Báo "Tiếng dân" ra đời năm 1927 qua ký ức người đương thời

Google News

Ra đời tại đất Trung kỳ với số đầu tiên ngày 10/8/1927, báo "Tiếng dân" của cụ Huỳnh Thúc Kháng tự nhận cất tiếng khóc chào làng báo để tranh đấu cho lợi quyền dân tộc.

Tồn tại trong 16 năm, báo Tiếng dân đã gây nên tiếng vang lớn ở đất Trung kỳ nói riêng và trong làng báo Việt nói chung dạo trước 1945 với hoạt động năng nổ của cụ Huỳnh Thúc Kháng và những nhà báo, nhà yêu nước dạo ấy.

Những bước chuẩn bị

Nhân vật đứng chủ cho việc ra đời Tiếng dân là cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Việc dự trù ra báo, manh nha năm Bính Dần (1926). Tháng 7 năm ấy, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử dân biểu, rồi được hội nghị đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Đại biểu bầu làm nghị trưởng. Sau lần hội nghị ấy, trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện cụ kể “tôi cùng đồng nhân trù hoạch xin mở một tờ báo, vì xưa nay ở Trung kỳ chưa có tờ báo nào”.

Báo Tiếng dân ra đời, còn khởi phát từ tình hình nước nhà khi thực dân Pháp chơi trò mị dân, cho phép lập Viện Nhân dân đại biểu ở Bắc kỳ, Trung kỳ để nhân dân thuộc địa có quyền tham dự việc nhà nước, còn ở Nam kỳ thì Đảng Lập hiến được Bùi Quang Chiêu lập nên thực hiện chính sách Pháp Việt đề huề. Thế nên khi được cử làm Viện trưởng, Đào Duy Anh trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm cho hay “cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận đứng ra lập một tờ báo để làm cơ quan bênh vực quyền lợi của nhân dân, làm hậu thuẫn cho hoạt động của Viện dân biểu”.

Bao

Tòa soạn báo Tiếng dân, cũng là trụ sở Công ty Huỳnh Thúc Kháng tại đường Đông Ba (nay là đường Huỳnh Phúc Kháng), Huế. Ảnh tư liệu.

Và để làm được ra được báo này, cụ Huỳnh tổ chức công ty chuyên trách tập cổ Huỳnh Thúc Kháng. Tháng 4 năm Đinh Mão (1927), công ty được thành lập với số vốn quyên được từ cổ đông là ba vạn. Điều thú vị là, dẫu có ý định ra báo, nhưng các cổ đông lại không biết gì về những vấn đề xung quanh tờ báo như in ấn, phát hành, thủ tục… và họ Huỳnh một tay đứng chủ.

Việc chuẩn bị ra báo được cụ Huỳnh tâm sự, ngoài phần vốn đã có nhờ vận động, thì thủ tục với chính quyền lúc ấy cũng có điều thuận lợi: “Về khoản cho ra tờ báo ở Trung kỳ, chính phủ Pháp ở Trung kỳ đã chuẩn hứa”. Về phần trụ sở của báo, Trần Đình Phiên đến Huế mua căn nhà có lầu ở đường Đông Ba (đường Huỳnh Thúc Kháng hiện nay). Cùng với việc tìm trụ sở, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Nguyễn Xương Thái ra Hà Nội tìm mua máy in và sách vở tài liệu ra báo. Ông Mai Du Lân chủ báo Thực nghiệp mới mua một máy in chưa dùng, nhượng lại cho báo Tiếng dân sắp ra. Lúc ấy nhà in Nghiêm Hàm vừa phát mãi, Huỳnh Thúc Kháng thuê luôn ấn công cũ của nhà in Nghiêm Hàm vào Huế làm việc.

Báo ‘Tiếng dân’ ra đời

Sau khi xong xuôi các thủ tục xin phép, ngày 10/8/1927, báo Tiếng dân ra mắt số đầu tiên, do Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Trần Đình Phiên làm Quản lý. Trong số đầu tiên của báo, tên báo được in hoa quốc ngữ kèm chữ Hán và chữ Pháp. Trang đầu tiên bên góc trái có bài “Báo Tiếng dân ra đời” của cụ Huỳnh với lời mở đầu là lời rao kèm tiếng khóc rất thú vị (trích nguyên văn chính tả thời ấy):

“Báo Tiếng Dân ra đời!

Báo Tiếng Dân ra đời!

Báo Trung Kỳ ra đời!

Báo Tiếng Dân ở Kinh đô nước Việt Nam ta mới ra đời!

Muộn màng thay! Tủi buồn thay! Song cũng gắng gượng thay! Ốm đau mang nặng, ngậm đắng nuốt cay đã mấy mươi năm mà nay mới lọt lòng mẹ ra thấy chút bóng sáng trong trời đất!

Oe! Oe! Oe! Rời đất một tiếng khóc!”…

Tôn chỉ, mục đích cho sự ra đời và hoạt động của báo Tiếng dân cũng được thể hiện rõ trong lời phi lộ này sau khi đã lược thuật đôi điều về lịch sử nước Việt, về sự thay đổi danh phận của nước Nam, về vận mạng dân tộc:

“Tóm lại một câu, tờ báo TIẾNG DÂN nầy ở trong báo giới nước ta, nói rộng ra cả nước thì về phần em út, đào đường vỡ núi, cái công khó nhọc đã nhờ có các bậc đàn anh, mà nói riêng về phần Trung Kỳ lại là phần ảnh cã, ăn trước bước đầu, cái trách nhiệm chỉ ngã đem đường, không thể nhường cho ai được. Ấy một tiếng khóc trên là một tiếng Bản báo trước xin chào anh em đồng bào trong nước, xin chào Chính phủ bảo hộ, Chính phủ Nam Triều cùng bạn đồng nghiệp, sau bày tỏ lược lược cái mục đích của Bản báo sau nầy:

