5. Hoắc Nguyên Giáp
Hoắc Nguyên Giáp (18.1.1868 – 14.9.1910), tự là Tuấn Khanh, nguyên quán ở An Lạc Đồn, Đông Quang, tỉnh Hà Bắc (thuộc Thương Châu), người Hán.
Hoắc Nguyên Giáp nổi tiếng với võ nghệ cao cường và lòng yêu nước, thương nòi. Năm 1901, Hoắc Nguyên Giáp đã ra khiêu chiến với một võ sĩ người Nga sau khi tên võ sĩ này coi thường võ thuật Trung Hoa, đăng biển rêu rao không có địch thủ và lăng mạ người Trung Quốc là “Đông Á bệnh phu”.
|
Võ sư Hoắc Nguyên Giáp. |
Cụ thể, ở thời điểm đó, một người Nga đến Thiên Tân biểu diễn võ nghệ tại vườn hoa, anh ta đăng quảng cáo trên báo, tự phong mình là đại lực sĩ hàng đầu thế giới, không có địch thủ ở Trung Quốc.
Hoắc Nguyên Giáp nhìn thấy quảng cáo, lại nghe nói tên người Nga này vẫn công khai ăn nói bừa bãi, lăng mạ người Trung Quốc, nên vô cùng phẫn nộ, bèn đến vườn hoa, nhìn thấy tên đại lực sỹ người Nga đang đứng trên võ đài tự tâng bốc mình là “đại lực sỹ hàng đầu thế giới”, “Quốc gia yếu nhược” nếu có người có khả năng thì hãy lên võ đài tỉ thí.
Hoắc Nguyên Giáp sao có thể khoanh tay đứng nhìn? Gạt phăng những lời can gián của mọi người, ông nhảy một phát lên võ đài đứng hiên ngang, thẳng thắn nói: “Ta là kẻ bệnh phu Đông Á Hoắc Nguyên Giáp đây, xin được giao đấu với ngài trên võ đài”. Thông qua người phiên dịch, tên võ sĩ người Nga được nghe danh tiếng lẫy lừng của Hoắc đại hiệp nên từ chối tỉ thí, chấp nhận đính chính, xin lỗi trên các mặt báo.
Tháng 9.1910, Hội Judo Nhật mang 10 đại cao thủ sang tỉ thí với Hoắc Nguyên Giáp tại “Trung Quốc tinh võ thể thao hội”. Hoắc Nguyên Giáp anh dũng vô song, đánh bại hết các cao thủ xứ Phù Tang. Sau trận đấu, người Nhật tổ chức tiệc rượu mờ Hoắc võ sư. Không ngờ, Hoắc Nguyên Giáp đã bị ai đó lẻn đầu độc, ho khạc tại bàn và tử vong vài ngày sau đó, hưởng dương 42 tuổi.
Sau khi Hoắc Nguyên Giáp tạ thế, các đệ tử của Tinh võ hội khi đó và các nhân sĩ ái quốc trong giới võ thuật đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm long trọng cho ông, tặng ông câu đối “xả thân vì chính nghĩa”, rồi mai táng ông tại vùng ngoại ô phía Bắc Thượng Hải.
4. Hoàng Phi Hồng
Hoàng Phi Hồng là con trai của Hoàng Kỳ Anh, một cao thủ trong “thập hổ Quảng Đông”. Từ năm lên 6, Phi Hồng đã theo cha học võ và mãi võ kiếm tiền, lĩnh hội đầy đủ công phu gia truyền. Phi Hồng 6 tuổi đã theo cha học võ, 13 tuổi cùng cha biểu diễn võ thuật ngoài phố kiếm tiền, nhận được công phu gia truyền.
|
Hoàng Phi Hồng. |
Sau đó được Lâm Phúc Thành – đệ tử ruột của Thiết Kiều Tam truyền thụ cho thiết tuyến quyền, tuyệt chiêu phi đà, ông cũng học được của Tống Huy Thang vô hình cước, võ nghệ ngày càng tinh thâm, sau đó, Hoàng Phi Hồng theo cha đến Phòng Thiết Quán ở Lạc Thiện Sơn, Quảng Đông để thu nhận đồ đệ truyền thụ võ thuật. Sau khi Hoàng Kỳ Anh qua đời, Hoàng Phi Hồng nối nghiệp của cha trở thành một võ sư, ông là vị thày dạy võ trẻ nhất trong giới võ lâm ở phương nam thời bấy giờ.
