Quyền lực trong hậu trường
Ngô Đình Thục là anh thứ hai trong gia đình Ngô Đình Diệm. Sau khi người anh cả là Ngô Đình Khôi mất năm 1945, Thục theo nếp cũ “quyền huynh thế phụ” trở thành người có tiếng nói quyết định trong gia đình họ Ngô Đình, mặc dù ông này đã là một linh mục. Chính Ngô Đình Nhu cũng từng phân trần với linh mục Cao Văn Luận về quyền uy của ông Thục rằng “Thân sinh tôi mất rồi thì chỉ còn đức cha là bậc quyền huynh thế phụ. Tôi không biết phải nói thế nào, Tổng thống thì cả nể Đức cha (Thục) lắm”.
|
Giám mục Ngô Đình Thục. Ảnh: Wikipedia. |
Từ khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, Thục ngày càng can dự sâu vào chính trị. Cuốn sách "Cái chết của anh em nhà Ngô nói rằng: Từ ngày Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống chính quyền Sài Gòn thì Ngô Đình Thục cũng trở thành “Tổng thống” trong giới Công giáo. Ông ta can dự vào nhiều vụ dàn xếp, mua quan bán chức trong chính giới. Thậm chí ông ta còn lấy tư cách anh Tổng thống để ra lệnh mở kho tài sản quốc gia nhằm lấy vật liệu xây dựng xây các công trình nhà thờ Công giáo.
Uy quyền của Ngô Đình Thục lớn nên các linh mục cũng theo đó trở thành thế lực có tiếng nói. Uy quyền của họ lên tới đỉnh điểm khi nhiều người dân có việc kiện cáo không mang ra chính quyền mà mang đến nhà thờ cho cha xứ. Chỉ cần vị linh mục phê vào lá đơn là đại diện chính quyền phải chấp hành răm rắp.
Chính Ngô Đình Thục, trên một tạp chí của Công Giáo vào ngày 15.4.1963 đã thừa nhận rằng trên bàn giấy của ông ta luôn luôn có 1 chồng đơn từ xin can thiệp những chuyện thế tục. Và cha Thục cũng “tự hào” khoe rằng mình từng nhiều lần có ý kiến với chính quyền để giải quyết các lá đơn.
Nhờ bóng Thục, các linh mục Công giáo cũng được thể làm lớn. Khi cần tiền làm việc gì, họ thường tổ chức bán vé xổ số “Tombola”. Đây là một hình thức vận động quyên góp có thưởng. Người ủng hộ sẽ được phát 1 tấm phiếu ghi số tiền đóng góp. Trên phiếu có ghi số thứ tự. Kết thúc cuộc quyên góp, ban tổ chức sẽ quay chọn số. Tấm phiếu nào có số thứ tự trùng với số xổ sẽ được nhận một phần quà hoặc một khoản tiền có giá trị tượng trưng.
Theo các quy định đương thời thì những cuộc tổ chức sổ xố như vậy phải xin giấy phép rất nhiêu khê. Nhưng các linh mục thì không cần phải xin mà cứ tự do tiến hành vì không ai dám đụng vào họ. Không những thế, các linh mục cứ nhằm mấy ông quận trưởng, xã trưởng nhờ bán vé hộ. Ôm một đống vé, bán thì không ai mua, không bán thì mất lòng các vị “con trời” nên họ đành phải xuất công quỹ ra mà ôm trọn.
Ở cấp dưới là như vậy, trên cấp cao, suốt thời kỳ Thục làm giám mục ở Vĩnh Long, hàng tuần các quan chức Chính phủ, Quốc hội, Quân đội.... lại “hành hương” về Vĩnh Long để “thỉnh an” cha Thục. Sự việc này được chính Ngô Đình Nhu thổ lộ với linh mục Cao Văn Luận “ Từ ngày Đức cha về Huế, ở đây tôi mới rảnh rang. Khi Đức cha còn ở Vĩnh Long thì thứ bảy, chủ nhật nào bọn họ cũng rủ nhau xuống Vĩnh Long cả nội các, cả Quốc hội. Biết là phiền phức nhưng không làm thế nào được”.
