Đứng thứ 8 trong danh sách này là Cao Thuận, ông là một đại tướng thủ hạ của Lữ Bố, năng lực xuất chúng, chỉ tiếc là đi theo nhầm chủ. Cao Thuận nhiều lần đưa ra những phương án tác chiến hay nhưng Lữ Bố lại là người ngoan cố bảo thủ, hữu dũng vô mưu, không chịu tiếp thu ý kiến. Quả nhiên sau đó Lữ Bố bị Tào Tháo đánh bại, Cao Thuận bị bắt sống nhưng kiên quyết không hàng, ông cuối cùng cũng bị Tào Tháo xử trảm.
Người xếp thứ 7 là Chu Thái, một đại tướng của Đông Ngô. Trước khi phò tá Tôn Quyền, Châu Thái đi theo chinh chiến cùng huynh trưởng của Tôn Quyền là tiểu bá vương Tôn Sách. Khi Chu Thái không được lòng quân, chính Tôn Quyền trong một buổi tiếc rượu đã bảo Chu Thái cởi áo. Quân sĩ kinh ngạc khi trên người Chu Thái chi chít vết sẹo. Tôn Quyền hỏi Chu Thái về từng vết thương trên người, ông kể lại từng trận đánh. Mọi người lúc đó đều rất khâm phục và cảm động.
Xếp thứ 6 là đại tướng Trương Nhậm, ông ban đầu là thủ hạ của Ích Châu mục Lưu Chương, ông đối với Lưu Chương rất trung thành. Mặc dù Lưu Chương là chủ bất tài, hoàn toàn bất lực trước sự tiến công của Lưu Bị, nhưng Trương Nhậm vẫn liều chết chiến đấu đến thời khắc cuối cùng. Lưu Bị khen ngợi tài năng của Trương Nhậm, khuyên Trương Nhậm phò trợ sự nghiệp phục hưng Hán Thất, nhưng Trương Nhậm nhất quyết không thờ hai chủ và Lưu Bị đành phải giết ông.
Vị trí thứ 5 là Liêu Hóa. Ông là một tướng quân dưới quyền Quan vũ, sau vì Quan Vũ bị Đông Ngô giết nên ông bất đắc dĩ đầu hàng Tôn Quyền. Tuy ở Giang Đông nhưng trong thâm tâm Liêu Hóa vẫn một lòng hướng về Thục Hán, ông đã tìm đủ mọi cách để có thể trở về, khiến Lưu Bị hết sức cảm động. Sau này ông còn dốc lòng dốc sức phò trợ Gia Cát Lượng Bắc phạt Trung Nguyên.
Đứng ở vị trí thứ 4 là Bàng Đức. Bàng Đức ban đầu là thủ hạ của Mã Siêu, sau đầu hàng Tào Tháo. Nhiều người sẽ cho rằng Bàng Đức không xứng đáng góp mặt trong danh sách này. Tuy nhiên sự thật là Bàng Đức sẽ chết trước đó nếu không được Tào Tháo mang về chữa trị, thế nên Bàng Đức rất biết ơn cứu mạng và tuyệt đối trung thành với Tào Tháo.
Để biểu tỏ lòng trung thành, chứng minh bản thân không bị ảnh hưởng bởi chủ cũ Mã Siêu đang là tướng quân của Lưu Bị, Bàng Đức đã vác theo một cỗ quan tài khi xuất chiến chống lại Quan Vũ để bày tỏ sự quyết tâm, tiếc rằng cuối cùng ông bại trận và chết.
Trương Phi thẳng thắn cương trực là đại tướng quân xếp thứ 3 trong danh sách này. Trương Phi đi theo Lưu Bị từ lúc dẹp loạn Hoàng Cân, cùng Lưu Bị và Quan Vũ kết nghĩa Đào Viên, đồng sinh cộng tử. Khi Lưu Bị bại trận tại Trường Bản và phải tháo chạy, Trương Phi chỉ dẫn theo mười mấy người đứng chặn phía sau, bảo vệ cho Lưu Bị thuận lợi rút lui.
Trương Phi vì đại ca của mình mà vào sinh ra tử, lập được vô số chiến công, là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục. Tiếc rằng một người trung thành trọng nghĩa lại chết dưới tay những tên thủ hạ phản bội.
Nhân vật ở vị trí thứ hai chính là Quan Vũ, ông cả đời luôn lấy trung nghĩa làm gốc, cũng giống như Trương Phi đều coi Lưu Bị như anh trai ruột của mình. Lòng trung thành của Quan Vũ đối với Lưu Bị không một thứ gì có thể xen vào.
Năm đó vì bảo vệ 2 vị đại tẩu mà Quan Vũ bất đắc dĩ phải đầu hàng Tào Tháo. Tuy nhiên cho dù Tào Tháo có đối tốt với ông đến đâu, tặng cho ông những thứ quý giá như nào đi chăng nữa thì lòng Quan Vũ vẫn luôn hướng về Lưu Bị. Chỉ tiếc rằng tính kiêu ngạo quá lớn nên đã khinh suất đánh mất Kinh Châu và bị quân Đông Ngô giết chết.
Đứng vị trí thứ nhất chính là Thường Sơn Triệu Tử Long, Triệu Vân. Ban đầu Triệu Vân là một võ tướng vô danh đi theo Công Tôn Toản, sau được Lưu Bị mến mộ và chiêu an. Triệu Vân một lòng trung thành, bảo vệ Lưu Bị, chết không từ nan.
Tại đại chiến dốc Trường Bản, Triệu Vân không màng đến tính mạng bản thân, anh dũng vô song, một mình lao vào đại quân của Tào Tháo chỉ để cứu A Đẩu con trai của Lưu Bị. Sau khi Lưu Bị chết Triệu Vân vẫn hết lòng phò trợ Lưu Thiện, tận trung với Thục Hán. Lòng trung thành không màng đến an nguy bản thân của Triệu Vân thực sự hiếm ai có được.