Chuyên gia lý giải thói quen xưng hô lạ của người Việt

Google News

(Kiến Thức) - Truyền thống coi trọng gia đình, dòng tộc, không coi trọng cá nhân tạo nên cách xưng hô phong phú, tỉ mỉ. Bởi thế, nhiều khi ông già 80 phải gọi đứa trẻ lên 10 là anh, là chú.

Theo các chuyên gia, không nên áp dụng máy móc nguyên tắc này để tôn trọng các cá nhân.
Trẻ 3 tuổi đã lên ông
Cách xưng hô theo họ hàng dòng tộc của người Việt tạo nên những cách gọi rất phức tạp. Một người đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhiều khi vẫn phải gọi đứa trẻ lên 3 là ông, là bác bởi vai vế trong các chi nhánh họ hàng ở thấp hơn đứa trẻ đó. Một đứa trẻ vừa sinh ra nhiều khi cũng đã là bác, là cậu, là ông... Và trong các cuộc ăn uống lễ hội đình làng, những “đứa trẻ ranh” này vì thuộc vai “bề trên” nên cũng được ngồi “chiếu trên”, được trọng vọng như bất kỳ người già cả nào. Ai đó đi xa về, lỡ quên mất vai vế mà không chào người thuộc “cành trên” mình, thế nào cũng bị quở trách.
Lý giải về điều này, PGS.TS Ngô Văn Giá, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, cách xưng hô của người Việt khác các nước phương Tây. Nếu như các nước phương Tây chỉ có 3 ngôi xưng hô thì người Việt với đặc điểm coi trọng gia đình dòng tộc, coi trọng cộng đồng vì đây là mô hình tổ chức sống đầu tiên của người Việt, không coi trọng cá nhân... nên cách xưng hô cũng dựa trên nguyên tắc ấy. Đặc điểm văn minh nông nghiệp, lại trải qua chiến tranh liên miên, cộng đồng dân cư phải cấu kết lại với nhau thành cồng đồng làng, nước, bởi thế con người cá nhân không phát triển. Cách xưng hô cũng phải rất kỹ lưỡng, phân vai theo dòng tộc để gìn giữ mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, họ hàng. Chính cách xưng hô sẽ ràng buộc mối quan hệ đó. Hiếm ở đâu, nơi nào có cách xưng hô phong phú và tỉ mỉ như người Việt, với đủ các vai vế như anh em, chú cháu, cô cậu, di, bác, ông bà, ông bà trẻ, ông bà già, cụ, kị...
Cách xưng hô cứng nhắc theo gia đình dòng tộc, ngày nay đã bộc lộ những điểm hạn chế, làm xấu đi hình ảnh cá nhân, không tôn trọng cá nhân trong các mối quan hệ. Nhược điểm này cần phải được điều chỉnh”, PGS.TS Ngô Văn Giá nhìn nhận.
 Ảnh minh họa.
Lối sống trọng tình chi phối xưng hô
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho rằng, lối sống trọng tình dẫn đến đặc trưng căn bản nhất của văn hóa nông nghiệp là coi trọng tập thể, cộng đồng. Người Việt làm gì cũng phải có tập thể, luôn có tập thể đứng sau. Cách xưng hô thể hiện mối quan hệ ràng buộc của người đó trong cộng đồng. Người Việt tự thấy phải có trách nhiệm, phải quan tâm đến người khác, mà muốn quan tâm thì phải biết rõ hoàn cảnh. Các đại từ xưng hô trong tiếng Việt được phân chia khá tỉ mỉ và gắn liền với cả sắc thái tình cảm, thái độ khi sử dụng. Trong giao tiếp, người Việt có thói quen ưa tìm hiểu, quan sát, đánh giá về tuổi tác, quê quán, trình độ học vấn... của đối tượng giao tiếp. 
Người Việt coi xã hội là sự mở rộng của gia đình, nên gia đình hóa xã hội bằng các cách xưng hô khác nhau. Cơ cấu xã hội là nhà – làng – nước, đất nước cũng có cha mẹ, mô thức xã hội đó khiến các quan hệ xã hội trở nên duy tình. Cách xưng hô làm cho các mối quan hệ trở nên “mềm” hơn. Các kiểu xưng hô trong gia tộc, họ hàng, cành nhánh xuất phát từ sự phân bổ rõ dòng trưởng và thứ trong các gia đình, tạo nên thứ bậc anh em. Quyền của người trưởng nam rất lớn, chỉ dòng trưởng mới được quyền thờ cúng tổ tiên. Từ việc phân chia các dòng rõ ràng trong gia phả như vậy mới dẫn đến hệ quả là có những cháu bé vừa ra đời đã lên chức ông. Cách xưng hô như vậy ngày nay đang xuất hiện những mặt trái, nhưng để thay đổi cách gọi thì không dễ dàng gì.
