Vào thế kỷ thứ 17, tại Nhật Bản đã xảy ra một thảm họa kinh hoàng nhưng không kém phần kỳ quái. Cụ thể, vào ngày 2 tháng 3 năm thứ ba triều đại Mei (1657), chùa Honmyoji ở Edo (nay là Tokyo) đã tổ chức lễ cầu siêu cho một cô gái qua đời sớm ở tuổi 16 tuổi. Chùa dự tính sẽ hỏa táng cô gái theo truyền thống sau khi kết thúc các phần lễ.
Tranh minh họa
Thế nhưng, khi đến phần hỏa táng, ngọn lửa bén vào tay áo kimono của cô gái xấu số đã bị gió thổi bay. Phần tay áo đang bốc cháy nhanh chóng châm lửa đốt cháy những tòa nhà bằng gỗ xung quanh, khiến mọi người có mặt ở đó không kịp trở tay. Lửa lan nhanh ngoài sức tưởng tượng, các ngôi nhà gỗ liền kề lần lượt bị thiêu rụi. Người ta gọi sự kiện này là "Trận đại hỏa hoạn Meireki" (Great Fire of Meireki) và năm 1814, họa sĩ người Nhật Tashiro Koshun đã vẽ lại khung cảnh hỗn loạn này.
Tranh của họa sĩ Tashiro Koshun
Được biết, trận đại hỏa hoạn Meireki này đã kéo dài suốt 3 ngày, phá hủy 2/3 thành Edo. Người dân khi đó phải mất thêm 3 ngày để triển khai được các nỗ lực cứu trợ mới. Giáo sư Akira Okada thuộc Đại học Kinh tế Osaka (Nhật Bản) từng viết trên Kouenirai.com rằng thảm họa trên đã cướp đi 500 dinh thự của lãnh chúa phong kiến, 770 dinh thự và hơn 400 nhà phố. Thiệt hại mạng người được Tokyo Metropolitan Library ước tính nằm trong khoảng 30.000 - 100.000 người.
Dù cảnh quan Edo sau đó đã được cải tạo nhưng Mạc phủ Tokugawa lại không thể xây dựng lại được pháo đài chính của pháo đài lớn nhất Nhật Bản. Nỗi sợ hãi sau thảm họa đã khiến cho công tác phòng chống hỏa hoạn, thiên tai của Nhật Bản khi đó được coi trọng hơn. Các lãnh chúa phong kiến và các đền chùa đều được di dời ra ngoại ô, nơi cư trú được bao quanh bởi những con đường lớn và bờ kè để ngăn chặn hỏa hoạn.