Ai là nhân vật tài năng được lãnh tụ Stalin tin tưởng tuyệt đối?

Google News

Giành được sự tin tưởng của vị lãnh tụ Liên Xô Stalin siêu thận trọng và hay nghi ngờ là điều không dễ dàng chút nào. Alexander Shcherbakov là một trong số ít người làm được điều đó.
 

Ngày nay ít người ở Nga biết đến tên người đàn ông này. Nhưng thời Stalin, người đứng đầu ngành tuyên truyền Xô viết, Alexander Sergeyevich Shcherbakov, là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất Liên Xô. Ngoài ra, ông còn có cơ hội thường trực để trở thành nguyên thủ Liên Xô một ngày nào đó. Nhưng cuối cùng điều đó lại không xảy ra.
Ai la nhan vat tai nang duoc lanh tu Stalin tin tuong tuyet doi?
Shcherbakov (bên trái) được Stalin (bên phải) tin cậy. Ảnh: RBTH. 
Lên như diều gặp gió
Sau chiến thắng trong Nội chiến Nga, lãnh đạo Xô viết gặp phải vấn đề nhân sự nghiêm trọng. Có nhiều viên chỉ huy quân sự xuất sắc nhưng lại thiếu trầm trọng các chuyên gia dân sự. Trong hoàn cảnh đó, Alexander Sergeyevich – một nhà lãnh đạo bẩm sinh và một nhà tổ chức giỏi, lại sở hữu vài tầm bằng đại học, trở nên quý hơn vàng.
Ngay từ lúc 15 tuổi, Shcherbakov đã lập ra và đứng đầu vài tổ chức cách mạng thanh niên. Ở độ tuổi 33, ông vươn lên vị trí thư ký chấp hành của Hội Nhà văn Liên Xô. Chính ông là người đảm bảo việc xuất bản các tác phẩm văn chương minh họa cho “cuộc đấu tranh anh hùng của giai cấp vô sản quốc tế, cảm hứng từ chiến thắng của chủ nghĩa xã hội, phản ánh trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng của Đảng Cộng sản”. Shcherbakov là người quyết định tác phẩm của ai được đăng, của ai không được đăng.
Thậm chí sau khi rời vị trí trong Hội Nhà văn vào năm 1936, Shcherbakov vẫn tiếp tục theo dõi sát sao các bước phát triển của văn học Liên Xô.
Sau thời gian làm việc tại Hội Nhà văn, Shcherbakov nắm giữ một số chức vụ cao cấp tại một số vùng khác nhau của Liên Xô: Ở Leningrad (nay là Saint Petersburg), Stalino (Donetsk), Irkutsk. Cuối cùng, vào năm 1938, Stalin điều Shcherbakov về Moscow, nơi ông được giao phụ trách đảng bộ thành phố này.
Lãnh tụ Stalin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ban chấp hành trung ương: “Bộ Chính trị hiện đầy người già. Cần tuyển thêm người trẻ hơn, có khả năng đảm đương nhiệm vụ để sẵn sàng làm lớp kế cận”.
Được sự nâng đỡ của Stalin, Shcherbakov trở thành ứng viên cho một vị trí trong Bộ Chính trị, từ đó gần như đạt tới đỉnh cao quyền lực.
Thủ trưởng cơ quan tuyên truyền
Hai ngày sau khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô (năm 1941), Cục Thông tin Liên Xô ra đời, với nhiệm vụ là bảo đảm phản ánh 24/7 tình hình chiến sự phục vụ nhân dân. Cục trưởng cục này chính là Alexander Shcherbakov. Đến năm 1942, ông cũng được bổ nhiệm đứng đầu Cục Chính trị của Hồng quân, chịu trách nhiệm giáo dục tư tưởng cho binh sĩ và thủy thủ hải quân.
Giai đoạn khó khăn và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Alexander Shcherbakov là vào tháng 10/1941, khi quân đội Đức nằm cách Moscow chỉ hàng chục kilomet. Trong thời kỳ từ ngày 15-17/10/1941, thành phố chìm trong hoảng loạn, cư dân di tản hàng loạt, trộm cướp và hôi của xảy ra khắp nơi.