“Mục đích của Bản báo là theo tâm lý chân chính của quốc dân mà phô bày trên tờ giấy, cốt giữ gìn cái nền đạo đức sẵn có của ông bà, mà dung hợp với học thuật tư tưởng mới, để mở mang đường trí thức, đường kinh tế trong nước, công lý là hướng đường đi, công lợi là nơi quy túc, không thiên vị về đảng phái riêng, không cổ động về ảnh hưởng trống, cùng quốc dân làm bạn mà có hơi trái tai đắng miệng, đem lòng thành mà can lại quốc dân, lấy dư luận làm thầy mà cũng có hồi vạch lối tìm phương, nêu lẽ phải để đem đường cho dư luận. Đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng, mong rằng bỏ lòng ghen ghét mà dốc dạ thương yêu; đối với Chính phủ xin làm người bạn ngay, mong rằng theo trình độ dân mà thật lòng cải cách. “Trăm vạn quân không bằng một tờ báo”, Bản báo không dám mượn câu ấy mà tự cao, “Một việc thực hơn trăm điều nói không”, Bản báo xin ghi câu nầy mà gắng sức”.

Bao

Báo Tiếng dân số 675, ra ngày 21/3/1934. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng.

Như trên là sự tỏ bày cho việc ra đời của báo, nhà báo họ Huỳnh sau đó cũng nêu rõ cái lý cho hai chữ “Tiếng dân” trên manchette. Theo đó:

“Đức Khổng Tử có nói: “Đặt tên ra cốt nói được; nói cốt làm được, nên người quân tử không khi nào nói xằng” (Danh chi tất khả ngôn dã, ngôn chi tất khả hành dã, quân tử ư kỳ ngôn vô sở cầu nhi dĩ hỷ).

Bản báo đã đặt tên là TIẾNG DÂN, thì tiếng dân là cái chân sắc của Bản báo, Bản báo xin trông cái tên mà nhớ lấy cái nghĩa, mà anh em đồng bào cũng có thể nghe cái tên mà hiểu được nửa phần, không cần phải giải thích cho dài vậy”.

Trong ký ức người đương thời

Nghiệp làm báo của cụ Huỳnh liên quan đến việc cụ được bầu vào Hội đồng Nhân dân Đại biểu ở Trung Kỳ, và làm nghị trưởng. Trong thời gian làm dân biểu (tháng 7/1926 - tháng 10/1928), họ Huỳnh đấu tranh không khoan nhượng với nhà cầm quyền Pháp ở Trung Kỳ, tạo nên những vụ xung đột như vụ D’Elloy - Huỳnh Thúc Kháng; vụ Huỳnh Thúc Kháng - Jabouille. Kể từ sau đó như lời cụ tâm sự “tờ báo TIẾNG DÂN là nơi tôi co mình giữa chợ đông”.

Với Thanh Tịnh, ông còn nhớ bài đăng trên báo với tiêu đề “Cha làm trâu, con làm ngựa”. Và với ông, bài báo này là “Câu chuyện giản dị, gây xúc động tuy không tránh khỏi dài dòng bởi những đoạn tả cảnh mặt trời lên, mặt trời xuống v.v…”. Bài báo được viết trên cơ sở người thật việc thật, nói về sự nghiệt ngã của cuộc mưu sinh khi hai bố con đều đi làm thuê cho một gia đình giàu có gốc hoàng tộc. Cha kéo cày thay trâu, con làm ngựa cho con nhà chủ cưỡi. Với bài báo ấy, ông được cụ Huỳnh Thúc Kháng khuyên là “Thanh Tịnh nên làm báo”.

Bao

Một số hồi ký liên quan đề cập đến báo Tiếng dân. Ảnh: Trần Đình Ba.

Trong hồi ức của Tôn Nữ Hỷ Khương qua Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Giạ Thị thì cha bà, cụ Ưng Bình có mối thâm giao với Huỳnh Thúc Kháng và thơ ca của Ưng Bình thường đăng trên Tiếng dân. Với Huy Cận thì trong Hồi ký song đôi, tác giả “Tràng giang” còn nhớ có ông cậu ham đọc Tiếng dân “và thỉnh thoảng viết một cái tin vặt (nhưng có ý nghĩa về đời sống của dân chúng) gởi đăng báo, và khi tin được đăng lên, cậu tôi rất sung sướng, có phần nào hãnh diện với những người xung quanh rằng ta có “bài đăng báo””.

Về lịch sử của Tiếng dân, Anh Minh Ngô Thành Nhân, từng tham gia làm báo Tiếng dân trong Ngũ Hành Sơn chí sĩ cho biết tòa soạn của báo nằm trong trụ sở Công ty Huỳnh Thúc Kháng. Báo sống được 16 năm kể từ số đầu tiên ngày 10/8/1927 cho đến khi bị đình bản ngày 28/4/1943. Tham gia viết bài cho báo toàn những tên tuổi lớn, ngoài ông chủ bút họ Huỳnh báo còn có Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Vân Đình Võ Nguyên Giáp… Riêng như cụ Phan Bội Châu rất nhiều bài thơ đăng trên Tiếng dân như “Điếu Trương Gia Mô Cúc Nông tiên sinh” (Tiếng dân, 4/1/1930), “Nghe quốc kêu” (Tiếng dân, 24/12/1930), “Tết” (Tiếng dân, 14/2/1931)…

Theo Trần Đình Ba/Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)