Bệnh viện Bạch Mai từng là nơi chữa bệnh truyền nhiễm miễn phí

Google News

Ít người biết rằng, bệnh viện Bạch Mai lúc mới thành lập mang tên là Nhà thương Cống Vọng, và lúc được nâng cấp lên thành bệnh viện đã mang tên một viên quan cai trị Pháp.
 

Bệnh viện Bạch Mai hiện nay là bệnh viện tuyến trung ương hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, theo nội dung cuốn sách ảnh 100 năm Bệnh viện Bạch Mai (1911-2011), thì cuối năm 1910, người Pháp đã quyết định xây một cơ sở dành cho bệnh nhân bị các bệnh truyền nhiễm ở Cống Vọng, nhằm tránh các bệnh truyền nhiễm lây lan vào khu vực binh lính Pháp. Dân gian gọi tên đơn giản là Nhà thương Cống Vọng, hoạt động dưới hình thức nhà thương làm phúc (miễn phí chữa trị).
Như vậy, từ lúc thành lập, Nhà thương Cống Vọng đã gắn với việc chữa bệnh truyền nhiễm. Trước đó, theo tác giả Claude Bourrin, trong cuốn Sự vật và con người ở Đông Dương 1898-1908 (Choses et gens en Indochine 1898-1908), xuất bản bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn năm 1940, cho biết, năm 1903, khi Hà Nội có đợt dịch hạch mà các bệnh nhân và người nghi nhiễm bệnh được tập trung cách ly tại Văn Miếu.
Vấp phải sự phản đối của nhân dân và nhân sĩ Hà Nội, chính quyền thuộc địa đã dự kiến chuyển khu cách ly về một khu đất tại Bạch Mai. Tuy nhiên, cơn bão lớn đổ bộ vào Hà Nội giữa năm 1903 đã làm hư hại cơ sở hạ tầng khu cách ly tại Bạch Mai và việc cách ly bệnh nhân vẫn tiếp tục ở Văn Miếu cho đến khi hết dịch.
Đến năm 1928, số lượng bệnh nhân ngày càng đông mà Nhà thương Cống Vọng chỉ có 134 giường, chủ yếu để điều trị các bệnh lây. Do đó, Thống sứ Bắc kỳ là René Robin đã quyết định cho xây lại Nhà thương Cống Vọng - Bạch Mai. Việc xây dựng đến năm 1935 thì hoàn thành và bệnh viện được đặt tên là Bệnh viện René Robin – tên vị nguyên Thống sứ lúc này đã là Toàn quyền Đông Dương. Theo hình ảnh trong cuốn sách ảnh, bệnh viện gồm các dãy nhà sàn bê tông một tầng, lợp ngói tây.
Benh vien Bach Mai tung la noi chua benh truyen nhiem mien phi
Trước năm 1945, Bệnh viện Bạch Mai mang tên Bệnh viện René Robin. Ảnh tư liệu. 
Tổng thể bệnh viện René Robin được xây dựng với mô hình phân tán, trong đó các khoa, phòng cách biệt với nhau, nối với nhau bằng các dãy hành lang có mái. Bệnh viện là cơ sở thực hành chính của Đại học Y Hà Nội (thành lập năm 1902).
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, các địa danh mang dấu ấn của thực dân Pháp đều được đổi tên. Bệnh viện cũng được đổi tên thành Bệnh viện Bạch Mai cho đến nay.
Như vậy, bệnh viện không nằm ở làng Bạch Mai mà chỉ nằm gần khu vực này. Đài phát tín hiệu vô tuyến đặt tại ngôi biệt thự cổ ở số 128C Đại La, Hà Nội, được Pháp xây dựng năm 1912 để phục vụ liên lạc giữa chính quyền thực dân ở Hà Nội với cả nước, toàn Đông Dương và Paris - Thủ đô nước Pháp, cũng được gọi là Đài phát sóng Bạch Mai.
Theo Từ điển đường phố Hà Nội, làng Bạch Mai xưa vốn có tên là Hồng Mai, thuộc vùng Kẻ Mơ với những làng mang tên có chữ Mai (mai ở đây là cây mơ), như Tương Mai, Hoàng Mai, Hồng Mai, Quỳnh Mai), kéo dài từ phía Nam Ô Cầu Dền, dọc theo đường Bạch Mai ngày nay xuống đến khu vực Trương Định.
Đến thời vua Tự Đức, vì kiêng húy tên vua là Hồng Nhậm, nên làng Hồng Mai đổi tên thành Bạch Mai. Bạch Mai cũng được đặt tên cho con phố nằm trên con đường Thiên lý thời xưa (khi chưa có con đường quốc lộ 1A chạy song song đường sắt như ngày này), nối dài từ phố Huế (vì là đường đi về kinh đô Huế thời Nguyễn). Do đó, thi sĩ Nguyễn Bính mới có câu thơ rằng:
Nhà nàng ở gốc cây mai trắng,
Bên cội mai vàng dưới đế kinh.
(Người con gái ở lầu hoa)
Ý thi sĩ muốn nói nhà cô gái ở phố Bạch Mai, gần phố Hoàng Mai và phía dưới phố Huế.
Eugène Jean Louis René Robin, người từng được đặt tên cho bệnh viện Bạch Mai xưa, là Thống sứ Bắc kỳ giai đoạn 1925-1930, sau đó là Toàn quyền Đông Dương từ đầu năm 1935 đến tháng 9/1936. Trong thời gian ông này làm toàn quyền, thì đường sắt xuyên Đông Dương đã được nối liền vào ngày 2/9/1936. Trong bức ảnh lịch sử, chúng ta thấy Toàn quyền Robin cùng vua Bảo Đại đã thực hiện nghi thức gắn đoạn ray cuối cùng tại Phú Yên.
Sách Danh nhân Hà Nội cũng cho biết, Toàn quyền Robin từng có những mâu thuẫn gay gắt với doanh nhân tài năng người Việt là Bạch Thái Bưởi, và tại Hội nghị Kinh tế lý tài Đông Dương, đã đe dọa vị doanh nhân: "Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi". Tuy nhiên, Bạch Thái Bưởi đã cứng cỏi đáp trả: "Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin".
Theo Lê Tiên Long/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)