Bác đã viết thư huấn thị gửi đến các tỉnh, các ủy ban nhân dân làng, xã, huyện, tỉnh, kỳ, bộ... khuyên nhủ cán bộ cảnh giác, khắc phục những biểu hiện mới phát sinh về quan liêu, lãng phí, tham ô, những tật xấu mà Người gọi là "làm quan cách mạng".
Ban Thanh tra đặc biệt
Một mặt Bác kêu gọi phải phê bình và tự phê bình để sửa chữa, nhưng mặt khác Bác rất coi trọng xây dựng một thiết chế pháp luật để thanh trừ những phần tử tha hóa, biến chất làm công cụ pháp lý cơ bản, đủ hiệu lực cần có để giữ vững sự trong sạch cho chính quyền cách mạng, trật tự kỷ cương xã hội. Bác đã đặt ra một cơ cấu thanh tra, kiểm tra và xét xử đáng để cho chúng ta ngày nay nghiên cứu học tập.
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 64/SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và một tòa án đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét xử các sai phạm của các nhân viên từ trong các ủy ban nhân dân các cấp, đến cơ quan cao nhất của chính quyền.
Nội dung Sắc lệnh cụ thể như sau:
Điều thứ nhất: Chính phủ sẽ lập ngay một ban Thanh tra đặc biệt, có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Ủy ban nhân dân, các cơ quan của Chính phủ.
Điều thứ hai: Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền:
- Nhận các đơn khiếu nại của nhân dân.
- Điều tra, hội chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát.
- Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi, trước khi mang ra Hội đồng chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử.
- Tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra tòa đặc biệt.
- Ban Thanh tra có thể truy tố cả các việc xảy ra trước ngày ban Sắc lệnh này.
- Ban Thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan.
Với những nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn như trên, rõ ràng là ban Thanh tra đặc biệt có quyền lực tối cao đứng trên các cấp chính quyền để đảm bảo cho công việc thanh tra được khách quan, chính xác, không lọt lưới.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa) cùng cụ Bùi Bằng Đoàn (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên trái) ở chiến khu Việt Bắc năm 1947. |
Gương mờ thì không soi được
Sắc lệnh số 64/SL cũng quy định rõ chức năng, cơ cấu và lề lối làm việc của tòa án đặc biệt:
Điều thứ 3: Sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một tòa án đặc biệt để xét xử những nhân viên của các ủy ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do ban Thanh tra truy tố.
Điều thứ 4: Tòa án đặc biệt có ông Chủ tịch Chính phủ lâm thời làm chánh án và hai ông bộ trưởng bộ Nội vụ và bộ Tư Pháp làm hội thẩm...
Điều thứ 5: Bị cáo có thể tự bào chữa lấy, hay nhờ luật sư bênh vực, ông hội thẩm thuyết trình có thể cử một luật sư ra bào chữa không cho bị cáo.
Điều thứ 6: Tòa án đặc biệt có toàn quyền định án, có thể tuyên án tử hình. Những án tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ.
Khi chọn người thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
"Cán bộ thanh tra như cái gương để người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được". Và Bác đã vận dụng nguyên tắc đó trong thực tế quyết định "Ban Thanh tra không cần nhiều người. Lúc này hai người là đủ, một vị cao tuổi, là vị quan có tính liêm khiết của triều đình cũ là cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn), Thượng thư của bộ Hình trong triều đình Huế trước đây; một người thanh niên hăng hái mà trong nước cũng biết tiếng, là chú Cù Huy Cận. Người già người trẻ dựa vào nhau mà làm việc, nhất định việc thanh tra sẽ làm tốt, và cần làm ngay".
Sự ra đời của Ban Thanh tra đặc biệt và một tòa án đặc biệt có trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng gồm những người được Bác lựa chọn như thế, đủ đảm bảo tính công bằng, khách quan, đảm bảo hiệu lực để đề cao lòng dân, đề cao phép nước.