Theo cố nhà văn Kim Dung mô tả, Âu Dương Phong hiệu Tây Độc là chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực, là một kẻ độc ác, nhiều mưu mô thủ đoạn. Nhưng lại có võ công rất cao, thường dùng một cây gậy có thả hai con rắn độc ở đầu làm vũ khí. Tuyệt kỹ của y là Cáp mô công và Lục chỉ cầm ma (Cáp mô có nghĩa là con cóc, công phu này mô tả dáng vẻ của một con cóc nên được gọi là Cáp mô công). Với khả năng chế ra các loại thuốc độc không ai giải được, ông bị người trong giang hồ gọi là Lão Độc Vật.
Cáp mô công là môn võ công thượng thừa của Tây Độc Âu Dương Phong mô tả theo dáng vẻ của một con cóc.
Dù xảo quyệt nhưng Âu Dương Phong lại vô cùng thông minh trong lĩnh vực võ học và thuộc hàng Nhất đại tông sư. Tuyệt kỹ đắc ý nhất đời y đó là Cáp mô công, công phu này mô phỏng tư thế con cóc đang ngồi chuẩn bị nhảy. Cáp mô công của Âu Dương Phong chuyên lấy tĩnh chế động, toàn thân vận kình chứa thế, nén khí không phát, chỉ cần địch nhân ra chiêu tấn công sẽ lập tức phát đòn phản kích mãnh liệt không gì bằng. Cách tu luyện nội công theo phái Bạch Đà sơn rất dễ dàng, tiến triển cực nhanh, không như nội công của Toàn Chân giáo cầu căn cơ thực tế. Luyện tập trong 10 năm đầu, công lực của đệ tử phái Bạch Đà sơn tiến triển nhanh hơn hẳn đệ tử của Toàn Chân giáo.
Cả đời Âu Dương Phong vì ham muốn trở thành Đệ nhất thiên hạ nên không ngừng tu luyện và vô cùng thèm khát Cửu âm chân kinh. Sau Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, tuy thất bại nhưng Âu Dương Phong chưa bao giờ từ bỏ việc làm sao để lấy được Cửu âm chân kinh.
Tuy nhiên, Cáp mô công dù lợi hại cũng có khắc tinh, nếu kết hợp Tiên thiên công và Nhất dương chỉ có thể phá giải hoàn toàn công phu Cáp mô công. Vương Trùng Dương trước khi chết đã tìm sang Đại Lý để đổi Tiên thiên công với Nhất dương chỉ của Nam Đế Đoàn Trí Hưng (Nhất Đăng đại sư), ông đã truyền Tiên thiên công cho Nam Đế và ngược lại Nam Đế truyền Nhất dương chỉ cho ông.
Khắc tinh của Cáp mô công là Tiên thiên công và Nhất dương chỉ.
Khi biết tin Vương Trùng Dương ốm nặng sắp qua đời, y liền tìm đến nhằm lấy cắp Cửu âm chân kinh, không ngờ Vương Trùng Dương đã chuẩn bị trước, đánh y trọng thương phế đi công lực 20 năm khiến hắn phải trốn về Bạch Đà sơn tốn suốt 5 năm trời để khôi phục lại công lực.
Sau khi Vương Trùng Dương chết, thì trên đời kẻ duy nhất biết cả hai bộ này là Nhất Đăng đại sư, vì thế Âu Dương Phong luôn coi Nhất Đăng đại sư là kẻ đại thù cần tiêu diệt.
Trong các tác phẩm kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, hầu như chỉ có một người có khả năng sử dụng Cáp mô công đến mức thành thục nhất là Tây Độc Âu Dương Phong. Con trai của Âu Dương Phong là Âu Dương Khắc vì nội công chưa đủ hỏa hầu nên y chưa được Âu Dương Phong truyền thụ môn võ công này.
Về sau trong tác phẩm Thần điêu đại hiệp, Dương Quá được Âu Dương Phong (là cha nuôi) truyền thụ tâm pháp Cáp mô công, cũng đã từng tập luyện nhưng có thể nói là chưa có thành tựu bằng Âu Dương Phong.
Ngoài nguyên tác của cố nhà văn Kim Dung, thì sau khi tác phẩm được chuyển thể thành phim, một số đạo diễn đã thêm tình tiết làm cho môn võ công này càng thêm bí hiểm: Đó là theo lời đồn trên giang hồ thì Cáp mô công là một môn võ công khuyết được trích ra từ Độc Kinh. Một lần tình cờ Âu Dương Phong và người anh đã phát hiện Độc Kinh trong một núi tuyết, nhưng tiếc là chỉ đoạt được nửa quyển, nửa quyển còn lại bị gió thổi bay mất. Có lời đồn rằng nửa quyển Độc Kinh còn lại rơi vào tay Lý Mạc Sầu, với tuyệt kĩ Ngũ độc thần chưởng hoành bá giang hồ.