Vị vua canh cánh vì nước nhưng bất lực vì triều đại đã đến lúc suy tàn
Sùng Trinh đế có thể coi là vị Hoàng đế có số phận thê thảm nhất trong lịch sử vương triều nhà Minh.
Khác với những vị vua mất nước khác trong lịch sử, trong thời gian 17 năm tại vị của Sùng Trinh Đế, ông luôn trị quốc anh minh, tiến hành cải cách, quét sạch đảng phái trong triều, ông cũng luôn cần mẫn làm việc hi vọng cứu vớt được thảm kịch suy vong của vương triều nhà Minh. Chỉ tiếc là đã quá muộn!
Triều đình lúc bấy giờ đã có trăm nghìn lỗ hổng, chính trị thì hỗn loạn, thêm nữa là vương triều nhà Minh bấy giờ đang ở giai đoạn "xuống dốc không phanh", nhân dân lầm than không dứt.
Khu vực Quảng Đông, Hạ Môn thậm chí là Hải Nam đều có tuyết rơi, phương Bắc thì đại hạn, phương Nam thì lũ lụt, chính hiện tượng thời tiết cực đoan này đã bồi thêm ngọn lửa thù hận trong dân chúng khi đời sống của họ đã rơi vào bần cùng bế tắc.
Cũng vì thế mà các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi, việc này đối với triều đình nhà Minh chính là rét lại thêm sương, sự việc đã tồi tệ nay lại càng thêm tồi tệ.
Bắt đầu từ năm Sùng Trinh thứ nhất (tức năm 1628), phía Bắc Trung Quốc đại hạn hán, đất trắng bạt ngàn, cỏ không mọc được, trong "Hán Nam tục quận chí" có ghi chép rằng:
"Năm Sùng Trinh thứ nhất, cả vùng Thiểm Tây trời đỏ như máu. Năm thứ năm đói kém; năm thứ sáu lũ lụt; năm thứ bảy gặp nạn châu chấu, khiến mất mùa đói kém; tháng 9 năm thứ tám, Tây Hương đại hạn hán, Lược Dương lũ lớn, nhà cửa tan hoang; năm thứ chín đại hạn hán cùng nạn châu chấu; năm thứ mười vụ thu mất sạch; mùa hè năm thứ mười một, châu chấu bay kín trời;… năm thứ mười ba đại hạn hán;…năm thứ mười bốn đại hạn hán."
Sự xuất hiện của những người nổi dậy
Vì để cắt giảm chi tiêu, Sùng Trinh đế hạ lệnh xóa bỏ trạm dịch, tiền tiết kiệm được dùng cho phí quân sự vùng Đông Bắc. Nhưng chẳng ai ngờ được, lần cắt giảm nhân viên này lại mang về cho Sùng Trinh Đế một kẻ địch vô cùng mạnh đó chính là Lý Tự Thành.
Lý Tự Thành sau khi bị cắt chức, đã tham gia vào nghĩa quân, không bao lâu sau đã trở thành Sấm Vương. Năm 1644, nghĩa quân tiến đến vây đánh Tử Cấm Thành.
Trước tình hình mất nước cận kệ, cùng cảnh quân khởi nghĩa công phá cửa lớn kinh thành Bắc Kinh, Sùng Trinh đế tâm như tro nguội, hoàn toàn hết hi vọng.
Trên thực tế, vị hoàng đế này có thể cùng quần thần trong triều bỏ chạy về phía Nam, đến Nam Kinh,tiếp tục duy trì sự thống trị của nhà Minh.
Bởi vì bấy giờ, Nam Kinh vẫn luôn là kinh thành phụ của của Bắc Kinh, Bắc Kinh có lực lượng chủ chốt thì Nam Kinh cũng có một phần. Hơn thế nữa, vẫn còn một số con cháu dòng họ Chu không theo lên Bắc Kinh, vẫn còn tiếp tục sinh sống tại Nam Kinh.
