Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1272 và mất năm 1346, đời nhà Trần. Ông quê ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Dương (nay là làng Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương). Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên. Sau khi thi đỗ, Mạc Đĩnh Chi được ban chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm Nội thư gia, tức quản lý kho sách của thư viện hoàng gia. Sau đó thăng dần lên Hàn lâm Đại học sĩ, Nhập nội hành khiển, Hữu ty lang trung, Tả ty lang trung.
Mặc dù làm quan to trong triều đình nhiều năm, nhưng Mạc Đĩnh Chi suốt đời sống liêm khiết, vì vậy tuy làm quan nhưng vẫn nghèo. Có lần đang đêm, vua sai người lén bỏ 10 quan tiền trước cửa nhà ông. Sáng ra ông thấy tiền liền đem nộp triều đình, nhưng không ai nhận cả. Nhà vua nghe vậy liền nói: Tiền đó không ai nhận thì là của nhà ngươi, ngươi hãy cầm lấy mà dùng. Thật ra đây chỉ là một hình thức trợ cấp mà nhà vua có ý dành cho Mạc Đĩnh Chi, nhưng ông dứt khoát từ chối. Về sau, ông được cháu 7 đời là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến Thủy khâm ninh Văn hoàng đế.
Ông làm quan trải bốn triều vua Trần: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông. Ông được cử đi sứ hai lần sang nhà Nguyên vào các năm 1308 và 1324. Tương truyền, ông vừa là trạng nguyên của Đại Việt và cũng được phong làm "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (Trung Hoa và Đại Việt) khi sang sứ Trung Hoa thời nhà Nguyên. Và theo các tài liệu còn lưu truyền đến ngày nay, trong cả hai chuyến đi sứ của ông có nhiều điều thú vị.
Một lần, đoàn sứ bộ đi đến cửa quan thì đã muộn, cửa quan đã đóng. Sứ bộ ta gọi cửa mãi không được. Một lúc sau thấy từ trên vọng lâu thòng xuống một mảnh giấy, trên đó là một vế đối, thách sứ giả ta đối được thì mới mở cửa quan cho đi. Vế ra như sau: Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan. Vế đối này có nghĩa là: Tới cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua.
Đây là một vế đối khó, phải tìm được một câu trong đó một từ phải được lặp lại 4 lần và một từ phải được lặp lại 3 lần tương ứng với hai từ ở vế ra. Mạc Đĩnh Chi đã rất nhanh ý, ông lấy ngay hoàn cảnh của mình trong lúc này để đối lại rằng: Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối. Nghĩa của câu này là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời tiên sinh đối trước.
Nói mời tiên sinh đối trước là có ý nhún nhường, nhưng bản thân đây đã là một vế đối hoàn hảo rồi. Câu này cũng có chữ "đối" được lặp lại 4 lần và chữ "tiên" được lặp lại 3 lần, ý tứ rất chỉnh. Vì thế, viên quan trông giữ cửa quan đành phải mở cho đoàn sứ bộ của ta đi qua.
Khi Mạc Đĩnh Chi được diện kiến, vua Nguyên đã ra vế đối: "Nhật, hỏa, vân, yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ. Câu này có nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng. Và vế đối này có ý tự phụ ta đây là vua của Thiên triều, là bậc thiên tử, như mặt trời đỏ có thể thiêu cháy tất cả, còn các nước chư hầu như mặt trăng yếu ớt, chỉ dám sáng vào ban đêm, còn ban ngày sẽ bị mặt trời thiêu cháy.
Tuy nhiên, với sự thông minh, mẫn tiệp và dũng cảm của mình, Mạc Đĩnh Chi đã khảng khái đối lại: Nguyệt, cung, tinh, đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô. Vế đối của Mạc Đĩnh Chi có nghĩa là: Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rơi mặt trời. Vế đối lại của Mạc Đĩnh Chi cực kỳ chỉnh, ý tứ lại rất mạnh mẽ. Hơn nữa, câu đối của ông còn tỏ rõ bản lĩnh của sứ thần, chẳng khác gì nói rằng mình có thể bắn thẳng vào mặt vua Nguyên! Quả thật là táo bạo. Vua Nguyên dù hậm hực lắm nhưng đành chịu tài sứ giả đại Việt, vì chẳng thể nào bắt bẻ vào đâu được.
Lời bàn về Mạc Đĩnh Chi
Trong lịch sử Việt Nam, có rất nhiều danh tướng làm cho triều đại phương Bắc khiếp sợ mỗi khi nhắc đến danh tính. Còn trong hàng quan văn, cũng có nhiều danh nhân làm rạng danh các triều đại Việt Nam, nhưng để đạt được sự ngưỡng mộ, nể phục và tôn vinh, rồi có được danh phong của triều đại phong kiến phương Bắc thì rất hiếm. Một trong số đó chính là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Trong những lần đi sứ của mình, Mạc Đĩnh Chi đều đã được diện kiến vua Nguyên. Biết sứ thần nước ta là người thông minh, tài trí và ứng đối nhanh lẹ, nhiều lần vua Nguyên đã cố tình thử tài ông, nhưng lần nào Mạc Đĩnh Chi cũng khiến triều đình nhà Nguyên phải nể phục tài năng của mình, qua đó tạo thêm sự tốt đẹp cho mối bang giao giữa hai quốc gia vào thời đó.
Và với câu đối trong giai thoại trên, Mạc Đĩnh Chi đã tỏ rõ bản lĩnh của sứ thần của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có khí phách anh hùng và không bao giờ chịu khuất phục bất cứ kẻ thù nào dù chúng mạnh đến mấy. Cũng chính vế đối của Mạc Đĩnh Chi đã nói lên điều này, bởi ông nói như thế tức là có khác gì việc ông đã dám khẳng định rằng mình có thể bắn thẳng vào mặt vua Nguyên! Bản lĩnh và tinh thần ngoại giao ấy của tổ tiên ngày xưa đã và đang được hậu thế phát huy, phát triển trong thời đại ngày nay.