâu cày ruộng là biểu tượng người cày có ruộng; góc trên bên phải có hàng chữ "Một đồng", phía dưới là hàng chữ Hán "元 壹" (nhất nguyên). Bên trái khuôn có in hình bông hoa tròn cách điệu, bên trong có mệnh giá là chữ số “1” và ký hiệu đồng. Đường viền khuôn có trang trí hồi văn. Mặt lưng của khuôn có đục xuyên ba lỗ tròn nhỏ dùng để bắt ốc vít cố định khuôn in trong quá trình in tín phiếu.
|
Khuôn in tín phiếu 50 đồng. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa. |
Khuôn in tín phiếu 50 đồng chỉ còn khuôn để in mặt trước. Khuôn có hình chữ nhật, chính giữa khắc hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cạnh trên có hàng chữ “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA”, phía dưới có hàng chữ "Năm mươi đồng" là mệnh giá tín phiếu. Bên phải, phía trên là chữ Hán "信 票" nghĩa là tín phiếu, phía dưới có hàng chữ “Đại diện Chính phủ Trung ương”, dưới là chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng. Bên trái, phía trên ghi chữ Hán "伍 拾 元" (ngũ thập nguyên) nghĩa là 50 đồng; phía dưới có hàng chữ “Đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ”, dưới là chữ ký của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
Đường viền khuôn có trang trí hồi văn và hình tượng: công - nông - binh với ý nghĩa kháng chiến kiến quốc. Hai đầu khuôn có hàn thêm gờ nhô ra, trên đó có đục xuyên 2 lỗ tròn nhỏ dùng để bắt ốc vít cố định khuôn in trong quá trình in tín phiếu.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng là hiện vật lịch sử có hình thức độc đáo, hoa văn sắc nét, kích thước cân đối. Đến nay chưa phát hiện khuôn in có kiểu dáng, trọng lượng tương tự, khẳng định giá trị độc bản.
Vào năm 2021, địa điểm xưởng in tín phiếu của Liên khu V – nơi phát hiện ra các khuôn in nói trên – đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia của Việt Nam.
Câu chuyện lịch sử phía sau hai chiếc khuôn in Bảo vật quốc gia
Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng là những hiện vật gắn với một giai đoạn lịch sử cách mạng đặc biệt của Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, vào năm 1946, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, giấy bạc Cụ Hồ được phát hành cả nước để thay thế đồng bạc Đông Dương. Nhưng từ giữa năm 1947, chiến tranh lan rộng cả nước, quân Pháp tăng cường triệt phá, bao vây kinh tế, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa, tiền tài chính từ Trung ương vào vùng tự do Liên khu 5. Khi ấy, đại diện Bộ Tài chính là Bộ trưởng Lê Văn Hiến và Phạm Văn Đồng đề xuất giải pháp chính quyền miền Nam Trung Bộ in và phát hành tín phiếu để đảm bảo lưu thông tiền tệ, phục vụ kịp thời công cuộc kháng chiến của quân dân khu vực.
Đề xuất được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép vào ngày 18/7/1947. Tháng 9 cùng năm, đồng chí Phạm Văn Đồng và Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ thành lập xưởng in tín phiếu Liên khu 5, gồm 50 cán bộ, công nhân.
Các loại tín phiếu được in và phát hành lúc bấy giờ gồm các mệnh giá 1, 5, 20, 50, 100 và 500 đồng. Họa sĩ Hoàng Kiệt đảm nhận vẽ mẫu, khuôn in do thợ điêu khắc Văn Hồ thực hiện. Giấy in được nhập từ các cơ sở sản xuất ở tỉnh Quảng Ngãi là xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ và xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa. Công nhân dùng bột màu pha với dầu rái để làm mực.
Ban đầu, cơ quan chưa có điều kiện thành lập xưởng giấy riêng nên phải sử dụng vật liệu có chất hơi bở. Sau này, xưởng sản xuất được loại giấy bóng mờ, có ngôi sao chìm hình năm cánh, nhờ vậy ngăn chặn được những hành vi làm giả tín phiếu.
Tín phiếu được lưu hành không chỉ ở vùng tự do, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên mà còn đưa vào buôn bán ở một số nơi địch kiểm soát, như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều này tạo điều kiện giúp công cuộc kháng chiến đi tới thành công, chống lại sự phá hoại về mặt tài chính của quân Pháp.
Năm 1950, chiến dịch Biên giới Thu Đông thắng lợi. Ngày 6/5/1951, Chính phủ có sắc lệnh số 15, thành lập ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng nghĩa với việc xưởng in tín phiếu Liên khu 5 kết thúc nhiệm vụ lịch sử.