Hoàng đế Càn Long sinh năm 1711, vào năm 1735 trở thành vị hoàng đế thứ sáu của nhà Thanh. Trong suốt 60 năm tại vị, ông đều rất chăm lo quản lý đất nước, về mọi phương diện đều có nhiều bước tiến vượt bậc. Vào năm 1790 - sinh nhật lần thứ 80, ông dẫn một nhóm người đến Nhiệt Hà giải quyết một số vấn đề về Tây Tạng.
Câu từ trong bức thư của Càn Long giàu ý văn chương nhưng lại bị hậu thế chê cười vì thói “tự cao tự đại”. (Ảnh minh họa)
Và lúc này, vào năm 1792, ở tận bên kia bờ đại dương, bá tước người Anh George Macartney đang chuẩn bị xuất phát, theo lệnh của chính phủ Anh, ông đi sứ Trung Quốc với lý do chúc mừng Hoàng đế Càn Long đại thọ 80 tuổi. Khi đó, ông mang theo rất nhiều nhà thiên văn học, toán học, nghệ sĩ, bác sĩ, còn có tổng cộng 600 rương “cống phẩm” trị giá 13.124 bảng Anh. Năm 1793, ông đặt chân đến Bắc Kinh, Hoàng đế Càn Long đã tiếp kiến họ tại khu nghỉ dưỡng núi Thừa Đức.
Chuyến đến chúc thọ Càn Long này của đoàn sứ giả nước Anh thực ra có 1 dụng ý khác. Đó là muốn bày tỏ mong muốn hợp tác với Trung Hoa. Tại thời điểm đó, công cuộc cải cách công nghiệp của nước Anh rất phát triển với thời kỳ chủ nghĩa thực dân. Nước này sớm đã dòm ngó đến "mảnh đất màu mỡ" Trung Hoa. Nên lợi dụng dịp đại thọ của Càn Long, nước Anh đã mang theo biết bao lễ vật mừng thọ để tiện cho việc bày tỏ nguyện vọng hợp tác của mình.
Thế nhưng, vua Càn Long không những không có hứng thú với những lễ vật này mà còn cho rằng chúng chỉ là những món ''đồ chơi'' phương Tây. Vị Hoàng đế này thậm chí còn tự đánh giá những lễ vật của nước Anh còn không bằng những vật phẩm thủ công mỹ nghệ của Trung Quốc thời bấy giờ. Mặc dù đã từ chối những lễ vật của nước Anh, nhưng để thể hiện địa vị của đất nước, Càn Long quyết định tặng lại cho nước Anh 1 số sản phẩm đặc sắc của phương Đông như: tơ lụa, đồ gốm,…
Không những vậy, Hoàng đế Càn Long còn đích thân viết 1 bức thư giàu ý văn chương gửi lại cho quốc vương nước Anh. Nội dung bức thư sau khi dịch ra ngôn ngữ hiện đại đại khái là: "Ta đã xem thư của ngài, vương quốc của ngài đối với ta rất có thành ý. Ta rất vui mừng vì điều đó và cũng đã ban thưởng cho đoàn sứ giả ngài phái đến. Vậy nhưng, việc ngài tận dụng chuyến đi này để bày tỏ mục đích muốn hợp tác thương mại với đất nước ta là không phù hợp với thể chế của Đại Thanh.
Đại Thanh ta lãnh thổ bao la bát ngát, tài nguyên dồi dào, không cần thiết phải hợp tác với đất nước của ngài. Nếu ngài ngưỡng mộ thiên triều ta, ngài có thể quan sát học tập. Hệ thống kỷ cương, phép tắc của Đại Thanh ta hoàn toàn không giống với nước ngài. Tư tưởng tiến tiến của thiên triều ta, đất nước ngài cũng sẽ không cách nào học theo được. Và cho dù các ngài có học được cũng sẽ không biết dùng như thế nào. Như vậy, có học cũng vô dụng!".
Theo như nội dung trong bức thư, dường như trong mắt Càn Long, đoàn sứ giả nước Anh lặn lội từ xa đến Trung Hoa là để học tập văn hóa tinh túy của đất nước mình! Ngôn từ trong thư mang đậm tư tưởng của 1 kẻ thống trị tự cho quyền lực của bản thân là tuyệt đối và cao nhất.
Nhưng có điều mà Càn Long đã không biết, tại thời điểm đó, nước Anh đã là 1 cường quốc chủ nghĩa tư bản rất giàu có và đồng thời cũng là "lãnh chúa" của khu vực châu Âu.
Quốc vương George III của Anh quốc sau khi đọc thư đã "dở khóc dở cười". Cho đến nay, bức thư này vẫn đang được lưu giữ tại Nhà Bảo tàng nước Anh. Cuối cùng Anh đã phát động cuộc chiến tranh nha phiến, dùng vũ lực mở ra thị trường thương mại tại Trung Quốc.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại