Được biết đến với danh xưng "Tây Thái hậu", "Lão phật gia", Từ Hy Thái hậu được đánh giá là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc.
|
Từ Hy thái hậu lúc sinh thời. |
Mặc dù không thể quang minh chính đại lên ngôi như Võ Tắc Thiên năm nào, thế nhưng Từ Hy vẫn ngồi vững trên đỉnh cao quyền lực khi trở thành người nắm quyền hành cao nhất của vương triều Đại Thanh trong suốt gần nửa thế kỷ.
Sau khi qua đời, bà được truy phong Thụy hiệu "Hiếu Khâm Từ Hy Thụy Hữu Khang Di Chiêu Dự Trang Thành Thọ Cung Khâm Hiến Sùng Hy Phối Thiên Hưng Thánh Hiển Hoàng Thái hậu", với lễ tang được tổ chức long trọng nhất trong lịch sử dành cho một Hoàng Thái hậu.
Tuy nhiên, mỗi khi nhắc tới Tây Thái hậu, người đời vẫn truyền tai nhau nhiều giai thoại liên quan tới cái chết đột ngột và có nhiều ẩn tình của bà.
Năm 1908, Từ Hy Thái hậu qua đời, có tài liệu nói rằng, những vật bồi táng theo bà hoàng này có giá trị tương đương với quốc khố Thanh triều trong nhiều năm trời. Đó là chưa kể những bức thi họa cổ, trân bảo ngọc thạch với giá trị lớn tới không thể ước tính.
Tuy nhiên có một bảo vật thuộc hàng kỳ trân dị bảo được bỏ vào trong miệng Từ Hy Thái hậu đó chính là dạ minh châu.
Viên dạ minh châu này có khối lượng khoảng 787.28 carat (hơn 157 gram). Vào năm 1908, nó được định giá là 10,8 triệu lượng bạc (khoảng 2.900 tỷ đồng).
Theo một số khảo cứu thì viên ngọc này có thể chính là viên Kim cương của Đại đế Mogul lừng danh. Nhưng sau đó vương triều này sụp đổ và loại đá quý này cũng bị thất lạc.
Vào năm 1760, khi vua Càn Long còn tại vị, ông đã cho quân đàn áp các cuộc nổi loạn ở biên giới nên viên dạ minh châu được cho là đã du nhập vào Đại Thanh vào thời điểm đó.
Và sau này, viên dạ minh châu này đã được cống nạp đến tay Từ Hy Thái hậu.
Theo ghi chép trong sổ sách xưa thì dạ minh châu có thể phát sáng đến mức có thể nhìn thấy cả tóc người vào ban đêm trong phạm vi 100 bước.
Trong hồi ức của Tôn Điện Anh, thì viên dạ minh châu này được miêu tả "bị tách ra làm hai miếng, ghép lại thành một quả cầu, khi tách ra thì có ánh sáng trong suốt, lúc ghép lại thì tỏa ra ánh sáng màu xanh lá cây, ban đêm đứng cách trăm thước vẫn có thể soi rõ từng sợi tóc…"
Ngoài ra, viên dạ minh châu còn có tác dụng chống khuẩn cao. Có thể cũng vì điều này mà thi hài của Từ Hy vẫn tươi tắn, hồng hào dù đã được chôn cất nhiều năm.
Vào năm 1928, đám người trộm mộ của Tôn Điện Anh đã xâm phạm lăng mộ Từ Hy Thái hậu, cậy nắp quan tài và đánh cắp nhiều bảo vật quý giá bên trong.
Tính sơ trong đó có 85 viên đá quý, 203 miếng bạch ngọc, cùng hàng ngàn viên trân châu được đính trên y phục hay chăn nệm.
Trải qua những cuộc binh biến sau này, viên dạ minh châu có giá trị nghìn tỷ từng thuộc quyền sở hữu của Từ Hy Thái hậu cũng biến mất không rõ tung tích.
Theo sử sách ghi chép, dạ minh châu đã xuất từ thời Viêm Đế, là một trong những loại ngọc quý hiếm nhất thế gian.
Thời phong kiến, ngọc dạ minh châu thường được các quan lại vua chúa sưu tầm và coi như báu vật.
Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, ngọc minh châu có chứa hàm lượng không nhỏ chất phóng xạ, rất có hại cho sức khỏe nếu liên tục đeo bên mình.