Vì rất thành thạo các tư thế võ hổ nên mọi người thường gọi ông là “Hổ si”. Ông từng được đô đốc Ngô Toàn Mỹ, thủ lĩnh quân Hắc kỳ Lưu Vĩnh Phúc mời huấn luyện võ thuật cho quân đội.
Trong suốt 10 năm tung hoành giang hồ, Hoàng Phi Hồng đã đánh hàng trăm trận chiến, lấp nhiều chiến công hiển hách. Với các đệ tử của mình, ông luôn dặn dò “lấy võ đức làm trọng. Ngoài tinh thần thượng võ, Hoàng Phi Hồng là người rất yêu nước. Khi còn sống, ông luôn phát huy quốc túy của dân tộc, kêu gọi chính nghĩa, đề cao sự dũng cảm, bênh vực kẻ yếu, cứu nhân độ thế, ông đã lưu lại rất nhiều câu chuyện để đời trong giới võ lâm.
3. Trương Tam Phong
Theo ghi nhận của cổ thư Trung Hoa, Trương Tam Phong là một người có hình dung cổ quái, tóc dài, râu rậm, mặt đỏ, môi thắm, ăn khỏe như cọp, đi nhanh như gió cuốn.Được biết, Trương Tam Phong có khi 3-5 ngày mới ăn một bữa cơm, có thời gian 2-3 tháng mới ăn cơm một lần. Khi tinh thần thoải mái ông thường chu du trên núi, lúc mệt ông nằm ngả lưng trên mây tuyết. Có khi một ngày đi ngàn dặm, “con người kỳ dị, cảm giác như người ở chốn thần tiên”.
Ông từng một mình đánh bại cả một nhóm đạo tặc hơn trăm tên. Năm thứ 24 Hồng Vũ, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương dặn dò sứ giả: “Nếu thấy Trương Huyền Huyền thì hãy mời về”, nhưng cuối cùng cũng không tìm được Trương Tam Phong.
Theo Wikipedia, Trương Tam Phong còn sáng tạo ra 1 bộ võ học có tên là Cửu Tiêu Chân Kinh trước khi sáng tạo ra Thái Cực Quyền Và Thái Cực Kiếm. Cửu Tiêu Chân Kinh gồm 9 chương tu luyện nội công, điển tịch võ học này sử dụng cương nhu nhị kình (giống như Thái Cực) để hóa giải các thế đánh của đối phương và phản đòn, sức mạnh được sánh ngang Dịch Cân Kinh.
Ông từng xuất hiện trong 2 bộ truyện “Thần điêu hiệp lữ” và “Ỷ thiên đồ long ký” của Kim Dung và được đánh giá là một trong những đại cao thủ võ lâm trong thế giới võ hiệp Kim Dung.
Lý Tính Chi thời Minh Vũ Tông kể rằng, vào giữa những năm Chính Đức (1506-1521), ông vào núi Võ Đang thì gặp Trương Tam Phong. Nếu đúng như vậy tính ra lúc đó Trương Tam Phong đã 250-260 tuổi rồi.
2. Nhạc Phi
Nhạc Phi sinh ra ở Hiếu Đễ, thôn Vĩnh Hà, huyện Thang Âm, Tương Châu, Định Phủ Lộ, tỉnh Hà Bắc, năm thứ 2 Sùng Ninh Bắc Tống Huy Tông.
Theo “Thang Âm huyện trí”, khi chưa trưởng thành Nhạc Phi đã có thể nâng được cây cung nặng 150 kg, có thể kéo được chiếc nỏ nặng khoảng 440 kg. Nhạc Phi võ thuật cao cường, không thua kém các sư phụ của mình như danh sư Chu Đồng (bắn cung), Trần Quảng (đao thương và quyền thuật. Chỉ trong thời gian ngắn, Nhạc Phi đạt được đỉnh cao về kỹ thuật đao thương và quyền thuật, trở thành một người “không ai địch nổi” trong huyện.
