Đế chế Mông Cổ xâm lược châu Âu trong thế kỷ 13 ảnh hưởng tới khu vực Trung Âu, vương quốc Hungary (trận chiến Mohi), làm tan rã Ba Lan (trận Lenigca) và rất nhiều quốc gia khác. Các sử gia cho rằng đây là một trong những chiến dịch quân sự đẫm máu nhất lịch sử.
Chỉ huy các trận đấu lớn có tướng tài Tốc Bất Đài và hai cháu của Thành Cát Tư Hãn là Bạt Đô, Hợp Đan. Thời điểm này Thành Cát Tư Hãn đã qua đời được 10 năm khi đang kéo quân đánh chiếm nhà Tây Hạ ở núi Lưu Bàn (Trung Quốc ngày nay).
1. Chinh phục vùng Rus (Nga)
Quốc vương Oa Khoát Đài ra lệnh cho Bạt Đô xâm lược vùng đất Rus rộng lớn vào năm 1235. Rus là khu vực thuộc lãnh thổ Nga cộng thêm một phần Kiev (Ukraine). Cánh quân chính do Bạt Đô cùng Mông Kha, Quý Do có mặt ở Ryazan tháng 12.1237. Quân Ryazan từ chối đầu hàng nên lính Mông Cổ đã tàn sát, càn quét và tiếp đó chinh phục thành phố Suzdalia. Hoàng thái tử Yuri của vùng Rus bị giết ở sông Sit năm 1238. Các thành phố lớn như Vladimir, Torzhok, Kolzelsk đều bị thất thủ.
Tiếp đó, quân Mông Cổ tấn công và tiêu diệt người Kypchak sinh sống du mục ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ và đánh chiếm bán đảo Crimea. Bạt Đô có mặt ở Ukraine năm 1239, diệt nốt thành phố Pereiaslav và Chernihiv. Hầu hết các thái tử ở Rus đều xin hàng khi sự phản kháng quân Mông Cổ không mang lại hiệu quả. Cần biết rằng thời điểm này quân Mông Cổ đã có thuốc súng - một phát minh từ Trung Quốc -được sử dụng trong các trận đánh.
Năm 1240, Mông Cổ tấn công Kiev và chinh phục Galich. Bạt Đô cử một đạo quân tới vùng cực bắc trước khi dồn quân sang Trung Âu. Cánh quân lên vùng cực cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ do thám và tiêu diệt một ít quân Ba Lan rồi quay về.
2. Tấn công Trung Âu
Cuộc tấn công châu Âu được lên kế hoạch, tính toán và thực hiện bởi Tốc Bất Đài. Sau khi đánh bại Rus, Tốc Bất Đài cho do thám tới Ba Lan, Hungary, thậm chí là những vùng xa xôi như phía đông nước Áo để chuẩn bị tấn công vào “trái tim châu Âu”.
Sau khi có được thông tin đầy đủ, chi tiết về châu Âu với những thành trì quan trọng, thành phố trọng yếu và phân bố dân cư, Tốc Bất Đài sai Bạt Đô cùng hai tướng lĩnh khác xuất quân chinh phạt.
Bạt Đô, con trai của Truật Xích (con trai cả của Thành Cát Tư Hãn), là tổng chỉ huy nhưng người lên kế hoạch và định hướng vẫn là Tốc Bất Đài. Ông còn có mặt trong hai chiến dịch đánh vào phía bắc và phía nam của Rus. Tốc Bất Đài cũng đích thân chỉ huy cánh quân tấn công Hungary.
Trong khi cánh quân phía bắc do Hợp Đan chỉ huy thắng trận Lenigca lịch sử thì cánh quân phía bắc của Quý Do cũng thắng trận Transylvania (Romania ngày nay). Lúc đó, Tốc Bất Đài chỉ việc ngồi đợi họ quay về trên đồng bằng Hungary. Hai cánh quân hợp nhất sau đó rút lui ra sông Sajo nhưng bị quân của vua Hungary là Bela IV chống trả quyết liệt trong trận Mohi. Một lần nữa, Tốc Bất Đài lại phải ra tay và giành chiến thắng vang dội cho quân Mông Cổ.
