4 thảm họa kinh khủng nhất tại các cảng thế giới

Google News

4 vụ nổ tại các cảng dưới đây được ghi nhận là những thảm họa kỹ thuật khủng khiếp nhất cho đến ngày nay.

Vụ nổ tại cảng Beirut

Vụ nổ hủy diệt ở cảng Beirut xảy ra tối ngày 4/8/2020, là một thảm họa thực sự không chỉ đối với thành phố, mà còn đối với đất nước Lebanon. Tổng cộng có hai vụ nổ, vụ thứ hai mạnh hơn xảy ra tại nhà kho số 12, nơi chứa 2.750 tấn amoni nitrat, dẫn đến sự hủy hoại cảng và các khu vực lân cận của thành phố. Hóa chất nguy hiểm đã bị tịch thu vào năm 2014 từ con tàu "Rhosus", của doanh nhân có quốc tịch Nga Grechushkin. Theo thông tin sơ bộ, nguyên nhân vụ nổ là do vi phạm quy định an toàn trong quá trình hàn xì tại kho hàng nói trên.

Ước tính, có 158 người chết, hơn 6.000 cư dân bị thương, nhà cửa và căn hộ của 300.000 người bị thiệt hại. Thông tin về hậu quả của vụ nổ, cả về khía cạnh kinh tế, rất khác nhau, nhưng có thể nói rằng trong lịch sử của Lebanon đây là thảm họa nhân tạo lớn nhất, đã gây ra thiệt hại cho đất nước này lên tới 3-5 tỷ USD - tương đương 10% GDP - là một quốc nạn thực sự đối với quốc gia không phải giàu nhất Trung Đông này.

4 tham hoa kinh khung nhat tai cac cang the gioi

Hiện trường vụ nổ cảng Beirut ngày 4/8/2020; Nguồn: topwar.ru

Ngoài thương vong và sự tàn phá vật chất, vụ nổ ở cảng Beirut còn để lại hậu quả to lớn đối với nền kinh tế Lebanon. Hơn 15.000 tấn ngũ cốc được cất giữ trong cùng một kho chứa. Hiện chưa có thông tin về tình trạng khan hiếm ngũ cốc trong nước, nhưng theo thông tin chính thức, ở Lebanon chỉ còn đủ ngũ cốc cho một tháng. Được biết, cảng Beirut cung cấp 60% tổng lượng hàng nhập khẩu của Liban, bao gồm 80% lượng hàng nhập khẩu thực phẩm.

Một yếu tố tiêu cực đối với Lebanon là thực tế vụ nổ xảy ra trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại quốc gia này phát sinh sau khi tình trạng khẩn cấp được đưa ra liên quan đến đại dịch coronavirus mới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Vụ nổ đã dẫn đến bạo loạn ở thủ đô của Lebanon, bắt đầu tại thành phố này vào ngày 8/8.

Vụ nổ tại cảng Halifax

Ngày 6/12/1917, một thảm họa đã xảy ra tại cảng Halifax (Canada), biến hàng nghìn người thành nạn nhân và tàn phá một phần lớn thành phố. Tại bến cảng của Canada này, tàu Imo của Na Uy đã đâm vào mạn phải tàu vận tải quân sự Mont Blanc của Pháp (xuất phát từ New York) tại phần hẹp ở Vịnh Bedford-Bainsea. Bản thân vụ va chạm không gây hậu quả nghiêm trọng cho các con tàu, nhưng hóa chất benzen đã rò rỉ từ các thùng bị hư hại trong gầm tàu của Mont Blanc.

Khi hai con tàu tách rời nhau, do ma sát giữa kim loại với kim loại, tia lửa xuất hiện, dẫn đến sự bốc cháy của benzen và bắt đầu gây cháy trên Mont Blanc gần như chứa đầy chất cháy-nổ, gồm 2.300 tấn axit picric, 200 tấn thuốc nổ TNT, 10 tấn pyroxylin và khoảng 35 tấn benzen. Viên chỉ huy tàu cùng với thủy thủ đoàn đã bỏ rơi con tàu theo đúng nghĩa đen, Mont Blanc trở thành một thùng thuốc súng bốc cháy, mất điều khiển, trôi dạt đến cầu tàu số 6, ở đầu đường Richmond.