“Dạo trước người ta có nói đến việc thay đổi cách xưng hô trong cơ quan công sở. Thay vì gọi nhau bằng chú, bác, cô, anh... thì xưng tôi với anh (chị). Tuy nhiên, nói là thế, việc áp dụng gần như là không. Một người nào đó bỗng nhiên xưng tôi với mình là ắt hẳn sắp có chuyện gì đây, không sứt đầu cũng mẻ trán”, GS Ngô Đức Thịnh ví von.
Đi vào thực chất mối quan hệ để xưng hô
Cũng theo PGS.TS Ngô Văn Giá, ngay cả văn hóa cũng có tính bảo thủ, bởi nó là kết tinh sâu lắng nhất trong tâm thức và ngôn ngữ, là thứ “phanh hãm” lại mọi thứ cả tích cực và tiêu cực. Thay đổi trầm tích văn hóa lâu đời này là điều không tưởng. Thay đổi cách xưng hô này rất khó khăn vì nó đã tồn tại kiểu “thâm căn cố đế”. Rõ ràng cách xưng hô như vậy ngoài các mặt tích cực thì có cả tiêu cực. Người sử dụng nó nên phân tích, tìm hiểu kỹ để áp dụng một cách linh động, đừng quá lệ thuộc vào nó, quá coi trọng, đòi hỏi áp dụng một cách ráo riết nó gây ra những phiền toái và tổn thương cá nhân. Việc xưng hô đảm bảo đúng các thứ bậc, trong gia đình thì dễ cảm thông, nhưng nếu ra ngoài xã hội, trong các giao tiếp thông thường mà như thế thì rất phản cảm.
“Mọi người hãy nới lỏng quan niệm ra, đừng quá ràng buộc, coi trọng cá nhân. Bản thân tôi đã trải qua nhiều tình huống mà nếu theo phân vai vế họ tộc, tôi phải gọi người đó là bác, là ông, dù tôi không phải là người còn trẻ nữa. Nhưng có một may mắn là ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú và linh động, có thể áp dụng trong nhiều tình huống mà không làm mất đi trật tự khuôn phép cũng như vẫn đảm bảo các nguyên tắc giao tiếp. Mỗi người hãy cố gắng tìm hiểu mối quan hệ thực chất của mình để có ứng xử phù hợp vẫn đảm bảo cung kính trân trọng, đảm bảo thứ bậc”, PGS.TS Ngô Văn Giá đưa ra lời khuyên.
PGS.TS Ngô Văn Giá lấy ví dụ, trước đây người ta xưng hô giữa giáo viên và học sinh là “thầy – con”, sau này phong trào Bình dân học vụ phát triển, học trò đi học rất đông người có tuổi, già cả, nên việc xưng hô “thầy – con” không phù hợp, người ta chuyển sang xưng “thầy – em”, vừa đảm bảo sự tôn nghiêm, nhưng cũng rất tình cảm. Hiện nay trong mối quan hệ thầy trò, ở các cấp học như tiểu học hay trung học cơ sở, tuổi tác của giáo viên và học sinh chênh lệch lớn, nên nhiều nơi vẫn xưng hô “thầy – con” và thấy vẫn hợp lý.
Để có cách xưng hô, ứng xử phù hợp, hãy hiểu mối quan hệ thực chất, đi vào thực chất mối quan hệ để có cách xưng hô không gây phản cảm, có thể xưng hô thay con, xưng hô tên, xưng hộ một cách thân mật, tình cảm hơn mà vẫn đảm bảo yếu tố nguyên tắc, trật tự trong họ hàng dòng tộc.
Theo các chuyên gia văn hóa, hệ thống quy tắc xưng hô, đại từ để xưng hô của chúng ta thực sự đa dạng, phức tạp. Điều này, chúng ta khá tương đồng Trung Quốc. Chúng ta cùng chịu những ảnh hưởng của Nho giáo, của khái niệm “lễ”. Lễ luôn đề cao vị trí của vai vế. Vai vế rất nhiều. Mà vế nào phải ra vế đấy. Cô, dì, chú, bác đều phải có tên gọi hết, đều phải có vai vế hết. Cái đó là do đặc tính của mối quan hệ Nho giáo.
Hà Bình

>> xem thêm

Bình luận(0)