3. Tấn công Ba Lan
Quân Mông Cổ xâm lược Trung Âu bằng 3 cánh quân. Một đạo quân Mông Cổ đánh tan liên minh của Vuya Henry II, công tước xứ Silesia và Ba Lan trong trận Lenigca. Đạo quân thứ hai vượt núi Carpathian và đạo quân còn lại vượt sông Danube. 3 cánh quân này hợp lại và nghiền nát Hungary năm 1241 trong trận Mohi. Quân Mông Cổ khi đó đã giết phân nửa dân số Hungary và vó ngựa đế chế này chỉ chịu dừng lại khi quốc vương Oa Khoát Đài qua đời đột ngột năm 1241. Lúc đó, các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Mông Cổ buộc phải về nước chịu tang và bầu chọn chủ soái mới.
Bạt Đô sau khi bình định Kiev dẫn quân tới đánh chiếm Ba Lan, phá hủy thành trì Lublin. Nhìn chung, quân Ba Lan do vua Wenceslas chỉ huy không kháng cự nhiều trước sự tấn công như vũ bão của quân Mông Cổ.
4. Xâm lược vương quốc Hungary
Quân Hungary lần đầu biết tới mối đe dọa của đế chế Mông Cổ là năm 1229 khi vua Andrew II cho một số tàn quân người Nga cư trú ở vương quốc của ông. Trước đó, quân Nga bị quân Mông Cổ đánh te tua phải bỏ chạy.
Dù mối hiểm họa của quân Mông Cổ là có thực nhưng Hungary không chuẩn bị bất kì điều gì để đối phó. Với một quốc gia sống hàng trăm năm yên bình không bị xâm lược, thảm cảnh bị quân thù tấn công là điều hão huyền. Hungary cũng không phải là quốc gia toàn lính tráng. Chỉ những gia đình quý tộc giàu có mới được huấn luyện kị binh hạng nặng. Ngược lại, quân Mông Cổ sử dụng chiến thuật kị binh nhẹ.
Khi biết tin quân Mông Cổ đã vào biên giới, quân Hungary đồn trú ở sông Hernad ngày 4.10.1241. Dù vậy, suốt đêm đó quân Mông Cổ không có động tĩnh gì. Chỉ tới đêm ngày hôm sau, cuộc tấn công mới diễn ra. Quân Hungary không thể chống trả trước những kị binh nhẹ từng tốp nhỏ, luyện tập trên thao trường mỗi ngày và kinh nghiệm dày dạn. Khi nhà vua trốn chạy với sự hộ tống của lính, tàn quân Hungary còn lại bị quân Mông Cổ giết không thương tiếc hoặc bị chết đuối khi tìm cách vượt sông.
Tiếp đó, quân Mông Cổ chiếm toàn bộ đồng bằng Hungary rộng lớn, dãy núi Carpathian phía bắc và Transylvania. Khi dân bản địa chống trả, cuộc thảm sát lại diễn ra. Nếu họ không kháng cự, lính Mông Cổ sẽ thu nạp họ vào đội hình. Hàng vạn người né tránh sự tấn công của dao, kiếm, cung tên từ phía lính Mông Cổ bằng cách trốn sau những bức tường thành hoặc trốn trong rừng sâu. Họ không thể phản kháng trước thế lực Mông Cổ quá mạnh lúc bấy giờ.
Trong suốt mùa hè và mùa xuân năm đó, quân Mông Cổ tiêu diệt nốt những người dân địa phương còn sót lại và bình định toàn bộ vùng lãnh thổ chiếm đóng.
5. Chấm dứt quá trình xâm lược
Mùa hè và mùa thu năm 1241, phần lớn quân Mông Cổ nghỉ ngơi ở đồng bằng Hungary. Tháng 3.1242, quân lính bắt đầu rút lui. Lí do được nhắc tới nhiều nhất là quốc vương Oa Khoát Đài băng hà. Việc rút lui về nước được thực hiện để giúp các tướng lĩnh chọn ra chủ soái mới.
Lí do thực sự quân Mông Cổ rút lui là gì vẫn còn là bí ẩn, trong đó có nhiều giả thuyết vẫn tồn tại tới ngày nay. Một trong số đó là cuộc chiến vất vả, dài kỳ nhưng chiến lợi phẩm thu được chẳng có là bao.
