Lưu Bang: Kẻ đi phu thành Hán Cao Tổ
Hán Cao Tổ Lưu Bang (256 TCN – 1/6/195 TCN), là hoàng đế khai quốc nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông ở ngôi Hoàng đế được 8 năm (từ 202 TCN đến 195 TCN). Lưu Bang được nhìn nhận là một nhà chính trị kiệt xuất, giỏi thu hút, tận dụng tài năng và điều khiển quần hùng. Nhưng xét trên ảnh hưởng lịch sử thì Lưu Bang không phải là hình mẫu nên học vì ông là kẻ thiếu lễ nghĩa và không giữ chữ tín.
|
Hán Cao Tổ Lưu Bang, con nhà nông dân, từng phải đi phu dịch thời trẻ. |
Hành trình của Lưu Bang từ lúc chém rắn dấy binh, lấy huyện Bái, nương nhờ Hạng Lương, Tây tiến Hàm Dương diệt nhà Tần, làm chư hầu của Hạng Vũ, rồi Hán Sở tương tranh, thảm bại tại Bành Thành suýt chết ở Huỳnh Dương, tạm hòa ước với Sở Bá Vương ở Hồng Câu, tiêu diệt Sở ở Cai Hạ, khiến Hạng Vũ phải tự vẫn tại dòng ô Giang đến lúc xưng Đế kiến lập triều Hán ở Quan Trung, sát hại công thần (…) là đề tài được khai thác sâu rộng trong văn học – nghệ thuật Trung Quốc.
Lưu Bang được sinh ra trong một gia đình nông dânở ấp Phong của huyện Bái (nay là huyện Phong thuộc tỉnh Giang Tô). Tên cha mẹ của ông không được ghi lại trong lịch sử và chỉ được gọi là Lưu Thái Công và Lưu Ảo. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Lưu Bang tính tình tuy khá buông thả song lại thẳng thắn, lôi cuốn, lại biết nhẫn nhục và khoan dung.
Lưu Bang từng phải đi phuở Hàm Dương, trông thấy xa giá và nghi trượng của vua Tần Thủy Hoàng. Khi đó Lưu Bang cảm khái đã nói một câu: "Ôi! Đại trượng phu phải sống như thế chứ!". Trước khi dấy binh khởi nghĩa chống Tần, Lưu Bang chỉ là một đình trưởng(tương đương cán bộ xã bây giờ), thậm chí còn tầm thường hơn những cộng sự thân thiết giúp ông làm nên đại nghiệp sau này như Hạ Hầu Anh, Tiêu Hà hay Tào Tham.
Lưu Bị: Anh bán giầy cỏ kiến lập nhà Thục Hán
Lưu Bị (161 – 10/6/223) là thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tức Hán Chiêu Liệt Đế. Cho đến hiện tại, vẫn có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc Lưu Bị là dòng dõi xa của Hoàng tộc nhà Hán. Nhưng chi tiết xuất thân bần hàn, nghèo khổ của Lưu Bị trong chính sử là hoàn toàn có thật.
|
Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị, lấy việc bện giày cỏ để bán làm kế sinh nhai. |
Lưu Bị tên tự Huyền Đức, người huyện Trác thuộc U châu, là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng – con thứ Hán Cảnh Đế. Cha Lưu Bị là Lưu Hoằng mất sớm. Do từ thời Hán Vũ Đế ban hành “thôi ân lệnh” nên đất phong của các quận vương ngày càng bị thu hẹp. Đến đời Lưu Bị, những người chi thứ của hoàng tộc ngày càng được hưởng ít tước lộc, gia đình ông chỉ là bần nông, chỉ còn lại danh nghĩa là con cháu hoàng thất. Nhà nghèo và mồ côi cha sớm, Lưu Bị phải cùng mẹ làm nghề bện giày cỏ, chiếu cỏđể kiếm sống.
Không giống như Tào Tháo và Tôn Quyền xuất thân từ tầng lớp quý tộc và có cơ sở nhất định (có nhiều tài sản, uy danh gia tộc) để “làm vốn” trên đường gây dựng phát triển sự nghiệp, Lưu Bị tuy có danh nghĩa là dòng dõi nhà Hán nhưng ông xuất thân nghèo nàn, tay trắng làm nên cơ nghiệp. Vì vậy, quá trình phát triển thế lực của Lưu Bị trong thời loạn cũng vất vả, gian truân hơn, lâu dài hơn.
Ghi chép của bộ chính sử Tam quốc chí cho thấy Lưu Bị là một vị tướng có tài cầm quân, ứng phó linh hoạt, nhất là khả năng nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài và khiến họ một lòng trung thành với mình. Kể từ thời nhà Đường, nhà Thục Hán được sử sách Trung Quốc coi là sự nối tiếp của nhà Hán, là triều đại chính thống trong số 3 triều đại của thời Tam quốc. Do vậy Lưu Bị là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu.
Lưu Dụ: Bần nông & Hoàng đế khai quốc nhà Lưu Tống
Tống Vũ Đế (16 tháng 4 năm 363 - 26 tháng 6 năm 422), tên thật Lưu Dụ, là nhà chính trị - quân sự hoạt động vào cuối thời Đông Tấn và đồng thời cũng là vị hoàng đế khai quốc của nhà Lưu Tống trong lịch sử Trung Quốc.
Theo ghi chép trong Tống thư, thì Lưu Dụ là con cháu đời thứ 21 của Sở Nguyên vương Lưu Giao, em trai Hán Cao Tổ. Tuy nhiên Ngụy thư thì cho biết Lưu Dụ quê ở Đan Đồ và phủ nhận việc ông là con cháu nhà Hán. Cha Dụ là Lưu Kiều kết hôn với mẹ ông, Triệu An Tông vào năm 360. An Tông hạ sinh Lưu Dụ ba năm sau đó và sớm qua đời. Lúc nhỏ Lưu Dụ sống trong hoàn cảnh bần nông, nghèo khổ.
|
Lưu Tống Vũ Đế Lưu Dụ xuất thân bần nông, gia cảnh cơ cực. |
Gia cảnh khốn khó đến mức, cha của Lưu Dụ phải cậy nhờ người em gái của mình nuôi con thay. Dụ khỏe mạnh, dũng cảm, nhưng lại nghèo, ít học. Trong thuở hàn vi như vậy, Dụ sinh sống bằng nghề bán giày rơm. Lưu Dụ từ nhỏ đã tinh anh hơn người, được Vương Mật, hậu duệ của danh tướng Vương Đạo kính trọng và khen là một người có tài kinh bang tế thế. Đấy chính là những nét phác thảo cơ bản về thân thế và thời trẻ của Lưu Dụ.
Với tài năng của mình, Lưu Dụ đặt chân vào quân đội trong triều đình Đông Tấn, lần lượt kinh qua các chức vụ quan trọng. Năm 405, Lưu Dụ lãnh binh tiêu diệt quân khởi nghĩa của Sở đế Hoàn Huyền, từ đó ông nắm toàn bộ quyền lực trong triều đình. Những năm tiếp theo, Lưu Dụ tiến hành bắc phạt, tiêu diệt các quốc gia của người Hồ ở miền bắc là Nam Yên và Hậu Tần, mở rộng lãnh thổ Đông Tấn.
Năm 416, Dụ được ban tước vị Tống công và gia phong cửu tích, kiến quốc trên đất 20 quận. Năm 419, Dụ ép vua Tấn phong cho mình làm Tống vương và sang năm 420 thì đoạt ngôi nhà Tấn, lên ngôi hoàng đế, kiến lập nhà Lưu Tống, triều đại đầu tiên ở phía nam trong thời kì Nam-Bắc triều. Ông ở ngôi được hai năm và qua đời và ngày 26 tháng 6 năm 422, thọ 59 tuổi.
Chu Nguyên Chương: Chàng chăn dê lên ngôi Minh Thái Tổ
Minh Thái Tổ (21/10/1328 – 24/6/1398), tên thật Chu Nguyên Chương, còn gọi là Hồng Vũ Đế. Ông là vị hoàng đế khai quốc của vương triều Nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 1368 đến 1398. Chu Nguyên Chương được xem là một trong các hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc.
|
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, từng chăn dê, làm sư khất thực thuở thiếu thời. |
Nguyên quán của Chu Nguyên Chương ở Tứ Châu (nay thuộc tỉnh Giang Tô). Gia đình Chu Nguyên Chương trôi nổi nhiều nơi do sinh kế thúc bách. Cha mẹ ông có tám người con, nhưng hai người đã chết yểu, còn lại sáu người, bốn trai hai gái. Chu Nguyên Chương là con út, thuở nhỏ gọi là Trùng Bát, ngay cả tên họ chính thức cũng không có. Mãi đến sau khi gia nhập nghĩa quân Quách Tử Hưng, mới lấy tên là Chu Nguyên Chương.
Chu Nguyên Chương xuất thân từ tầng lớp tá điền nghèo khổ, từng giữ dê chăn bò cho địa chủ. Đời Nguyên năm Chí Chính thứ 4 (1344), vùng đất Hoài Bắc phát sinh hạn hán và nạn châu chấu cùng với dịch bệnh nên cha mẹ, các anh đều nối tiếp nhau chết cả. Chu Nguyên Chương không biết lấy gì để sống, tới chùa Hoàng Giác làm thầy tu.
Do sức ép của cuộc sống nên Chu Nguyên Chưởng phải xuất gia đi tu, nhưng chí lớn thì vẫn giữ. Vào chùa mới được 15 ngày thì Chu thành nhà sư chu du khắp chốn. Trong lúc bôn ba bốn phương, ông đã bí mật tiếp xúc với Bạch Liên giáo đương thời, hiểu được tình thế trong thiên hạ, lòng người đổi thay, khí vận triều Nguyên sắp hết.
Năm Chí Chính thứ 12 (1352), Chu Nguyên Chương tham gia Hồng Cân quân (quân khăn đỏ) của Quách Tử Hưng, được Tử Hưng tin cậy, nhậm chức Tả phó Nguyên soái nghĩa quân. Năm Chí Chính thứ 16 (1356), Nguyên Chương đánh chiếm Tập Khánh (Nam Kinh ngày nay), được Tiểu Minh vương Hàn Lâm Nhi tiến phong Ngô Quốc công. Ông lấy Ứng Thiên làm trung tâm căn cứ, thế lực phát triển rất nhanh.
Từ năm 1363 đến 1367, Chu lần lượt tiêu diệt tập đoàn Trần Hữu Lượng ở trung lưu Trường Giang và Trương Sĩ Thành ở hạ lưu Trường Giang, bao gồm cả hai bờ nam bắc. Cuối 1367, Chu dẫn 25 vạn đại quân bắc phạt, nhanh chóng chiếm được Sơn Đông. Tháng giêng năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế, đặt quốc hiệu là Minh, trở thành vua Minh Thái Tổ.
Cùng năm đó, quân Chu Nguyên Chương công phá Đại Đô (Bắc Kinh), lật đổ ách thống trị của Nhà Nguyên, từng bước thực hiện thống nhất đất nước. Năm Hồng Vũ thứ 31 (1398), Minh Thái Tổ bệnh mất, hưởng thọ 70 tuổi, ở ngôi 31 năm.