Vào ngày giải thưởng Nobel văn học 2023 được công bố, Jon Fosse (64 tuổi) - tiểu thuyết gia, nhà viết kịch người Na Uy - đã lái xe đến vùng nông thôn ngoại ô Bergen để thư giãn.
Kể từ năm 2013, ông là ứng viên tiềm năng xuất hiện cố định trong danh sách dự đoán chiến thắng giải Nobel văn học.
"Bạn biết đấy, người chiến thắng có thể là tôi. Nhưng tôi không nghĩ thế", ông cười, nói.
|
Với Jon Fosse, viết lách giống như bước vào những điều chưa biết (Ảnh: Thomas Ekstrom). |
20 phút trước buổi công bố, Jon Fosse nhận được một cuộc gọi từ Mats Malm - Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
"Tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc bất ngờ xâm nhập vào cơ thể và não bộ của mình", Fosse nói, nhưng vẫn không tin đây là sự thật.
"Nếu bạn không tin, hãy xem tôi trên ti vi lúc 13h", Malm trả lời.
Tại buổi lễ diễn ra lúc 13h ngày 6/10 (giờ Stockholm, tức 18h - giờ Hà Nội), Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, vinh danh Jon Fosse vì "những vở kịch và tác phẩm sáng tạo của ông đã đưa lại tiếng nói cho những điều tưởng như không thể nói ra".
Fosse sở hữu gia tài đồ sộ gồm 39 tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn, hơn 40 vở kịch, 13 tập thơ và một số sách thiếu nhi. Tất cả đều được viết bằng tiếng Nynorsk (hay còn gọi là tiếng Na Uy mới).
Tác giả nói việc sáng tác bằng tiếng Nynorsk là lẽ tự nhiên, bởi đây là ngôn ngữ ông được học từ nhỏ, cũng là cách ông tìm kiếm sự mới mẻ, hấp dẫn trong một ngôn ngữ ít được biết đến.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở miền Tây Na Uy vào năm 1959, Fosse suýt mất mạng trong một vụ tai nạn năm lên 7 tuổi.
Asle - một trong những nhân vật của ông - cũng gặp tai nạn tương tự trong tuyển tập truyện Scenes from a Childhood (tạm dịch: Một thời thơ ấu, 1994) và Septology (2021, được nhiều người coi là kiệt tác của ông).
Nhưng trong cả hai trường hợp, những gì đã xảy ra, ngoài việc bị ngã và chảy nhiều máu, vẫn còn mơ hồ.
"Thành thật mà nói, tôi không thích nói về tai nạn năm đó", ông nói. "Tôi mất nhiều máu và có trải nghiệm cận kề cái chết. Tôi nhìn thấy một loại ánh sáng lung linh, yên bình và đẹp đẽ. Trải nghiệm này đã thay đổi tôi một cách cơ bản và có lẽ đã khiến tôi trở thành một nhà văn".
Ở tuổi 20, Fosse đã giành chiến thắng trong một cuộc thi viết ở trường đại học. "Ban giám khảo quyết định rằng tôi chắc chắn là người chiến thắng", ông nhớ lại, nói với The Guardian.
Khi tiểu thuyết đầu tay Red, Black (Đỏ, đen) được xuất bản vào năm 1983, Fosse vẫn còn là sinh viên. Ông coi cuốn Closed Guitar (1985) - giành được nhiều lời khen ngợi không phải ở Na Uy mà là ở Thụy Điển - là bước đột phá của bản thân.
|
Jon Fosse tại Nhà hát Na Uy ở Oslo (Ảnh: The Guardian). |
Trên con đường của một tiểu thuyết gia, việc Fosse trở thành một trong những nhà viết kịch còn sống thành công nhất thế giới (đã có hơn 1.000 tác phẩm từ New York đến Berlin, từ Havana đến Tokyo) diễn ra một cách tình cờ.
Một lời mời vào đầu những năm 1990 đã thôi thúc ông viết vở kịch đầu tiên Nokon kjem til å kome (Ai đó sẽ đến).
