Trung Quốc là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại với bề dày lịch sử và kho tàng văn hóa đồ sộ. Bản sắc văn hóa của quốc gia đông dân này được duy trì qua hàng nghìn năm cho tới ngày nay, bởi từ xưa họ đã biết sử dụng trí tuệ để tạo ra nhiều di sản quý giá để lại cho thế hệ sau.
Tử Cấm Thành hay còn gọi là Cố cung, tọa lạc ở thủ đô Bắc Kinh là một cung điện của các hoàng đế Trung Quốc xưa, được xây dựng nguy nga tráng lệ. Đồng thời, đây cũng là một trong những viện bảo tàng lớn nhất trên thế giới, cất giữ các báu vật nghệ thuật quan trọng nhất như đồ điêu khắc, các bức họa.
Trong số rất nhiều bức họa cổ của bảo tàng Cố Cung, nổi tiếng nhất phải kể đến các tác phẩm của họa sĩ Mã Nguyên (1140-1225), họa sĩ có tiếng tăm trong lịch sử hội họa Trung Quốc, đồng thời là một trong tứ đại danh sư của triều đại Nam Tống (1127-1279).
Trong cuốn "Sử ký" có ghi: "Mã Nguyên sáng tác rất nhiều, mỗi tác phẩm đều có nét độc đáo riêng biệt, tuy nhiên lại ít được lưu truyền trong thiên hạ thời đó."
Bức tranh "Đạp ca" với lịch sử hơn 800 năm. Ảnh: Sohu.
Trong số các tác phẩm của đại danh họa đang được lưu giữ tại Tử Cấm Thành, bức tranh "Đạp ca" có lịch sử hơn 800 năm là một bức tranh phong cảnh do Mã Nguyên sáng tác ở tuổi trung niên. Tranh thể hiện khung cảnh tráng lệ của vùng ngoại ô kinh đô sau khi cơn mưa qua đi.
Nhìn từ xa, bức tranh được đánh giá vô cùng hài hòa: Có núi, có rừng, thác nước và con người. Bức họa được phân lớp, cảnh xa, cảnh trung và cảnh gần được kết nối theo trình tự, khiến cho người xem có cảm giác không gian ảo và thực hòa quyện.
Phần dưới cùng của tranh, con người xuất hiện thư thái, không âu lo phiền muộn giữa núi rừng. Toàn bộ bức tranh dù đơn giản nhưng vô cùng tao nhã. Tuy nhiên, điều khiến khách tham quan khó rời mắt khỏi tranh chính là tư thế, dáng đi kỳ lạ của những cụ già được khắc họa ở phần dưới tranh.
Ở góc nhìn cận cảnh, khung cảnh khắc họa tổng cộng 6 người: 4 cụ già đang vui vẻ trở về nhà và 2 đứa trẻ nhìn họ cười đùa. Điều thú vị nhất của toàn bộ bức tranh là "sự năng động" của 4 cụ già. Biểu cảm và tư thế của họ rất lạ, thậm chí là buồn cười và có thể đó là lý do khiến 2 đứa trẻ đứng lại nhìn ngó và cười đùa.
Để tiện cho việc quan sát kỹ càng, các chuyên gia quyết định phóng to phần dưới của bức tranh lên 50 lần, quả thật hình ảnh hiện ra không khiến các nhà khảo cổ thất vọng.
Tư thế của 4 người già đến rất thú vị: Người đầu tiên chống gậy, giơ chân trái lên và đặt tay trái lên trán như điệu bộ Tôn Ngộ Không quan sát tứ phương.
Hai cụ già ở giữa có đứng nhấp nhô, dáng đi thất thường, vô cùng ngộ nghĩnh. Quan sát tới cụ già cuối cùng, ông đang cúi đầu bước đi chậm rãi, trên vai mang theo một cây gậy treo quả bầu lúc lắc.
Cụ già cuối cùng cúi đầu bước đi chậm rãi, trên vai mang theo một cây gậy treo một quả bầu lúc lắc. Ảnh: Sohu.
Rõ ràng, hình ảnh của 4 cụ già này trái ngược hoàn toàn so với hình ảnh trầm lặng hay suy tư thường thấy trong tranh cổ, nhất là khi mô tả người già. Vậy vì sao những cụ già này lại mang một dáng vẻ "năng động" đến kỳ lạ như vậy?
Trước tiên, tên bức họa này là "Đạp ca", cụm từ chỉ một hình thức nghệ thuật dân gian phổ biến của Trung Quốc - vừa hát vừa dậm chân làm nhịp. Nhìn lên đầu bức tranh, đại danh họa viết: "Phong niên nhân nhạo nghiệp - Thành thượng đạp ca hành" (tạm dịch: "Người dân thu hoạch về, mùa màng bội thu, vừa đi vừa hát").
Như vậy, có thể thấy tác giả đang muốn miêu tả hình ảnh vui vẻ của những người nông dân sau khi đi làm về, vui đến độ vừa đi vừa ca hát nhảy múa.
Thêm vào đó, nhìn quả bầu gánh trên vai của cụ già cuối cùng cũng tiết lộ rằng họ đang... say rượu (bởi quả bầu là vật dụng để người xưa mang rượu khi đi xa). Vì vậy, chúng ta có thể hiểu rằng đến mùa thu hoạch, 4 người già này vì quá vui mừng nên rủ nhau đi uống rượu.
Từ đây, các chuyên gia đã đánh giá bức tranh "Đạp ca" của danh họa Mã Nguyên không đơn thuần khắc họa thiên nhiên tươi đẹp mà còn thể hiện những niềm vui dân dã của người lao động một cách vô cùng tinh tế, đây thật sự là một tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị.