Xưa nay, người ta vẫn cho rằng, đàn bà là phải đẹp. Nếu không đẹp xuất chúng thì cũng phải ưa nhìn, đáng yêu. Thế nhưng, ngay cả thời xa xưa khi vai trò của người phụ nữ còn bị xem nhẹ, có những người phụ nữ xấu "ma chê, quỷ hờn" lại khiến các nam nhi, đại trượng phu phải kính nể, xem trọng.
1. Mô Mẫu
Người xấu nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc là Mô Mẫu. Có lẽ bà chính là người đàn bà có ngoại hình xấu xí đến mức ai nhìn vào cũng phải khiếp sợ. Bà bị người đời ví như quỷ Dạ Xoa. Tuy nhiên, trái với diện mạo đáng sợ đó, bà có trí tuệ hơn người, đối xử với mọi người rất hiền đức. Do đó, Hoàng Đế đã không do dự khi quyết lấy bà làm vợ.
Trong "Tứ tử giảng đức luận", Hán Vương Tử Uyên có nói: "Mô mẫu người lùn, dù hiền lành nhưng vẫn không giấu nổi bộ mặt xấu. Tuy vậy đức hạnh của Mô Mẫu được phụ nữ đương thời ca ngợi". Trong "Cửu chương, tích vãng nhật", Khuất Nguyên đã đánh giá Mô Mẫu rất cao, coi bà là hình mẫu về đức độ và tài năng của nữ giới thời đó.
2. Chung Vô Diệm
Chung Vô Diệm sống ở thời kỳ Chiến Quốc, tên thật là Chung Xi Luân, là người vô cùng xấu xí. Bà gắn liền với cái tên “xấu như Ma lem” do người đời đặt riêng cho bà. Dung mạo của bà được miêu tả với những từ ngữ thậm tệ như da xanh ngắt, tóc rối, đầu bẹt, mắt sâu, mũi hếch, hầu lộ trông như quỷ sứ, da đen như bồ hóng.
Tuy vẻ bề ngoài như vậy nhưng bà rất có tài trị quốc, khi còn nhỏ, bà chỉ thích săn bắn, tập võ, múa gươm.
|
(Ảnh minh họa) |
Vua Tề Tuyên Vương khi đó không chú tâm vào chính sự mà chỉ vui chơi hưởng lạc. Một hôm, nhà vua mở tiệc chiêu đãi quần thần thì Chung Vô Diệm xin vào yết kiến. Bà nói với vua Tề rằng bà có thuật có thể đoán trước sự việc rồi giương mắt, vỗ gối, khua tay, lắc đầu.
Vua Tề không hiểu gì cả bắt Chung Vô Diệm giải thích. Chung Vô Diệm nói, thiếp giương mắt để thay bệ hạ nhìn thấy khắp thiên hạ, thiếp vỗ gối để thay bệ hạ phạt cái tật tin dùng bọn gian thần, thiếp xua tay để thay bệ hạ đuổi bọn xu nịnh.
Vua Tề cho rằng không bao giờ có điều đó và tức giận định lôi ra chém. Chung Vô Diệm đã rất bình tĩnh dùng lời lẽ phân tích rõ chính sự trong nước, các mối nguy cấp của nước Tề. Vua Tề nghe ra liền giải tán tiệc tùng và triệu nàng về cung lập làm hoàng hậu. Được sự giúp đỡ của Chung Vô Diệm mà nước Tề sau đó đã trở nên hùng mạnh.
3. Hoàng Nguyệt Anh
Hoàng Nguyệt Anh là vợ Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam quốc. Theo mô tả trong lịch sử thì bà có mái tóc vàng và làn da nâu, còn về dung mạo như thế nào thì không được mô tả lại.
Có sách tả bà dáng người cao, thon thả nhưng mặt đen đúa đầy mụn nhọt trông rất khó coi, sách khác lại tả bà hình dáng thô kệch, thấp bé đen gầy, khuôn mặt đầy rỗ. Tuy thế, bà lại là một người phụ nữ rất dịu dàng và chu đáo, tài giỏi không thua kém chồng mình.
Khổng Minh đại truyện có ghi rõ, thừa tướng Gia Cát sau khi xuất sơn,mọi việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhân chu toàn tất cả, vợ chồng kính nhau như khách, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì. Nếu không nhờ có bà làm hậu phương vững chắc phía sau, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm phò trợ cho Lưu Bị.
Có ý kiến cho rằng Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ có nhan sắc mĩ miều, xinh đẹp tuyệt trần nhưng lại cố ý đeo mặt nạ xấu xí để tìm được "người anh hùng thật sự" của mình. Khổng Minh nghe tiếng Hoàng Nguyệt Anh tài giỏi phi thường, đã bất chấp mọi tin đồn không hay về nhan sắc của bà và đến cầu hôn.
Hoàng Nguyệt Anh đã thử thách trí tuệ, tài năng (qua trận pháp vườn đào) lẫn đức độ của Gia Cát Lượng trước khi chấp nhận cuộc hôn nhân này... Để rồi sau đó, bà âm thầm lui về sau làm hậu phương ủng hộ và giúp đỡ cho chồng.
4. Nguyễn Thị
Hứa Doãn lấy con gái của Nguyễn Đức Uy làm vợ. Dưới ánh nến trong đêm, thấy con gái họ Nguyễn xấu xí, chàng vội chạy ra khỏi phòng, từ đó không dám vào nữa. Sau đó Hằng Phạm là bạn của Hứa Doãn đến thăm, nói với ông rằng "Nhà họ Nguyễn gả con gái họ cho anh là có lý do, anh thử hỏi xem".
Hứa Doãn nghe lời Hằng Phạm, cuối cùng đã chịu vào phòng. Nhưng vừa nhìn thấy dung mạo xấu xí của vợ, Hữa Doãn lại chạy ra ngoài, Nguyễn Thị giữ chồng lại. Hứa Doãn vừa giật tay áo vừa hỏi "Trong tứ đức thì nàng có mấy đức?" Nguyễn Thị trả lời "Thiếp chỉ thiếu đức dung. Người quân tử có một trăm đức, vậy chàng có được bao nhiêu đức?"
Hứa Doãn trả lời: "Ta có đủ một trăm đức". Nguyễn Thị nói "Trong một trăm đức, chữ đức đứng đầu. Chàng ham sắc mà khinh tài, vậy có thể coi là đủ một trăm đức không?" Hứa Doãn không nói được gì. Từ đó về sau chàng rất mực yêu mến và quý trọng người vợ của mình.