Nhân vật họ “Chung” được gọi là “Chung Vương” ngang hàng với Vương Hi Chi là ai? Ông chính là nhà thư pháp Chung Do nổi tiếng trong thời kỳ Tam Quốc. Chung Do khá thành công trong lĩnh vực thư pháp và có sức ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ sau này. Tuy rằng Vương Hi Chi và sư phụ của ông – nhà thư pháp nữ Vệ Thước (còn gọi là Vệ phu nhân) của nhà Tấn, đều cách xa mấy chục năm so với thời kỳ Chung Do sống, và đều không thể gặp mặt nhau, nhưng trong “Thư pháp yếu lục – Truyền thụ bút pháp danh nhân” của nhà lịch sử quốc thư Trương Ngạn Viễn sống vào thời nhà Đường nói rằng: “Chung Do truyền thụ cho Vệ phu nhân, Vệ phu nhân truyền cho Vương Hy Chi”. Nếu chiểu theo tư liệu lịch sử này thì xem ra cả Vệ phu nhân và Vương Hy Chi đều từng chuyên tâm nghiên cứu về thư pháp của Chung Do nên có đặc điểm giống với phong cách của ông.
Nghe kể rằng, khi Chung Do còn trẻ từng đến Bão Độc Sơn học thư pháp ba năm, sau khi quay về ông cùng với Tào Tháo và những nhà thư pháp đương thời nghiên cứu bút pháp.
Nhưng trong bài viết này chúng ta không nói về Chung Do với thân phận là một nhà thư pháp, mà là kể về câu chuyện Chung Do từng làm thị giảng của Hán Hiến Đế – giảng giải kinh sách văn sử cho hoàng đế – rồi lên làm quan Thái Phó, cuối cùng trở thành một trọng thần của Tào Ngụy trong thời kỳ Tam Quốc.
Chung Do, tự Nguyên Thường, người Trường Xã, Dĩnh Xuyên, Dự Châu (nay thuộc thành phố Trường Cát tỉnh Hà Nam). Gia tộc của ông là một trong những môn phiệt sĩ tộc giàu có và nổi tiếng nhất thời bấy giờ, đầu tiên Chung Do được tiến cử làm hiếu liêm, từng đảm nhận chức Thượng thư lang, Dương lăng lệnh, vì bị bệnh nên từ chức. Sau đó lại được tuyển chọn vào triều đình đảm nhận các chức vụ: Đình úy chính, Hoàng môn thị lang… Chung Do có tài hơn người, có biểu hiện vô cùng xuất sắc về mặt nội chính và quân sự, nhưng năng lực ngoại giao của ông lại càng mạnh hơn, lời nói cử chỉ khiến người ta tin tưởng và bội phục, người khác rất dễ bị ông thuyết phục.
Bảo vệ hoàng đế chạy về phía đông
Năm Sơ Bình thứ 3 của Hán Hiến Đế (năm 192), sau khi Đổng Trác tự xưng là thừa tướng và bị giết chết, tướng lĩnh của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ dùng danh nghĩa báo thù cho Đổng Trác, không lâu sau đã dẫn quân công phá Trường An, đánh bại võ tướng Lữ Bố, giết chết đại thần Vương Doãn của Đông Hán, và lên nắm giữ triều chính, sự tàn bạo của họ không thua kém gì Đổng Trác. Hán Hiến Đế trở thành con rối, không có một chút quyền lực nào cả, liên lạc với Quan Đông cũng bị bọn chúng ngăn chặn lại.
Hán Hiến Đế muốn trốn thoát khỏi Trường An, nhưng thời cơ vẫn chưa chín muồi. Lúc này Tào Tháo đã đánh bại quân Khăn Vàng, tự lên làm Duyện Châu mục, lúc đầu sai sứ thần mang thư lên triều đình, hy vọng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng Lý Thôi, Quách Dĩ cho rằng các anh hùng nơi Quan Đông là có ý lập Thiên tử khác, vốn dĩ không tin tưởng Tào Tháo, cho rằng Tào Tháo chỉ làm bộ làm tịch chứ không hề thật lòng. Họ thương lượng bắt nhốt sứ thần của Tào Tháo, từ chối tiếp nhận thành ý của họ Tào.
Chung Do đánh giá cao tài hoa của Tào Tháo, họ còn từng cùng nhau nghiên cứu bút pháp, vì vậy trong lòng Chung Do rất muốn bảo vệ ông, nói vài câu tốt đẹp cho Tào Tháo chẳng phải là quá dễ dàng hay sao. Sau khi Chung Do nghe được chuyện này, ông liền đi gặp Lý Thôi và Quách Dĩ, ông nói: “Hiện nay các anh hùng cùng nổi dậy, ai nấy đều giả vờ nói là lệnh hoàng đế mà tự xưng bá một phương, chỉ có Tào Duyện Châu là trong lòng nghĩ đến vương thất, nếu như từ chối lòng trung thành của hắn, đây không phải là cách phù hợp với nguyện vong của tương lai”.
