Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 4 hiện vật quý của Triều Nguyễn. Những hiện vật bao gồm: chuông Ngọ Môn, phù điêu bằng đá thời Minh Mạng, tượng rồng thời Thiệu Trị và ngai hoàng đế Duy Tân.
Những hiện vật triều Nguyễn được đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đều có đủ các tiêu chí như: tính độc bản, độc đáo; có giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước hoặc gắn với nhân vật lịch sử.
|
Chuông Ngọ Môn. Ảnh: VOV. |
Trong đó, Chuông Ngọ Môn được đúc năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đây là tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, hội họa, kỹ nghệ đúc đồng thời Minh Mạng (1820 - 1841) nói riêng và triều Nguyễn (1802 - 1945) nói chung. Đây là chiếc chuông duy nhất được đúc để đặt tại không gian cổng chính ở phía Nam, cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Chuông được sử dụng trong tất cả nghi lễ cung đình và là biểu tượng của vương Triều Nguyễn.
Chuông Ngọ Môn là một trong những bảo vật bằng đồng hiện hữu tại Đại Nội Huế, là di sản vật thể thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế và là một bảo vật trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
|
Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng. Ảnh: VOV. |
Bảo vật được đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia tiếp theo là phù điêu bằng đá thời Minh Mạng. Đây là hiện vật bằng đá cẩm thạch duy nhất lưu lại dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng. Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng là hiện vật độc bản, còn nguyên vẹn hiện được trưng bày trong điện Long An - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
|
Tượng rồng thời Thiệu Trị. Ảnh: VOV. |
Tượng rồng thời Thiệu Trị là bộ hiện vật bằng đồng có giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa. Đôi tượng rồng thời Thiệu Trị hiện được đặt trước sân Duyệt Thị Đường. Bộ hiện vật này thể hiện đỉnh cao của sự tích hợp, mô phỏng hình dáng các chiếc “kim ấn bảo tỉ” được đúc từ thời Minh Mạng đến thời Thiệu Trị với kiểu thức “hình rồng quấn”.
|
Ngai hoàng đế Duy Tân. Ảnh: Tổ quốc. |
Bảo vật cuối cùng được đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia là ngai hoàng đế Duy Tân. Hiện vật này được triều đình nhà Nguyễn đặc chế riêng cho vua Duy Tân khi ông lên ngôi năm 7 tuổi. Hiện ngai hoàng đế Duy Tân được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Kiểu thức, hoa văn trang trí trên ngai áp dụng kỹ thuật sơn, thếp vàng cùng kỹ thuật chạm nổi thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật điêu khắc gỗ lúc bấy giờ.
Mời độc giả xem video: Cận cảnh tăng T59 số hiệu 337 vừa được công bố Bảo vật Quốc gia.