Đao được xem là bách binh chi soái, tượng trưng cho sự can đảm của một chiến binh. Trong các tác phẩm của nhà văn Cổ Long, các anh hùng ưa dùng đao, nhưng trong thế giới võ hiệp của nhà văn Kim Dung, các bậc cao thủ lại ưa dùng kiếm. Tuy nhiên, vẫn có không ít những cao thủ xưng danh trong võ lâm với đao pháp của mình.
Hoa Sơn Nhị Lão
Cao Lão Giả và Oải Lão Giả là những cao thủ phái Hoa Sơn trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Hoa Sơn nhị lão một người cao một người thấp, kết hợp vô cùng ăn ý với Lưỡng Nghi đao pháp, từng gây ra rất nhiều khó khắn cho Trương Vô Kỵ trong cuộc chiến ở Quang Minh đỉnh.
Lưỡng Nghi đao pháp là tuyệt học trấn phái của phái Hoa Sơn, tổng cộng 64 thức biến hóa, vô cùng huyền ảo. Nếu kết hợp với Lưỡng Nghi kiếm pháp của phái Côn Luân, sẽ lưỡng nghi sinh tứ tượng, trở thành 4.096 thức biến hóa.
Vương Duy Dương
Vương Duy Dương là đệ nhất cao thủ trong tiểu thuyết Thư Kiếm Ân Cừu Lục. Giới lục lâm truyền miệng một câu nói về Vương Duy Dương rằng: "Thà gặp Diêm Vương, còn hơn gặp Lão Vương".
Vương Duy Dương với cây Tử Kim Bát Quái đao, từng hạ gục biết bao anh hùng hảo hán. Vương Duy Dương cũng là người lập ra Trấn Viễn tiêu cục lừng danh, sừng sững tại phương Bắc hơn 30 năm không sụp đổ.
Huyết Đao Lão Tổ
Huyết Đao Lão Tổ là chưởng môn đời thứ 4 của Huyết Đao Môn trong tiểu thuyết Liên Thành Quyết. Ông được xem đệ nhất cao thủ tà phái, khi có trong tay cây Huyết đao chém sắt như bùn, với tuyệt kỹ Huyết Đao Đại Pháp biến hóa vô song.
Hồ Phỉ
Hồ Phỉ còn có biệt hiệu là Tuyết Sơn Phi Hồ, nhân vật chính trong hai bộ tiểu thuyết cùng tên, khinh công và đao pháp đều tuyệt đỉnh. Hồ Phỉ có sự từng trải hoàn toàn khác với những nam chính trong các bộ tiểu thuyết khác của Kim Dung.
Võ công của Hồ Phỉ hoàn toàn là tổ truyền, trong đời không có kỳ ngộ, mà đều tự mình mò mẫm. Sau nhờ sự chỉ điểm của Miêu Nhân Phượng, Hồ Phỉ bứt phá trở thành tuyệt đại cao thủ.
Khoái Đao Điền Bá Quang
Điền Bá Quang còn có biệt hiệu khác là Vạn Lý Độc Hành, vốn là một đạo tặc hái hoa trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, làm nhiều chuyện ác, sau gặp Lệnh Hồ Xung mới cải tà quy chánh. Khoái Đao của Điền Bá Quang gồm 13 thức, mỗi thức có 3-4 chiêu biến hóa, dựa vào chữ "nhanh" để phát huy sự tinh diệu của đao thức.
Điền Bá Quang với đao pháp của mình từng đánh ngang cơ với cả chưởng môn phái Thanh Thành Dư Thương Hải. Nếu không phải được Phong Thanh Dương truyền dạy cho Độc Cô Cửu Kiếm, e rằng Lệnh Hồ Xung mãi mãi chẳng thể thắng được Khoái Đao Điền Bá Quang.
Hồ Nhất Đao
Video: Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phong tỉ thí 3 ngày 3 đêm bất phân thắng bại. Nguồn: Youtube
Hồ Nhất Đao chính là cha của Hồ Phỉ, và cũng là một cao thủ trong Tuyết Sơn Phi Hồ, được giang hồ xưng là Liêu Đông đại hiệp. Người này là hậu nhân của Phi Thiên Hồ Ly, võ công bất phàm, đao pháp âm dương cộng hưởng, công thủ song toàn.
Hồ Nhất Đao với đao pháp tổ truyền của Hồ gia từng có một trận kịch chiến với Miêu gia kiếm pháp của Miêu Nhân Phong. Do Điền Quy Nông trước đó âm thầm bôi độc lên kiếm của Miêu Nhân Phượng, nên Hồ Nhất Đao khi giao đấu bị thương đã trúng độc mà chết.
Cưu Ma Trí
Cưu Ma Trí xuất hiện trong Thiên Long Bát Bộ, là cao tăng đắc đạo của Đại Luân Tự ở núi Đại Lôi, và là Quốc Sư nước Thổ Phồn. Một trong những tuyệt kỹ của Cưu Ma Trí là Hỏa Diệm Đao, loại đao pháp nội công có thể gây sát thương bằng đao khí vô hình, có nhiều điểm tương đồng và uy lực không hề thua kém so với Lục Mạch Thần Kiếm của Đoàn Dự.
Cưu Ma Trí am hiểu phật pháp và tinh thông võ nghệ, song ông bị ám ảnh bởi cái gọi là đệ nhất thiên hạ. Cuối phần Thiên Long Bát Bộ, ông bị tẩu hỏa nhập ma, nhưng lại may mắn thoát chết khi bị Đoàn Dự hút hết nội công bằng Bắc Minh Thần Công. Cũng nhờ nội công tu luyện cả đời của ông mà Đoàn Dự có thể trở thành một trong những cao thủ lợi nhất Thiên Long Bát Bộ.