Chân dung 5 người phụ nữ xấu nhất Trung Hoa

Google News

Câu nói “xấu như ma lem” được bắt nguồn từ chính nhan sắc của một trong Ngũ đại xú nhân - Chung Vô Diệm, người nước Tề thời Chiến Quốc.

Lịch sử Trung Hoa ghi nhận Ngũ đại xú nhân là 5 người phụ nữ cực kỳ xấu xí nhưng lại có tài năng xuất chúng, phẩm hạnh cao thượng. Tuy nhan sắc khiến nhiều người phải sợ nhưng những người phụ nữ này đều có công giúp chồng làm nên sự nghiệp lớn lao trong lịch sử Trung Quốc, thậm chí có người trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ.
1. Chung Vô Diệm
(Ảnh minh họa) 
Câu nói “xấu như ma lem” được bắt nguồn từ chính nhan sắc của một trong Ngũ đại xú nhân - Chung Vô Diệm, người nước Tề thời Chiến Quốc.
Chung Vô Diệm tên thật là Chung Li Xuân, người đất Vô Diệm (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Bà có tên thường gọi là Chung Li Vô Diệm, là vợ của Tề Tuyên Vương Điền Tịch Cương, tức là Hoàng hậu nước Tề thời Chiến Quốc.
Sử sách ghi lại nhan sắc của bà như sau: “Chung hậu sinh ra trán cao, mắt sâu, bụng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ lòi ra, cổ to, tóc thưa, lưng gù, da đen đúa...". Chính vì nhan sắc quá xấu xí nên đến 40 tuổi mà Chung Vô Diệm vẫn chưa lấy được chồng. Song trái với vẻ ngoài ma chê quỷ hờn, bà lại là một người vô cùng thông minh, sắc sảo.
Vua Tề Tuyên Vương khi đó không chú tâm vào chính sự mà chỉ thích vui chơi hưởng lạc. Ngay từ lần đầu gặp Chung Vô Diệm khi bà xin tiến cung, ông đã từ chối. Tuy nhiên, bằng những lời lẽ hết sức chân thành và sắc sảo, bà đã khiến vua Tề phải cảm động và nhận ra cái sai của mình.
Vua Tề sau đó liền giải tán việc tiệc tùng và triệu nàng về cung lập làm chánh hậu. Được sự giúp đỡ của Chung Vô Diệm, vua Tề trở nên chú tâm vào trị vì thiên hạ, nước Tề sau đó trở nên hùng mạnh không ngờ. Đã có rất nhiều câu chuyện sau đó được viết để ca ngợi tài năng, đức độ và sự dũng cảm của Chung Vô Diệm.
2. Hoàng Nguyệt Anh
(Ảnh minh họa) 
Hoàng Nguyệt Anh là vợ của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Theo ghi chép, bà có mái tóc vàng và làn da nâu, còn về dung mạo cụ thể thì không được tả rõ. Ghi chép khác thì tả bà có dáng người cao,thon thả nhưng mặt đen đúa đầy mụn nhọt trông rất khó coi. Song dù miêu tả ngoại hình thế nào thì sử sách đều ghi chép lại bà là người phụ nữ hết mực dịu dàng và chu đáo.
Câu nói “tề gia trị quốc bình thiên hạ” quả không sai trong trường hợp này. Khổng Minh đại truyện ghi lại, Gia Cát Lượng sau khi xuất sơn, mọi việc ở nhà đều một tay Hoàng Nguyệt Anh chu toàn tất cả. Với hậu phương vững chắc phía sau, Khổng Minh mới có thể toàn tâm phò trợ cho Lưu Bị.
Tuy nhiên cũng có thuyết kể rằng, Hoàng Nguyệt Anh thực ra là người phụ nữ vô cùng xinh đẹp nhưng bà luôn mang mặt nạ mỗi khi ra ngoài để tránh gây sự chú ý.
3. Mô Mẫu
Mô Mẫu chính là người bị ví như quỷ Dạ Xoa, là người phụ nữ xấu nhất Trung Hoa cổ đại. Sách "Tứ tử giảng đức luận" của Vương Tứ Uyên đời Hán có tả lại nhan sắc của bà như sau: "Mô Mẫu người lùn, dù hiền lành nhưng vẫn không giấu nổi (bộ mặt) xấu. Tuy vậy đức hạnh của Mô Mẫu được phụ nữ đương thời ca ngợi ".
Tuy ngoại hình xấu xí nhưng trí tuệ của Mô Mẫu lại khiến Hoàng Đế phải ngưỡng mộ và cưới bà làm vợ. Truyền thuyết kể lại, việc Hoàng đế đánh bại được Viêm Đế, giết Xi Vưu đều là có công của Mô Mẫu đứng sau giúp sức.
Rất nhiều sách sử xưa đều ghi nhận sự tài năng của bà. Trong "Cửu chương, tích vãng nhật", Khuất Nguyên đánh giá Mô Mẫu rất cao về đức độ, trí thông minh cũng như lòng nhân hậu. Có giai thoại nói rằng, Mô Mẫu chính là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới làm ra chiếc gương soi.
4. Nguyễn Thị
Nguyễn Thị Vốn là con gái của Nguyễn Đức Uy, sau được gả cho Hứa Doãn đời Đông Tấn. Chuyện xưa kể lại, nhan sắc của Nguyễn Thị xấu xí tới mức, đêm động phòng, bà đã khiến Hứa Doãn phải bỏ chạy khỏi phòng tân hôn.
Tuy nhiên trong một lần nói chuyện với vợ, Hứa Doãn đã nhận ra tài năng và vẻ đẹp bên trong của bà, từ đó trở nên yêu mến và quý trọng vợ hơn bao giờ hết.
Sách xưa kể rằng, Hứa Doãn hỏi vợ: “Trong tứ đức thì nàng có mấy đức?”, Nguyễn Thị đáp: "Thiếp chỉ thiếu đức dung. Người quân tử có 100 đức, chàng có được bao nhiêu đức?". Hứa Doãn trả lời: "Ta có đủ 100 đức".
Nguyễn Thị khi đó đã nói những lời khiến Hứa Doãn phải im lặng: "Trong 100 đức, chữ đức đứng đầu. Chàng ham sắc mà khinh tài, vậy có thể coi là đủ một trăm đức không?".
5. Mạnh Quang
Câu nói “Tay nâng ngang mày” chính là câu thành ngữ nói về nàng Mạnh Quang vợ của hiền sĩ Lương Hồng đời Đông Hán. Tương truyền, Mạnh Quang là người phụ nữ xấu xí với vóc dáng to béo, da ngăm đen, khỏe như đàn ông khi có thể bê cả một cối đá.
Thế nhưng, Lương Hồng, một người vô cùng có danh tiếng về trí tuệ lại từ chối tất thảy con gái nhà danh giá và một mực chỉ muốn lấy Mạnh Quang làm vợ.
Sử xưa kể lại, mỗi lần Lương Hồng đi làm về, Mạnh Quang đều dâng mâm cơm lên cao tới ngang mày để thể hiện lòng kính trọng với chồng. Có sách ghi rằng, về sau hai vợ chồng bà đã lên núi ở ẩn, chồng cày cấy, vợ dệt vải, ngày ngày ngâm thơ đàn hát, sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc mãi về sau.
Theo Diệu Ly/Khám Phá

>> xem thêm

Bình luận(0)