Có thể nói những câu chuyện về Quan Vũ và Trương Phi được lưu truyền trong dân gian đã có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm đam mê võ thuật của Nhạc Phi ngay từ thời niên thiếu. Ông mơ ước sau này có thể trở thành một nhân vật anh hùng tinh thông võ nghệ, lập công cho đất nước như Quan Vũ và Trương Phi. Mãi đến khi tòng quân ra trận, ông vẫn luôn coi Quan Vũ và Trương Phi là những hình mẫu của mình.
Nhạc Phi giỏi đánh trận. Dù là tướng quân nhưng ông luôn lĩnh ấn tiên phong, đi đầu hàng ngũ. Từ Bắc vào Nam, Nhạc Phi đã kinh qua không biết bao trận chiến. Trong “Ngũ nhạc từ minh ký” viết: “Ta đến từ phía bắc sông, khởi nghiệp ở Đài Châu, từng tham gia hơn 200 trận chiến”. Có lần, dù được quân lính và các tướng ngăn cản, Nhạc Phi vẫn lao lên một mình truy đuổi địch và hạ sát thành công tướng lĩnh quan trọng của quân Kim. Nhưng đây cũng là trận chiến cuối của ông.
Sau khi trở về từ chiến trường đánh Kim, Nhạc Phi bị gian thần Tần Cối vu vạ, quy tội mưa phản. Ông kết thúc cuộc đời trung quân, ái quốc ở tuổi 39.
Trong suốt 800 năm kể từ sau thời Nam Tống, không một nhân vật lịch sử nào có được sự sùng bái và ái mộ của nhiều tầng lớp nhân sỹ như Nhạc Phi.
Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều người có tài nghệ võ thuật nổi tiếng như Nhạc Phi, tại sao người ta lại phong cho Nhạc Phi là “Vũ thánh”? Có lẽ bởi họ đánh giá cao phẩm giá cũng như tài văn thao võ lược, đại trí đại dũng của ông.
1. Hoa Đà
Những cái tên ở trên chắc hẳn ai ai cũng biết, nhưng điều khó hiểu nhất là tại sao Hoa Đà – một thầy thuốc danh tiếng lại đứng đầu trong danh sách này.
|
Danh y Hoa Đà. |
Ông đã sáng tạo ra “Ngũ Cầm Hí”, được coi là môn võ thuật sớm nhất ở Trung Quốc, do vậy cũng có người gọi ông là người sáng lập võ thuật Trung Quốc.
Võ thuật Trung Quốc rất coi trọng nội công, không có nội công tích lũy thì động tác võ thuật chỉ là màn trình diễn đẹp mắt mà thôi, khỏi phải nói “Ngũ Cầm Hí” chính là khởi nguồn của nội công, đó cũng là công pháp tu nội sớm nhất, không những vậy, dựa trên “Ngũ Cầm Hí” người ta đã phát triển thành rất nhiều môn phái võ thuật khác nhau. Do vậy xem ra việc xếp Hoa Đà vào hàng đầu trong các cao thủ võ lâm cũng không có gì khó hiểu.
Hoa Đà cả đời có rất nhiều đệ tử, trong đó có Phàn A ở Bành Thành, Ngô Phổ ở Quảng Lăng và Lý Đương Chi ở Tây An, đều là những người nổi danh. Các tác phẩm của Ngô Phổ gồm có “Ngô Phổ bản thảo”, Lý Đương Chi có “Lý Đương Chi dược lục”, Phàn A thích châm cứu, ba vị đệ tử này sau này đều trở thành những danh y nổi tiếng thời đó.
Ngô Phổ người huyện Quảng Lăng, muốn học y thuật từ Hoa Đà, nhờ sự dạy bảo của Hoa Đà, ông không những có y thuật cao thâm, còn sống đến bách niên giai lão mà tai không lãng, mắt không mờ, tóc không bạc, răng không rụng.
Cuốn sách chính sử đầu tiên ghi chép về “Ngũ Cầm Hí” là sách “Hậu hán thư” và “Tam quốc chí”. Về sau trong sách “Dưỡng sinh diên mệnh lục” của Đào Hoằng Cảnh thời Nam Bắc triều cũng nhắc đến “Ngũ Cầm Hí”. Mỗi cầm hí là tập hợp của một số động tác, do Hoa Đà biên tạo ra dựa trên các học thuyết về ngũ hành, đặc điểm các cơ quan nội tạng, khí huyết, kinh mạch.