4 tham hoa kinh khung nhat tai cac cang the gioi-Hinh-2

Hiện trường vụ nổ cảng Halifax ngày 6/12/1917; Nguồn: topwar.ru

Nhiều người dân thị trấn và cư dân trong khu vực đã tò mò theo dõi ngọn lửa trên tàu từ cửa sổ của họ hoặc trực tiếp từ đường phố đã phải trả giá bằng mạng sống của mình, trong số đó, hàng chục người đã mất tích vĩnh viễn. Đôi mắt của họ bị các mảnh kính vỡ làm hỏng, một số người đã bị bỏng mắt do chính ánh chớp khủng khiếp, thứ được hình thành trong vụ nổ mà về sau, các chuyên gia xác định nhiệt độ tại tâm nổ là 5.000 độ C.

Vụ nổ trên "Mont Blanc" được ghi nhận là vụ nổ mạnh nhất thời kỳ tiền hạt nhân trong lịch sử nhân loại, sức công phá của vụ nổ ước tính tương đương khoảng 2.900 tấn thuốc nổ TNT. Khu vực Richmond bị phá hủy hoàn toàn; diện tích bị san phẳng là 160ha; trong bán kính 2,6km tính từ nơi xảy ra vụ nổ, các tòa nhà hoặc bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nghiêm trọng. Vào thời gian đó, các tòa nhà của thành phố chủ yếu bằng gỗ, ngoài sức mạnh khủng khiếp của sóng nổ, nhiều đám cháy bùng phát ở các khu vực khác nhau của Halifax và nhanh chóng lan qua các tòa nhà bằng gỗ.

Theo số liệu chính thức, do thảm họa, 1.963 người chết, hơn 9.000 người bị thương, 1.630 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, 12.000 ngôi nhà khác bị thiệt hại khác nhau; khu vực công nghiệp của thành phố gần như bị phá hủy hoàn toàn, các nhà máy đóng tàu và cảng chính bị hư hại đặc biệt. Tổng thiệt hại do vụ nổ khi đó ước tính lên tới 35 triệu đô-la Canada (khoảng 591 triệu USD theo tỷ giá hối đoái ngày nay).

 

Vụ nổ tại cảng Chicago

Vụ nổ ở thị trấn cảng Chicago nhỏ bé của California (Mỹ) xảy ra vào ngày 17/7/1944, có sức công phá tương đương với vụ nổ ở Halifax, Canada vào ngày 6/12/1917, nhưng thành phố ít bị phá hủy và thương vong hơn, do cảng cách xa các khu phố chính và số lượng dân cư ít; các kho đạn nằm cách các tòa nhà trong thành phố hơn một dặm. Thành phố Chicago đã hình thành và phát triển như một căn cứ tiếp tế của Hạm đội Thái Bình Dương. Năm 1942, sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng, một căn cứ trung chuyển mới được xây dựng ở cảng Chicago để cung cấp đạn dược cho tất cả các lực lượng Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương.

Năm 1944, việc xây dựng một bến tàu tải hàng với ba đường ray được hoàn thành tại đây, có thể đồng thời bốc dỡ hàng 2 phương tiện vận tải cùng một lúc. Ngày 17/7/1944, hai tàu lớp Liberty đang ăn hàng tại cảng. Đến thời điểm đó, tàu E.A. Bryan đã bốc xếp được 4.606 tấn đạn dược các loại (đến tối ngày 17/7, còn phải xếp khoảng 40%), 429 tấn đạn khác được tạm cất giữ trong các toa tàu trên cầu tàu. Con tàu thứ hai - chiếc Quinault Victory - đang chuẩn bị nhận hàng.

4 tham hoa kinh khung nhat tai cac cang the gioi-Hinh-3

Hiện trường vụ nổ cảng Chicago ngày 17/7/1944; Nguồn: topwar.ru

Chính xác điều gì đã xảy ra trên cầu tàu vào ngày định mệnh đó vẫn chưa được biết chắc chắn, vì tất cả những người trực tiếp chứng kiến và tham gia bốc dỡ đều chết ngay tại chỗ. Theo lời kể của những người chứng kiến, họ nghe thấy âm thanh tương tự tiếng nghiến của gỗ và kim loại - có lẽ là âm thanh của một chiếc cần cẩu rơi. Ngay sau đó, vụ nổ đầu tiên và một đám cháy bùng phát; chỉ 5-7 giây sau, một vụ nổ khủng khiếp xảy ra, phá hủy cầu tàu, các toa xe và cả hai con tàu đang xếp hàng.

Công suất của vụ nổ, theo một số ước tính, tương đương 2.000-2.200 tấn TNT. Quả cầu lửa hình thành tại nơi xảy ra vụ nổ ước tính có đường kính khoảng 4,6km, có thể được nhìn thấy từ khoảng cách hàng km; các mảnh tàu, toa xe và đạn dược được hất lên không trung ở độ cao 3km. Chiếc E.A. Bryan đã bị phá hủy hoàn toàn, còn Quinault Victory bị xé thành nhiều mảnh, nằm rải rác theo các hướng khác nhau - đuôi tàu bị hất xa cách địa điểm nổ 150m.

Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 320 người, tất cả mọi người trên bến tàu và trên tàu, 390 người khác là binh lính và dân thường bị thương. Vài tuần sau khi giải quyết xong hậu quả của thảm họa và lệnh tiếp tục các hoạt động với đạn dược, một cuộc bạo động đã xảy ra ở cảng. Nhiều người Mỹ gốc Phi đã từ chối đi làm. Vì điều này, họ đã bị tuy tố, 50 người nhận bản án tù từ 8-15 năm, chỉ được ân xá vào tháng 1/1946.

Vụ nổ tại cảng thành phố Texas

Ngày 16/4/1947, tại cảng thuộc thành phố Texas (Mỹ), xảy ra một vụ nổ mạnh, cũng như ở Beirut, do một lô hàng amoni nitrat. Mọi chuyện bắt đầu từ một vụ hỏa hoạn trên con tàu vận tải Grandcamp của Pháp - một loại tàu vận tải Liberty khác. Đám cháy trên tàu bắt đầu vào khoảng 8 giờ sáng và hơn một giờ đồng hồ trôi qua từ khi bắt đầu xảy ra vụ cháy đến khi phát nổ. Trong thời gian này, toàn bộ thủy thủ đoàn đã rời tàu, ngoại trừ thuyền trưởng, và 27 trong số 50 lính cứu hỏa của thành phố Texas đã lên tàu và...  2.300 tấn amoni nitrat đã phát nổ.

4 tham hoa kinh khung nhat tai cac cang the gioi-Hinh-4

Hiện trường vụ nổ cảng thuộc thành phố Texas ngày 16/4/1947; Nguồn: topwar.ru

Nạn nhân của vụ nổ này nhiều hơn bình tường, vì đám cháy trên con tàu và làn khói màu vàng cam sáng (đặc trưng của hơi nitơ điôxít) bất thường bốc lên từ khoang tàu đã thu hút sự tò mò của một số lượng lớn người xem, tin rằng họ đã ở một khoảng cách an toàn. Thảm họa này được coi là lớn nhất trong toàn bộ lịch sử ngành công nghiệp Mỹ. Sức mạnh của vụ nổ lớn đến mức chiếc neo nặng hai tấn của tàu vận tải "Grandcamp" được tìm thấy sau đó cách địa điểm vụ nổ 2,6km.

Hậu quả của vụ nổ là 581 người chết và mất tích, hơn 5.000 cư dân thành phố bị thương, một số nhà máy hóa chất và cơ sở chứa dầu, 1.100 ô-tô và 362 toa chở hàng bị thiêu rụi; đám cháy tiếp tục thậm chí một tuần sau vụ nổ. Sóng nổ, hỏa hoạn và sóng nước cao 4,5m đã phá hủy hoặc làm hư hại nghiêm trọng hàng nghìn tòa nhà khác nhau. Thiệt hại do vụ nổ ảnh hưởng đến 2/3 thành phố và 3/4 toàn bộ ngành công nghiệp hóa chất và lọc dầu ở Texas. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 100 triệu USD (1,1 tỷ USD theo giá năm 2019).

Theo Lê Ngọc/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)