Dù chiến thắng trong các trận chiến nhưng quân Mông Cổ cũng tổn thất quân số không nhỏ, lên tới khoảng 7.000 người. Một giả thuyết khác là thời tiết châu Âu quá khắc nghiệt với quân Mông Cổ. Hungary rất dễ ngập và điều này khiến mùa đông ở nước này không dễ chịu chút nào. Đồng bằng Hungary trở thành đầm lầy và việc di chuyển của ngựa cũng như thức ăn cho chúng rất khó kiếm. Quân Mông Cổ buộc phải rút lui về Nga để tìm những đồng bằng nhiều cỏ hơn.
6. Tiếp tục công phá Ba Lan
18 năm sau lần đầu tiên đem quân chinh phạt, năm 1259 quân Mông Cổ với 20.000 quân từ Kim Trướng Hãn Quốc, 1 trong 4 đế quốc (hãn quốc) lớn thuộc Mông Cổ, quay trở lại Ba Lan. Kim Trướng nằm ở khu vực phía tây đế chế Mông Cổ bị đồng hóa thành người Turk, tương ứng khu vực Moldova, Ukraine ngày nay.
Dưới sự lãnh đạo của các tướng Biệt Nhi Ca, Burundai, Na Hải và Talabuga, các thành phố ở Ba Lan như Lublin, Sieradz, Sandomierz, Zawichost, Kraków và Bytom đều bị tấn công, cướp bóc.
Năm 1287, tướng Talabuga và Na Hải dẫn theo 30.000 quân xâm lược vùng hạ Ba Lan (ở thành phố Krakow ngày nay). Hai cánh quân này gặp nhau ở phía bắc Krakow. Khi tấn công vào thành trì Sandomierz và Krakow, quân của Talabuga và Nogai bị chống trả quyết liệt và thương vong vô số dù giành được chiến thắng. Sau trận này, Talabuga buộc phải trở về cố quốc với chút ít chiến lợi phẩm thu được.
7. Chinh phạt Hungary lần 2
Na Hải kéo quân xâm lược Hungary lần 2 năm 1285 cùng với tướng Talabuga. Cánh quân của Na Hải tàn phá Transylvania và chiếm được một số khu vực trọng yếu như Reshin, Brasov và Bistrita. Tuy nhiên, quân của Talabuga bị chặn đứng khi tiến vào phía bắc Hungary do mưa tuyết dày đặc ở dãy núi Carpathian và bị quân hoàng gia của vua Ladislaus IV phục kích, tấn công.
Quân đội của Na Hải cũng không khá hơn khi bị quân dân địa phương gồm người Saxon và Vlach tấn công trên đường tháo chạy sự truy sát của lính hoàng gia. Lần xâm lược thứ hai này, quân Mông Cổ hầu như không thu được gì và bị đánh thua tan tác.
Các sử gia cho rằng sau lần thua đầu tiên năm 1241, vua Bela IV đã cho cải cách mạnh mẽ chiến lược quân sự, xây dựng thêm thành quách bằng đá khiến quân Mông Cổ gặp rất nhiều khó khăn khi tấn công. Quân Mông Cổ bị chặn đứng ở Hungary khiến ước vọng chiếm trọn châu Âu của đế chế này bị đổ vỡ. Một lí do căn bản khác khiến Mông Cổ đột ngột rút quân khỏi châu Âu được cho là tình hình thời tiết bất lợi ở Hungary.
Vào thời điểm Hốt Tất Liệt băng hà năm 1294, đế quốc Mông Cổ đã bị chia nhỏ thành bốn hãn quốc riêng biệt. Mỗi nơi theo đuổi lợi ích và mục tiêu riêng: Kim Trướng Hãn Quốc ở tây bắc, Sát Hợp Đài Hãn Quốc ở phía tây, Y Nhi Hãn Quốc ở phía tây nam, và triều Nguyên định đô tại Bắc Kinh ngày nay.
Năm 1304, ba hãn quốc phía tây trong một thời gian ngắn đã chấp nhận quyền bá chủ của triều Nguyên, nhưng đến khi triều đại này bị triều Minh của người Hán lật đổ vào năm 1368, đế quốc Mông Cổ chính thức tan rã.