Những ngày 8/3 chấn động lịch sử
Vào ngày 8/3/1857, các nữ công nhân ngành dệt đã đứng lên đấu tranh chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại Thành phố New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập công đoàn (syndicat) đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Khẩu hiệu của họ là “Bánh mì và Hoa hồng” (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.
Trong Hội nghị Phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8/3/1910, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Tại Hội nghị này, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Clara Zetkin đã đề nghị chọn một ngày làm ngày Quốc tế Phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Theo đề xuất của bà Zetkin, Hội nghị đã chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Clara Zetkin – một đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ
Sinh tại Wiederau, Saxony, Đức, Clara Zetkin đã tham gia các phong trào của phụ nữ và người lao động từ khi còn đi học. Đến năm 1878, bà gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ Đức. Kể từ đây, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, bà cùng người bạn là nhà cách mạng nổi tiếng Rosa Luxemburg đặc biệt quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong giới chính trị.
Zetkin cũng tích cực đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. Với tư tưởng trên, bà góp phần đẩy mạnh phát triển phong trào phụ nữ dân chủ ở Đức.
|
Bà Clara Zetkin. Ảnh: LatFem. |
Vào năm 1890, Clara Zetkin phụ trách công việc biên tập và phát hành tờ báo Die Gleichheit (Bình đẳng) của phụ nữ và làm công việc này cho đến năm 1917. Đến năm 1907, bà cùng với Rosa Luxemburg và Nazheda Krupskaya (vợ của lãnh tụ Lenin) vận động thành lập Ban Thư kí phụ nữ quốc tế. Sau khi Ban Thư kí phụ nữ quốc tế được thành lập, Clara Zetkin được bầu làm Bí thư.
Như đã đề cập ở trên, vào ngày 8/3/1910, Hội nghị Phụ nữ thế giới được triệu tập ở Copenhagen (Đan Mạch). Trong khuôn khổ Hội nghị, Clara Zetkin đưa ra sáng kiến lấy ngày 8/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ. Điều này đã được hơn 100 nữ đại biểu đến từ 17 nước đồng ý. Kể từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày thế giới tôn vinh phụ nữ.
Đến năm 1919, bà Zetkin gia nhập Đảng Cộng sản Đức và trở thành Ủy viên Trung ương Đảng. Vào tháng 4/1920, bà Zetkin thành lập Quốc tế Phụ nữ Cộng sản, một bộ phận của Quốc tế Cộng sản và được bầu là Chủ tịch đầu tiên của phong trào.
Với những đóng góp to lớn cho các phong trào, hoạt động của phụ nữ, bà được nhà lãnh đạo Stalin tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ năm 1927 và Huân chương Lenin năm 1932.
Bước tiến mới của phong trào giải phóng phụ nữ
Sáng kiến lấy ngày 8/3 hàng năm là ngày Quốc tế Phụ nữ do Clara Zetkin khởi xướng đã thổi một luồng sinh khí mới cho phong trào giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới, dẫn đến những cuộc đấu tranh cho quyền lợi của “phái yếu” bùng nổ ở khắp các quốc gia Âu – Mỹ.
Ngày 25/3/1911, 145 nữ công nhân, phần lớn là di dân người Ái Nhĩ Lan và người Do Thái của hãng Triangle Shirtwaist Company tại Thành phố New York đã chết trong một vụ cháy trong xưởng dệt. Họ không được ra ngoài trước khi hết giờ làm việc, cửa xưởng đã được khóa chặt. Có khoảng 80.000 người diễu hành trong các đường phố đễ đưa đám tang lớn của 145 nạn nhân chết cháy.
Năm 1912, 14.000 công nhân hãng dệt đình công và la Lớn “Better to starve fighting than starve working”! (Chết vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc). Nữ công nhân nghỉ việc 3 tháng.
|
Tượng đài Clara Zetkin ở Leipzig, Đức. |
Năm 1912, sau lần diễu hành 14.000 công nhân đình công tại Lawrence, Massachusetts. Sự can đảm của họ đã làm cảm hứng cho nhà thơ Mỹ James Oppenheim (1882-1932) viết bài thơ Bread and Roses được đọc và hát trong Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Ngày 8/3/1914: Phụ nữ Đức đòi quyền bầu cử nhưng đến ngày 12/10/1918 mới được chấp thuận.
Ngày 23/2/1917 theo lịch Nga, nhằm ngày 8/3 dương lịch, các nữ công nhân Nga đã ra đường biểu tình đình công, đòi bánh mì và đòi trả chồng con họ trở về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến Sa hoàng Nicolas II phải thoái vị và góp phần rất lớn vào cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga.
Điều kỳ lạ là, một quốc gia văn minh như Pháp, từng đi “khai hoá thế giới” mà đến ngày 21/4/1944, Quốc hội Pháp mới chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ Pháp. Thuỵ Sĩ còn kỳ lạ hơn mãi đến năm 1971, mới chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ. Ngày 8/3/1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ.
Năm 1977, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8/3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục
Hiện nay, ngày Quốc tế Phụ Nữ được xem là ngày lễ chính thức tại các quốc gia như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macedonia, Moldova, Mông Cổ, Nga, Tajikistan, Ukraine, Uzbekistan và Việt Nam. Trong ngày này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái… Tại một số nơi, ngày 8/3 cũng tương đương với Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day).
Người phụ nữ chiếm một địa vị quan trọng trên thế giới bởi họ chiếm đến 51% nhân loại. Thế nhưng, bước sang thế kỷ 21, tình hình chung của thế giới vẫn chưa thuận lợi cho địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình. Khủng hoảng kinh tế và xã hội đang tác động tới mọi quốc gia ở các mức độ phát triển khác nhau, những xung đột địa phương gây ra những cuộc di dân lớn. Tất cả những điều đó ảnh hưởng lên người phụ nữ nhiều hơn đối với nam giới.
Nữ giới ở các nước, kể cả quốc gia phát triển, cơ hội thụ hưởng giáo dục, mức sống vật chất, điều kiện chăm sóc sức khỏe, cơ hội nghề nghiệp và quyền tham chính đều có sự chênh lệch lớn so với nam giới. Những điều đó cho thấy đấu tranh cho nữ quyền vẫn còn là cuộc đấu tranh đầy khó khăn và dai dẳng.
Trong cuộc đấu tranh này, không ai khác ngoài chính những người phụ nữ phải tiếp tục hành trình đi tìm “bánh mì và hoa hồng“ cho bản thân. Và Clara Zetkin - "mẹ đẻ" của ngày Quốc tế Phụ nữ - vẫn là một tấm gương dẫn lối cho “một nửa của thế giới" trên con đường đi đến một tương lai tươi sáng.