Ngay lập tức ông đạt được thành công trên sân khấu Na Uy, nhưng phải sau vở kịch Ai đó sẽ đến được công diễn ở Paris năm 1999 do Claude Régy dàn dựng, Fosse mới trở thành một trong những nhà viết kịch được yêu thích nhất.
"Tôi nghĩ đây là vở kịch hay nhất mà tôi từng xem trong bất kỳ vở kịch nào của mình", Fosse nói.
Nhưng tại Anh, Fosse cảm thấy bị ghét. "Điều đó thật kỳ lạ đối với tôi vì vở kịch được đón nhận nồng nhiệt ở hầu hết các quốc gia, nhưng ở Anh thì mọi chuyện thật khủng khiếp và u ám", ông nói.
Ngay cả khi được tôn vinh, Fosse đã suy sụp. "Cuối cùng tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi với tất cả. Tôi đã uống quá nhiều rượu. Tôi đã viết quá nhiều. Mọi thứ đều quá nhiều".
Cảm thấy bản thân đã "làm cạn kiệt khả năng trở thành nhà viết kịch", ông từ bỏ kịch, quyết định "về nhà viết thơ và văn xuôi".
Không lâu sau đó, vào năm 2012, Fosse sụp đổ hoàn toàn, uống nhiều rượu đến mức bỏ ăn.
"Tôi nghĩ về cơ bản viết lách cũng giống như uống rượu. Khi uống rượu, bạn trở thành một người khác, thoát khỏi con người bình thường của mình. Đối với tôi, viết không phải để thể hiện bản thân mà để thoát khỏi chính mình", ông nói.
Chủ nhân Nobel văn học 2023: Cận kề cái chết khiến tôi trở thành nhà văn - 3
Bộ sách 3 tập "Septology I-VII" được xem là kiệt tác của Jon Fosse (Ảnh: The New York Times).
Sau một vài năm, cùng với văn xuôi, Fosse quay lại viết kịch. Trên thực tế, cuốn tiểu thuyết ngắn mới nhất của ông, A Shining, là phiên bản văn xuôi của một vở kịch mới, In the Black Forest, đã ra rạp ở Oslo hồi tháng 9.
Tuy nhiên, tác phẩm ngắn gọn và đầy ám ảnh này không phải là sự trở lại huy hoàng của Fosse, mà phải kể đến một kiệt tác được xuất bản thời gian gần đây - Septology I-VII (được chia thành 3 tập: The other name, I is another và A new name), với tổng 825 trang.
Bộ Septology nhanh chóng khiến người đọc đắm chìm trong dòng chảy của nó, trở thành một trải nghiệm văn học độc đáo.
Fosse bắt đầu viết Septology vào năm 2012, nhưng tiến độ rất chậm. "Đối với tôi, viết lách giống như bước vào những điều chưa biết", ông nói.
"Theo một cách nào đó, bạn phải rời bỏ chính mình. Và nếu bạn mong manh thì thật đáng sợ khi phải rời bỏ chính mình. Do đó, phải mất vài năm tôi mới thực sự dám bắt đầu viết lại", tác giả tâm sự.
Giống như phần lớn tác phẩm của Fosse, Septology kể về Asle - một nghệ sĩ già sống ở vùng Tây Nam Na Uy xa xôi.
Asle đang vật lộn với thời gian, nghệ thuật và bản ngã. Đó là một tác phẩm phi thường về cuộc khủng hoảng hiện sinh, về sự mất trí nhớ và những bản sao dai dẳng, dù là thực hay tưởng tượng. Cuộc sống đã sống và cuộc sống lẽ ra đã có thể sống, trong con người của một cái bóng khác.
Septology mang theo nỗi hồi hộp và căng thẳng được trình bày liền mạch, không ngắt câu, để người đọc như đang sống cuộc đời của Asle.
Đây cũng là một tác phẩm của niềm tin tôn giáo sâu sắc, trong đó một người đàn ông, một nghệ sĩ và trên hết, một con người cuối cùng đã kết thúc một hành trình:
"Chắc chắn là chỉ khi mọi thứ đen tối nhất, phải thực sự đen tối nhất, thì bạn mới nhìn thấy ánh sáng".