Dù vô cùng bận rộn với công việc xã tắc và phê duyệt tấu chương, ông chưa bao giờ lấy lý do bận rộn để xao nhãng việc giáo dục con cháu.
Để dạy dỗ các Hoàng tử, Khang Hy đã đề ra rất nhiều phương pháp đặc biệt. Lấy phương pháp sau làm ví dụ: Ông thường đưa các hoàng tử hoàng tôn đi cùng ông trong những cuộc đi săn bắn, thị sát, hay thậm chí là cả những trận tác chiến. Chỉ qua những kinh nghiệm thực tiễn như vậy, ông mới có thể nuôi nấng và giáo dục con cháu của mình.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra ông cũng sử dụng các lớp học để dạy dỗ con cháu của mình. “Thượng thư phòng” là nơi mà Hoàng đế dạy học cho con cháu Hoàng tộc. Trong thời Hoàng đế Khang Hy, Thượng thư phòng được đặt tại “Vô Dật Trai” ở Trường Xuân Viên. Khi vào phòng học này, các Hoàng tử sẽ không được chơi đùa, nô nghịch. Không chỉ vậy, để đến được "Vô Dật Trai", con cháu Hoàng tộc sẽ phải đi bộ 3-4 dặm, và khi về cũng phải đi bộ chứ không được dùng kiệu. Điều này được áp dụng ngay cả trong mùa đông.
Hãy lấy một ngày điển hình để khám phá xem con cháu của Hoàng đế đã học tập như thế nào?
Tất cả các Hoàng tử đều phải dậy từ 3 giờ sáng để ôn lại bài học ngày hôm trước và không có ngoại lệ. Hoàng thái tử Dận Nhưng khi ấy mới 13 tuổi nhưng vẫn phải dậy sớm để học bài.
Từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng, các Hoàng tử sẽ được thầy giáo kiểm tra bài vở. Sau lễ quy bái, các Hoàng tử phải ghi nhớ bài học, đọc to bài chính xác đến từng chữ. Chỉ khi nào đạt yêu cầu, các Hoàng tử mới được học kinh thư mới.
Từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng, Hoàng đế Khang Hy rời khỏi Hoàng cung, sẽ đích thân đến "Vô Dật Trai" để kiểm tra việc học của các con. Ông chọn ngẫu nhiên một đoạn kinh thư và yêu cầu các Hoàng tử đọc thuộc lòng. Các Hoàng tử phải đọc một cách hoàn hảo và không có lỗi nào.
Khang Hy nói: “Khi ta còn trẻ ta có thể đọc to một cuốn sách 120 lần, và sau đó là đọc thuộc lòng nó 120 lần. Không phải ta đọc thuộc một đoạn rồi chuyển sang đoạn khác mà ta đọc tất cả cùng một lúc.” Một đại thần hỏi: “Liệu đọc thuộc 100 lần có hiệu quả không ạ?” Khang Hy trả lời rằng phải đúng 120 lần. Rồi ông hỏi các thầy giáo về tình hình học tập của các hoàng tử. Vài thầy giáo nói rằng thái tử rất thông minh và học thuộc bài rất tốt. Khang Hy nói: “Các ngươi không nên biểu dương chúng như vậy mà hãy phê bình chúng nhiều hơn nữa. Có như vậy chúng mới không tỏ ra kiêu ngạo.”
Vào mùa hè, dù thời tiết nóng nực thì con cháu Hoàng tộc cũng không được dùng quạt và phải ngồi thẳng lưng, không vặn vẹo, xiên xẹo. Từ 9 giờ sáng đến 11 giờ sáng, các Hoàng tử luyện tập thư pháp, và được yêu cầu viết mỗi chữ 100 lần. Bữa trưa bắt đầu vào lúc 11 giờ trưa và kết thúc vào lúc 1 giờ chiều. Sau bữa trưa, họ tiếp tục việc học tập. Từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều, họ sẽ đi ra ngoài sân để luyện tập các kỹ năng như cưỡi ngựa và bắn cung.
Từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, Hoàng đế Khang Hy lại tới Vô Dật Trai để kiểm tra việc học tập của con lần nữa. Các hoàng tử xếp thành một hàng và thay phiên nhau đọc thuộc cho Hoàng đế nghe.
Từ 5 giờ chiều đến 7 giờ chiều, mọi người ra ngoài sân tập bắn cung. Các hoàng tử đi trước, và từng người một bắn tên vào mục tiêu. Rồi tới lượt các thầy giáo, cuối cùng, đích thân Hoàng đế Khang Hy bắn vào mục tiêu.
Theo các ghi chép lịch sử, hết lần này tới lần khác, Khang Hy đều “bách phát bách trúng.” Bài tập bắn cung là bài học cuối cùng trong ngày. Mỗi ngày, theo lịch, việc học tập đều bắt đầu từ 3 giờ sáng đến tận 7 giờ chiều và không ngừng nghỉ trong suốt cả mùa hè và mùa đông.
Chúng ta có thể thấy rằng Hoàng đế Khang Hy giáo dục trẻ nhỏ hết sức nghiêm khắc. Dưới sự giám hộ của ông, các hoàng tử hoàng tôn đều phát triển rất nhiều loại tài năng, trong đó tài năng hàng đầu là chính trị. Chính vì sự giáo dục nghiêm khắc này mà về sau, cả con trai Ung Chính và cháu trai Càn Long của ông đều là những minh quân, mở ra một thời "Khang Ung Càn thịnh thế" kéo dài đến 134 năm.
Tài năng kiệt xuất thứ hai là khả năng về học giả. Hoàng tam tử của Khang Hy, Dận Chỉ là một khoa học gia xuất chúng. Ông là người biên tập bộ sách “Cổ kim đồ thư tập thành” gồm 10.000 cuốn.
Tài năng kiệt xuất thứ ba được phát triển là các kỹ năng nghệ thuật. Một số hoàng tử tỏ ra rất xuất sắc về thư pháp và hội họa.
Tài năng kiệt xuất thứ tư đó là “kỹ năng sống”. Mẫu thân của một số hoàng tử có địa vị không cao trong hậu cung, do đó họ không có khả năng tranh giành ngôi vị Hoàng đế. Tuy nhiên họ vẫn chấp nhận một cuộc sống bình an và hữu ích.
Trong suốt 61 năm trị vì của mình, ông đã đưa Trung Quốc đến thời kỳ thịnh trị và được người đương thời cũng như người đời sau ca ngợi là vị minh quân hiếm có.