Nhiều người trong chúng ta đã nghe tới các phi công Thần Phong (Kamikaze) của Nhật Bản, những chiến binh sẵn sàng áp dụng chiến thuật cảm tử - đâm thẳng máy bay của mình vào tàu chiến Mỹ. Ít người biết rằng phi công Nhật Bản trong Thế chiến 2 không phải là nhóm phi công duy nhất thực hiện đòn tấn công tự sát kiểu vậy. Đệ tam Đế chế (tức chế độ Đức Quốc xã) cũng xây dựng một đơn vị tương tự nhằm tấn công quân Liên Xô.
|
Bom bay Fiziler Fi 103R. Ảnh: Public Domain. |
Phi đoàn Leonidas
Một phi công xin tham gia đội 5 của phi đoàn oanh tạc cơ 200 của không quân Đức tuyên bố: “Tôi tình nguyện tham gia đơn vị cảm tử này với tư cách phi công phụ trách bom dẫn đường”.
Nhiệm vụ của các phi công này là chặn đứng đà tiến của quân Đồng Minh dù phải hy sinh tính mạng của mình.
Trong toàn bộ cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, có hơn 70 tình nguyện viên Đức đăng ký tham gia nhóm cảm tử này.
Ngạc nhiên thay, ý tưởng tạo ra một đơn vị phi công cảm tử đến với người Đức trước cả người Nhật. Hồi tháng 2/1944, ý tưởng này được nêu ra bởi trùm biệt kích Otto Skorzeny và sĩ quan không quân Đức Heio Herrmann và được trùm SS Heinrich Himmler cùng nữ phi công bay thử nghiệm Hanna Reitsch ủng hộ. Chính Hanna đã thuyết phục trùm phát xít Hitler ra lệnh bắt đầu dự án Selbstopfer (có nghĩa là “tự hy sinh”).
Một cách chính thức, đơn vị này được gọi là “Phi đoàn Leonidas” nhằm tôn vinh vua Sparta, mà theo truyền thuyết đã cùng với 6.000 binh lính Hy Lạp chiến đấu rồi ngã xuống anh dũng trong trận chiến Thermopylae trước quân đội Ba Tư đông tới 200.000 người vào năm 480 trước Công nguyên. Phát xít Đức kỳ vọng một tinh thần hy sinh quả cảm như vậy từ phi công Đức.
Tìm kiếm loại máy bay nguy hiểm nhất
Bước đầu tiên là quyết định sử dụng máy bay nào để phá hủy thiết bị và cơ sở hạ tầng đối phương. Nữ phi công Đức Hannah Reitsch nhất định đòi chuyển các chiến đấu cơ Messerschmitt Me-328 đang thử nghiệm thành máy bay cảm tử nhưng các máy bay này đã không thể hiện tốt trong các cuộc thử nghiệm.
Ý tưởng sử dụng Fiziler Fi 103R Reichenberg - một loại bom bay có người điều khiển, cũng thất bại. Vì bom bay này có đặc tính bay kém, khó điều khiển, thường xuyên nghiêng sang một bên.
Không phải ai trong Không quân phát xít Đức cũng nhiệt tình với ý tưởng của Hannah Reitsch về “tự hy sinh” kiểu này. Werner Baumbach, tư lệnh phi đoàn oanh tạc cơ 200, trong đó có đơn vị Leonidas, phản đối việc lãng phí máy bay và sinh mạng.
Baumbach ủng hộ phương án gắn một máy bay ném bom không người lái vào dưới một máy bay tiêm kích loại nhẹ có người lái, khi đến gần mục tiêu, phi công sẽ tách oanh tạc cơ Mistel cho nó rơi lên quân đối phương còn máy bay tiêm kích sẽ bay trở về căn cứ.
Nhưng Mistel di chuyển chậm nên dễ dàng làm mồi cho tiêm kích Đồng minh và chỉ được sử dụng ở mức độ hạn chế trên cả mặt trận phía Đông và phía Tây. Mistel cũng không được sử dụng rộng rãi trong đơn vị Leonidas.
Thực chiến
Do không quân Đức không đạt được nhất trí về vũ khí hiệu quả nhất nên đơn vị Leonidas không trở thành một lực lượng chiến đấu đáng sợ.
Các phi công của đơn vị này bắt đầu các phi vụ cảm tử vào giai đoạn cuối của cuộc chiến khi Hồng quân tiến gần đến Berlin.
Các phi vụ này sử dụng hết các máy bay còn trong tay Không quân Đức, chủ yếu tiêm kích Messerschmitt Bf-109 và Focke-Wulf Fw-190, chất đầy thuốc nổ với lượng nhiên liệu chỉ còn một nửa (đủ cho chuyến bay một chiều).
Mục tiêu của các phi công “Thần Phong” Đức là các cây cầu bắc qua sông Oder do quân đội Liên Xô xây dựng. Theo tuyên truyền của Đức, 35 phi công cảm tử đã cố gắng phá hủy 17 cây cầu trong các đợt tấn công như vậy. Trên thực tế, chỉ có cây cầu đường sắt ở thị trấn Kostrzyn của Ba Lan là bị phá hủy.
Phi đoàn Leonidas không có khả năng tạo ra mối đe dọa lớn cho đối phương ngoài việc gây ra một chút băn khoăn cho các cuộc tấn công của Liên Xô. Vào ngày 21/4/1945, khi các đơn vị Xô viết tới thị trấn Jüterbog nơi đặt căn cứ của đơn vị nói trên, tất các phi vụ đã bị ngừng lại, nhân viên cũng đã được sơ tán và đơn vị cảm tử này chấm dứt tồn tại.