Cho nên dù sau này Bắc Kinh có bị phá thì Sùng Trinh đế vẫn có thể thành lập một chính quyền mới ở Nam Kinh.
Nếu Sùng Trinh Đế có thể chạy thoát khỏi Bắc Kinh, với thân phận, địa vị và tài năng của ông, vương triều nhà Minh vẫn còn có cơ hội làm lại, xây dựng lại một lần nữa. Nhưng Sùng Trinh đế là một vị Hoàng đế có khí phách. Bên ngoài binh hoang mã loạn, ông đau xót nhìn lại cung điện và người thân của mình rồi chọn cách tự sát theo quốc gia.
Số phận của các phi tần từng phục vụ Sùng Trinh đế
Điều đáng ngạc nhiên là các phi tần của ông nhiều người đã tự sát theo ông.
Sùng Trinh đế hết lòng lo toan việc nước nên phi tần hậu cung của ông cũng không nhiều. Hơn thế, tình cảm giữa Sùng Trinh Đế với Châu Hoàng hậu cũng rất tốt, cho nên ông cũng không sủng hạnh nhiều người con gái khác.
Chính vì thế, những ghi chép về phi tử của ông trong lịch sử cũng rất ít, hơn thế cũng có một số người có địa vị cao đã qua đời ngay khi còn trẻ.
Tính đến thời khắc nước mất, những vị phi tần được Sùng Trinh đế đích thân bái biệt không nhiều.
Tình cảm giữa Sùng Trinh Đế và Châu Hoàng hậu trước nay luôn rất tốt, gắn bó vô cùng thân thiết, tình cảm của hai người có thể ví như tình cảm của một đôi vợ chồng thắm thiết keo sơn.
Sùng Trinh Đế cùng Châu Hoàng hậu chia xa lần cuối, sau khi bái biệt, Châu Hoàng hậu cũng đã tự thắt cổ tự vẫn mà chết.
Ngoài Hoàng hậu ra còn có Viên Quý phi. Sau khi chia xa, Viên Quý phi cũng thắt cổ bằng dây thừng, tiếc là do thân hình bà có hơi béo, nên khiến dây thừng căng đứt. Viên Quý phi rơi xuống đất, hôn mê một lúc rồi tỉnh lại.
Đến khi quân Thanh tiến vào, bà được quân Thanh sắp xếp vị trí phù hợp, an hưởng đến già.
Điền Quý phi cũng là một trong các vị phi tần của Sùng Trinh đế. Bà cũng được vua sủng ái. Tiếc là sức khỏe bà luôn không tốt nên 3 vị hoàng tử do bà hạ sinh cũng đều ốm yếu rồi chết yểu. Điền quý phi không vượt qua được cú sốc như vậy, thương tâm quá độ, khiến bệnh tật triền miên, sau cùng mất sớm.
Vương Thuận phi cũng là một trong các vị phi mất sớm. Bà xuất thân nghèo khó, trước là thị nữ bên cạnh Châu Hoàng hậu, tình cảm chủ tớ hai người rất tốt. Thời gian ở Tín Vương phủ đã hầu hạ Sùng Trinh đế và Châu Hoàng hậu. Sau lại cùng Hoàng hậu tiến cung, vẫn luôn hầu hạ bên cạnh bà.
Một lần tình cờ được Sùng Trinh đế sủng hạnh, bà mang thai long chủng. Tiếc là sau khi sinh xong bà bị rong huyết qua đời.
Hậu cung của Sùng Trinh đế vẫn còn vài vị phi khác, nhưng vì địa vị không cao nên không được ông đích thân tiễn biệt. Họ phần lớn đều chọn cách tự sát, đi theo Sùng Trinh đế.
Trước mối họa mất nước, những người phụ nữ yếu mềm đã thể hiện sự kiên cường cuối cùng của bản thân, lấy tính mạng của chính mình để bày tỏ sự phản kháng sau cuối, quả thực khiến người ta phải cảm thán.