Trước thực tế đó, Shcherbakov nỗ lực nhiều để đưa tình hình đất nước trở lại trạng thái bình thường. Ông bảo đảm các vị giám đốc xí nghiệp nào mà trốn khỏi thành phố thì sẽ bị đưa ra tòa và các bí thư nào mà lại đổ gục do sợ hãi thì sẽ bị khai trừ khỏi Đảng. Theo hướng dẫn của Stalin, Shcherbakov đã có một bài phát biểu trên sóng phát thanh nhằm trấn an người dân thành phố. Bài phát biểu có đoạn: “Chúng ta sẽ chiến đấu một cách ngoan cường và quyết liệt vì Moscow, tới giọt máu cuối cùng”.
Thông qua các nỗ lực của Shcherbakov, công tác tuyên truyền trong Hồng quân phát triển nhanh chóng. Ông nhận thấy nhiệm vụ của Cục Chính trị là “Thông báo tốt hơn cho quân nhân về các tội ác của quân phát xít Đức xâm lược, về mục đích của chúng là hủy diệt dân tộc Xô viết và biến những người còn sống sót thành nô lệ. Và sử dụng điều đó để truyền vào người lính một lòng căm thù cháy bỏng và không thương tiếc đối với quân thù”.
Alexander Shcherbakov đã tăng số lượng chính trị viên trong quân đội, phái họ tới các khu vực khó khăn nhất trên mặt trận Xô-Đức. Công tác tuyên truyền trong binh sĩ Hồng quân đến từ các nước cộng hòa dân tộc thiểu số, nhiều người trong số họ không biết nói tiếng Nga, cũng được đẩy mạnh. Thậm chí còn ra báo bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số dành cho các đối tượng này.
Hàng chục nhà hát tiền tuyến và hàng trăm đội hòa nhạc lưu động đã được lập ra để biểu diễn phục vụ chiến sĩ tại mặt trận. Liên Xô cũng đã sản xuất nhiều bộ phim tuyên truyền chiến tranh, mà một trong số đó (phim “Moscow phản kích”) thậm chí được trao giải Oscar vào năm 1943. Máy bay tầm xa được huy động để thả tờ rơi lên các vùng bị chiếm đóng. Các nhà văn hàng đầu của đất nước và thậm chí Nhà thờ Chính thống giáo Nga cũng tham gia vào nỗ lực tuyên truyền này.
Đột ngột kết thúc sự nghiệp
Những ai từng làm việc Shcherbakov đã mô tả ông như sau: “Sở hữu sức làm việc lớn và trí nhớ xuất chúng, ông có thể nhanh chóng phân tích tình hình và đưa ra quyết định. Ông là một người lắng nghe tốt và biết cách chỉnh lỗi một đồng chí nào đó một cách hết sức tế nhị”.
Khi chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự lớn, Stalin thường xin lời khuyên của Shcherbakov.
Nguyên soái Alexander Vasilevsky viết trong hồi ký “Công việc của đời tôi” rằng “Stalin tin cậy Shcherbakov. Một khi đã được Shcherbakov phê duyệt hoặc nhất trí thì Stalin ký công văn không chút chậm trễ”.
Trẻ tuổi, có khát vọng, cứng rắn, và trung thành cao độ với Stalin, Shcherbakov có mọi cơ hội để trở thành người kế vị Stalin ở vị trí cao nhất của đất nước sau khi nhà lãnh đạo Xô viết này qua đời. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe kém và chứng nghiện rượu đã ngăn ông sống đến được thời khắc đó. Ông chết do bị nhồi máu cơ tim vào đúng ngày 10/5/1945, ngay sau ngày Chiến thắng phát xít Đức, hưởng dương 43 tuổi.
Theo VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)