Được coi là thanh kiếm của cõi âm, "lời nguyền chết chóc" ứng nghiệm trên thanh bảo kiếm của Hoàng đế Càn Long cho tới nay vẫn là một bí ẩn đối với hậu thế.
Những vật báu quý giá chính là mục tiêu hàng đầu của kẻ đạo mộ, bởi giá trị của một món bảo bối cũng đủ để phát tài.
Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng có may mắn đào được những thứ đồ trân quý như vậy.
Bên trong nơi an nghỉ của cổ nhân thường chứa đựng một số thứ thuộc về “tà môn”. Cửu Long bảo kiếm chính là một minh chứng cho điều này.
Lai lịch của Cửu Long bảo kiếm
Đây là thứ binh khí được Tôn Điện Anh đào lên từ lăng mộ của Hoàng đế Càn Long vào năm 1928. Kiếm dài 5 xích, chế tác phỏng theo hơi hướng của kiếm Mông Cổ nên có lưỡi cong sắc bén.
Vỏ kiếm được làm từ da cá mập, phía trên khảm đầy hồng ngọc, ngọc bích và kim cương. Trên thân kiếm chạm khắc hình chín con thần long uốn lượn, tượng trưng cho hàm ý “cửu cửu quy nhất”.
Theo quan niệm của Đạo gia, “cửu cửu quy nhất” biểu thị cho sự luân hồi. Hoàng đế Càn Long cho rằng giống như kiếp người, triều đại cũng có thể luân hồi, nên mới hạ lệnh làm ra thanh kiếm với ước nguyện vương triều Đại Thanh mãi mãi trường tồn.
Tương truyền rằng, Cửu Long bảo kiếm mang nhiều âm khí tựa như có oan hồn trú ngụ. Xung quanh thân kiếm luôn tỏa ra sương mù, chín con rồng khắc trên đó uốn lượn vần vũ. Đây vốn là thanh kiếm thuộc về cõi âm, dùng trên dương thế chính là trái với quy luật.
Năm xưa, Tôn Điện Anh vì muốn tiêu trừ tang chứng để chạy tội, liền nghĩ ra cách đem đồ trân bảo trộm được tặng cho các “yếu nhân” (nhân vật chủ chốt) trong Quốc Dân Đảng.
Viên bảo thạch trong miệng Từ Hy được họ Tôn này tặng cho Tống Mỹ Linh, còn Cửu Long bảo kiếm được y giao cho Đới Lạp để chuyển tới tay Tưởng Giới Thạch. Đây cũng là khởi điểm cho lời nguyền “ai chạm qua đều chết” ứng nghiệm trên thanh kiếm.
Theo những văn vật và ghi chép được lưu giữ trong Viện bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, hoàng đế Càn Long đã ra lệnh cho phủ nội vụ sản xuất bốn lô, tổng cộng có hơn một trăm thanh bảo kiếm ngự dụng. Lô kiếm đầu tiên được thiết kế sản xuất từ năm Tây Nguyên 1748, tức năm Càn Long thứ 13.
Dốc lòng sản xuất bảo kiếm hơn 10 năm
Hoàng đế Càn Long thật sự dành tâm huyết cho việc sản xuất lô kiếm này. Ông rất cẩn thận, mọi thứ đều tự mình sắp xếp từ mẫu đầu tiên nhất, thiết kế gỗ cho đến số lượng, tên gọi, họa tiết, tháng năm sản xuất cụ thể, thậm chí là vật trang trí, vỏ, hộp gỗ, số lượng vàng và cả chữ viết được khắc trên mặt của thanh kiếm.
Mỗi khi nơi sản xuất hoàn thành xong bước nào cũng đều phải do Tư khố Bạch Thế Tú và thủ lĩnh Thất phẩm Tát Mộc Cáp tự mình mang vào cung, chuyển cho Thái giảm tổng quản Hồ Thế Kiệt để ông mang đến Cung Dưỡng Tâm cho hoàng đế Càn Long kiểm tra.
Sau khi Càn Long xem cẩn thận xong thì lại đưa ra yêu cầu sửa đổi đối với những chỗ không hài lòng.
Sau đó, nơi sản xuất lại tiến hành sửa đổi, gia công và lại dâng lên kiểm tra.
Cứ như vậy cho đến khi đạt được như yêu cầu của hoàng đế thì mới xem như thật sự hoàn thành. Lô bảo kiếm này phải sửa đổi nhiều lần cho đến năm Càn Long thứ 22, tức năm Tây Nguyên 1757 thì mới chính thức hoàn thành, tổng cộng mất 10 năm.
Mức độ quan tâm và dốc lòng của hoàng đế Càn Long với lô kiếm này khá hiếm thấy ở thời nhà Thanh. Tư khố Bạch Thế Tú có công làm kiếm cũng được thăng lên vào Viên ngoại lãng nhờ việc này. Sau đó, hoàng đế Càn Long lại tiếp tục ra lệnh cho người sản xuất ba lô kiếm khác.
Trọng lượng mỗi thanh kiếm trong ba lô kiếm này khoảng 18 lượng, hình dáng, chiều dài, chữ khắc, ký hiệu, v.v. đều giống với lô kiếm đầu tiên, chỉ có chuôi kiếm, vỏ kiếm và phần bảo vệ tay có hơi khác.
Giai thoại về thanh bảo kiếm của cõi âm này cũng chưa vì thế mà dừng lại. Tương truyền rằng, năm xưa Tôn Điện Anh trước khi trộm mộ có gặp một vị cao tăng.
Theo lời của vị cao tăng này thì Nhật Bản đã hiện rõ cái thế “luân hồi”, kiếm Cửu Long phải được đưa ra khỏi mộ Càn Long mới giúp Trung Hoa có thể tránh được kiếp nạn bị ngoại tộc xâm lược lần thứ hai.
Kết quả là bốn năm sau ngày Tôn Điện Anh quật mộ, “Ngụy Mãn Châu quốc” được thành lập. Năm năm sau đó xảy ra biến cố tại cầu Lư Câu (sự kiện Lư Câu kiều) cùng với lời thách thức “ba tháng sẽ tiêu diệt Trung Hoa” từ Nhật Bản.
Tám năm kể từ ngày đó, Cửu Long bảo kiếm biến mất, “Ngụy Mãn Châu quốc” cũng sụp đổ.
Mang hàm ý của sự luân hồi, nhưng Cửu Long bảo kiếm không hoàn thành ước nguyện chấn hưng vương triều của Càn Long, mà lại bị cháy thành một mảnh sắt vụn để rồi biến mất cùng “nạn nhân” của mình.
Mặc dù chỉ là những câu chuyện được truyền tai nhau trong những lúc “trà dư tửu hậu”, nhưng giai thoại về lời nguyền của thanh bảo kiếm trong mộ Càn Long này vẫn khiến người đời không khỏi rùng mình mỗi khi nhắc đến.