Vì những lời này của Chung Do mà Lý Thôi và Quách Dĩ đã thay đổi suy nghĩ, không gây khó dễ nữa, từ đó Tào Tháo thông qua sứ thần mà có được sự liên lạc với Hán Hiến Đế. Trước đó Tào Tháo đã từng nhiều lần nghe quân sư Tuân Úc của mình ngợi khen Chung Do, lại nghe nói ông từng chủ động khuyên giải Lý Thôi và Quách Dĩ giúp mình nên càng có thiện cảm với Chung Do hơn.
Năm Sơ Bình thứ hai Hán Hiến Đế (năm 195), Lý Thôi và Quách Dĩ đều rất muốn một mình kiểm soát Trường An, nên họ bắt đầu công kích lẫn nhau, nội đấu liên tục, Trường An trở nên hỗn loạn. Lý Thôi, Quách Dĩ muốn bắt Hán Hiến Đế đến doanh trại của mình. Chung Do cùng với đám người của Thị trung vệ úy Dương Kỳ, Thượng thư lang Hàn Bân bày mưu tính kế, lại dụ bộ hạ của Lý và Quách phản bội để làm yếu thế lực của bọn chúng, sau đó dùng chiêu mượn lệnh bài v..v… cuối cùng đưa được Hán Hiến Đế rời khỏi thành Trường An. Chung Do vì lập được công cứu chúa mà được thăng chức làm Ngự sử trung thừa, Thiên thị trung, Thượng thư bộc xạ, lại được phong tước làm Đông Võ Đình Hầu.
Ổn định Quan Tây
Năm Kiến An thứ 2 (năm 197), thế lực quân sự của Mã Đằng, Hàn Toại tại Quan Trung rất mạnh, khiến cho Tào Tháo vô cùng lo lắng, nhưng vì thảo phạt Lữ Bố quá bận rộn không làm được việc khác, nên để Tuân Úc tiến cử, viết thư mời Chung Do lệnh cho Tư lệnh hiệu úy dẫn người đi giám sát các nhánh quân ở Quan Trung, ủy thác chuyện hậu phương cho Chung Do.
Tháng 12 năm Kiến An thứ 4 (năm 199), sau khi Chung Do đến Trường An đã gửi thư cho Mã Đằng và Hàn Toại tường thuật mối quan hệ lợi và hại, Mã Đằng và Hàn Toại thần phục Hán Hiến Đế, cho con trai mình đến triều đình làm con tin. Khu vực Quan Tây được yên ổn.
Cứu giá Quan Độ, tài trợ hai ngàn chiến mã
Sau khi Viên Thiệu tiêu diệt được U Châu, tiếp tục chiếm lấy bốn khu vực Thanh Châu, Ký Châu, U Châu và Tịnh Châu, trở thành nhà quân sự lớn mạnh nhất phương Bắc, vì thế muốn tiêu diệt Tào Tháo mong chiếm hữu Duyện Châu và Dự Châu, để thống nhất phương Bắc.
Năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Tào Tháo và Viên Thiệu chạm trán tại Quan Độ. Luận về thực lực quân đội thì Tào Tháo thật sự là thua xa Viên Thiệu, nhưng ông lại có sở trường mưu lược, rất giỏi dùng kế, khoan dung độ lượng, không toan tính ân oán xưa kia, có thể khiến cho nhân tài của kẻ địch trở thành người của mình, tạo thành sự tương phản mới mẻ so với tác phong do dự không quyết đoán, cố chấp đa nghi và chủ nghĩa thân hữu của Viên Thiệu.
Vào thời khắc quan trọng khi Tào Tháo và Viên Thiệu phân cao thấp, Chung Do gửi đi hai ngàn con chiến mã cho Tào Tháo. Tào Tháo rất cảm kích, trong thư gửi cho Chung Do có nói: “Có được chiến mã gửi đến, rất là kịp lúc. Khu vực Quan Tây yên ổn, triều đình không có nỗi lo phía Tây, đều nhờ công lao của ngài. Năm xưa Tiêu Hà chấn thủ Quan Trung, lương thực đầy đủ, giành chiến thắng bằng đội quân lớn, cũng chỉ tương đương với công lao của ngài”.
Sau khi nước Ngụy được thành lập, Chung Do được cử làm tướng quốc nước Ngụy gồm 10 quận ở Ký châu. Là một quan văn, Chung Do tận lực phò tá Tào Tháo, Tào Phi, lập được công lao to lớn trong việc xây dựng và phát triển đế quốc Tào Ngụy.