|
Ông Ngô Đình Diệm. |
Minh chứng cho lời ông Nhu, trong cuốn sách "Ai đã giết anh em Ngô Đình Diệm" có kể câu chuyện: “Vào khoảng tháng 6.1960, nhân một buổi lễ trọng thể tại Vĩnh Long (buổi lễ thuộc phạm vi tôn giáo), thế nhưng từ sáng sớm đã có hàng trăm xe hơi nối đuôi nhau trên con đường “hành hương” về Vĩnh Long. Hầu hết là các Bộ trưởng, dân biểu, tướng tá, công chức cao cấp. Vì có hàng trăm xe của nhân viên chính quyền cho nên Bắc Mỹ Thuận bị kẹt, xe hàng, xe dân bị ứ lại dài cả hàng cây số và phải đợi cả hàng 2, 3 giờ mới được khai thông. Một nhà báo Mỹ cũng bị kẹt trong đám xe đó. Khi trở về Sài Gòn ông ta tỏ ý phàn nàn và phê bình gay gắt… Chuyện đến tai Ngô Đình Nhu, ông đỏ mặt tía tai đập tay vào bàn rồi gọi điện thoại cho ông Chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ: “Làm cái gì mà kỳ vậy. Xuống đấy làm cái gì mà lố vậy. Tôi nhờ ông bảo bọn họ ngưng ngay cái trò đó đi”. Ông Nhu không thích là chuyện của ông Nhu. Con đường Sài Gòn – Vĩnh Long vẫn tấp nập khách công hầu”.
Thành vì Thục, bại cũng vì Thục
Cuối thập niên 1950, Diệm rơi vào cơn thất chí vì hết theo Pháp lại theo Nhật mà không được gì. Nhận thấy cách làm chính trị kiểu trùm mền ngáp ruồi của Diệm không hiệu quả, Thục đã thu xếp 1 chuyến đi dài cho Diệm. Lúc này Thục là Giám mục ở Vĩnh long. Ngày 18.6.1950, Thục xin với Đại sứ Mỹ - Gullion tại Sài Gòn cho Diệm và ông ta nhập cảnh Hoa Kỳ với lý do trên đường qua Roma dự năm Thánh.
Tại Mỹ, Thục vận động Hồng y Spellman thu xếp một bữa cơm chiều tại khách sạn Mayflower ở Washington với sự tham dự của nhiều chính trị gia Mỹ. Được Thục động viên, Diệm đã đứng lên miễn cưỡng diễn thuyết chống Cộng. Nhờ vụ này mà các nghị sĩ Mỹ biết tới một người mặt trắng bệch, dáng đi lúc lắc, là “con nước chúa”, từng làm quan triều Nguyễn và quan trọng là đang căm thù Cộng sản không rõ nguyên do.
Người Mỹ đang tự cho mình có sứ mệnh be bờ ngăn làn sóng cộng sản tại Đông Dương. Đúng lúc đó Ngô Đình Diệm xuất hiện với đầy đủ tiêu chí Mỹ cần nên ngay lập tức trở thành ứng cử viên sáng giá của Mỹ tại tiền đồn chống cộng ở Việt Nam. Chẳng bao lâu sau, Pháp thua, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam và Diệm trở thành Tổng thống dưới sự đạo diễn của Mỹ.
Trong việc này, Thục là người có công lớn nhất nhưng không ngờ 9 năm sau chính ông ta lại hủy hoại “ngôi vị” của Diệm. Ngày 6.5.1963 (2 ngày trước lễ Phật Đản), Diệm ra sắc lệnh cấm treo cờ Phật. Nguyên do của cái lệnh kỳ cục này đều xuất phát từ Thục.
Cuốn sách "Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam" của Nguyễn Phú Đức cho biết: “ Đầu tháng 5.1963, tín đồ Phật tử ở Huế chuẩn bị lễ Phật Đản lần thứ 2507. Lần đó lại trùng với dịp kỷ niệm 25 năm cha Ngô Đình Thục được phong Giám mục đang phụng sự việc đạo tại Huế. Là anh cả của Tổng thống Diệm, cha Thục không phải là con người có tính khiêm nhường Cơ đốc giáo. Ông tỏ ra giận dữ khi không nhận được điện văn chúc mừng của các Thượng tọa Phật giáo tại Huế. Để trả thù, cha Thục dùng tình huynh đệ can thiệp với chính quyền Diệm ra lệnh cấm treo cờ Phật trong ngày Phật Đản với lý do chỉ có quốc kỳ mới được treo nơi công cộng”.
Khi cảnh sát đến từng chùa để thực thi sắc lệnh này đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của tăng ni phật tử Huế. Vào ngày 8.5, một cuộc biểu tình lớn của phật tử Huế nổ ra và cứ thế lan rộng ra khắp miền Nam ở mọi ngành mọi giới. Đáp lại, Diệm Nhu đàn áp dã man, cho cảnh sát tấn công vào chùa. 11.6, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, giáng một đòn dư luận mạnh mẽ vào chế độ Diệm. Mấy tháng sau đó, liên tiếp xuất hiện các cuộc biểu tình. Những làn sóng dư luận mạnh mẽ do sự kiện Phật giáo gây ra ở trong nước và trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ đã là giọt nước tràn ly dẫn đến việc Mỹ cho lật đổ Diệm để tìm một “con ngựa” khác. Do vậy, có thể nói trong sự nghiệp của Diệm, thành cũng nhờ Thục mà bại cũng vì Thục.