Đả Hổ Tướng Lý Trung – Cửu Vân Long Sử Tiến
Sử Tiến là con trai độc nhất của Sử Viên Ngoại, thuộc hàng địa chủ giàu có ở Duyên An. Sử Tiến từ nhỏ đam mê võ nghệ, theo học nhiều thầy. Giáo đầu cấm quân Vương Tiến bị Cao Cầu ép đến cùng đường bị truy nã, trên đường cùng mẹ bỏ trốn, lưu lạc đến Sử gia trang. Tại đây, Vương Tiến giao đấu và đánh thắng Sử Tiến, “Cửu Vân Long” phục tài bái ông làm thầy.
Tuy nhiên, Vương Tiến không phải là người thầy dạy võ đầu tiên của Sử Tiến. Trước ông còn có một vài người khác, đáng chú ý nhất chính là Đả Hổ Tướng Lý Trung. Điều này được khẳng định qua câu nói của Sử Tiến, trong lần chàng rời bỏ quê nhà đến phủ Kinh Lược. Tại đây, Sử Tiến gặp gỡ và kết giao với Lỗ Trí Thâm, sau đó tái ngộ với Lý Trung.
|
4 cặp thầy trò - đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc. |
Hồi hai chép rất chi tiết thế này: “Nói đoạn gạt rẽ đám đông mà vào thì thấy có một người, tay cầm một nắm gậy, trên mặt đất bảy mươi thứ thuốc cao, lại có một cái bàn dán đặc giấy giao hàng ở đó. Sử Tiến trông thấy nhận nhận ra là người quen, tên gọi Đả Hổ Tướng Lý Trung, xưa nay múa gậy bán thuốc dong duổi giang hồ, mà trước kia đã từng dạy cho mình học võ, liền đứng ở ngoài mà gọi lên rằng: - Sư phụ ơi! Sao lâu nay không được gặp thế?”
Lý Trung là thầy, Sử Tiến là trò. Nhưng khi phân thứ hạng đầu lĩnh trên Lương Sơn thì trò lại ngồi ghế cao hơn thầy. Sử Tiến là đầu lĩnh hạng 23, một trong Mã quân Bát Hổ Tiên phong sứ của Lương Sơn Bạc. Lý Trung, trong khi đó, tít tận thứ 86, chức vụ Bộ quân Tướng hiệu. Điểm đáng chú ý là cặp thầy trò Lý Trung – Sử Tiến cùng thiệt mạng trong 1 trận chiến, khi cùng đại quân của Lư Tuấn Nghĩa tiến đánh ải Dục Linh.
Hồi 118 chép: “Lư Tuấn Nghĩa sai sáu tướng là Sử Tiến, Thạch Tú, Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Tiết Vĩnh đem ba nghìn quân bộ đi trước dọn đường… Bàng Vạn Xuân nói chưa dứt, bỗng một mũi tên bay vèo ra, Sử Tiến lăn xuống ngựa. Lại nghe trên đỉnh núi vang lên tiếng thanh la, rồi từ hai phía rừng thông, tên bắn ra tới tấp. Bọn Thạch Tú, Trần Đạt đành bỏ Sử Tiến lại, tìm đường thoát thân. Đến đầu núi lại bị Lôi Quýnh và Kế Tắc từ hai bên sườn núi bắn tên ra như mưa, dẫu là kẻ anh hùng lỗi lạc cũng không tránh nỗi. Bọn Sử Tiến sáu người bị bắn chết, thây chồng dưới cửa ải”.
Báo Tử đầu Lâm Xung – Thao Đao Quỷ Tào Chính
Đây là cặp đầu lĩnh có mối quan hệ thầy trò, mà nếu không đọc kỹ Thủy Hử thì không phải ai cũng nhận ra. Gạch nối hé mở chuyện thầy (Lâm Xung) – trò (Tào Chính) lại liên quan tới hành trình đầy màu sắc của một nhân vật thứ ba: Thanh Diện Thú Dương Chí.
Dương Chí trong lần nhận nhiệm vụ tải đá hoa cương về kinh sư, giữa sông Hoàng Hà bị sóng đánh đắm thuyền, mất sạch, sợ bị xét tội nên bỏ trốn. Trên đường lưu lạc, Dương Chí đi qua Lương Sơn, đúng thời điểm Báo Tử đầu Lâm Xung bị Vương Luân ép “đầu danh trạng” để làm lễ nhập bọn. Đôi bên giao đấu cả năm chục hiệp bất phân thắng bại.
Dù được Vương Luân mời nhập đảng nhưng Dương Chí từ chối, vì khi đó triều đình đã có lệnh ân xá. Sau đó là chuyện Dương Chí bán đao quý, giết Ngưu Nhị, đầu thú, bị đày đến phủ Đại Danh. Được Lương Trung Thư trọng dụng, con đường Hoạn lộ của Dương Chí thăng tiến, lên chức Đề Hạt.
Trên đường vận chuyển vàng bạc châu báu chúc thọ Sái Kinh (bố vợ Lương Trung Thư), Dương Chí trúng phải kế của bọn Tiều Cái – Ngô Dụng, uống nhằm rượu có thuốc mê, bị cướp sạch lễ vật Sinh Thần Cương. Tiếp đó, Thi Nại Am viết tới chuyện Dương Chí “bạn bè không có, tiền nong cũng hết”… ăn cơm uống rượu ở một tửu điếm cách đồi Hoàng Nê Cương 20 dặm rồi tính cách quỵt tiền. Tại đây, Dương Chí xảy ra giao chiến với ông chủ quán rượu.
Đánh nhau gần bao chục hiệp chàng kia nhắm không đọ nổi, nhảy ra ngoài vòng chiến mà kêu: “Khoan tay, bác là ai, nói tên tuổi cho tôi biết? Dương Chí vỗ bụng đáp: - Ta đây đi không đổi tên, ngồi không đổi họ, Thanh Diện Thú Dương Chí chính là ta… Người kia vội vất gậy, cúi xuống lạy mà rằng: - Chúng tôi thực là có mắt mà không trông thấy núi Thái Sơn”.
Rồi tới đoạn chàng xưng tên họ, xuất thân: “Tên tôi là Tào Chính, người ở phủ Khai Phong, là học trò Giáo Đầu Lâm Xung khi trước. Nguyên nhà tôi ngày xưa chuyên nghiệp đồ tể, sau tôi cũng thiện nghệ về mặt sát sinh, nên ai cũng gọi tôi là Thao Đao Quỷ”.
Sau này cả Dương Chí, Tào Chính cùng Lỗ Trí Thâm chiếm núi Nhị Long Sơn làm địa bàn rồi gia nhập Lương Sơn một lượt. Khi phân chia cấp bậc trên Lương Sơn, thầy Lâm Xung đứng hạng 6, một trong Ngũ Hổ Tướng còn trò Tào Chính ngồi ghế đầu lĩnh 81, công việc chính là quản việc… giết mổ trâu bò lợn gà mỗi khi có tiệc.
Ở trận chiến cuối cùng – đánh dẹp Phương Lạp, Tào Chính chết trận vì bị trúng tên độc khi quân Lương Sơn tấn công thành Tuyên Châu. Còn về phần Lâm Xung, hậu chiến dịch Phương Lạp, khi Lỗ Trí Thâm viên tịch ở chùa Lục Hòa, “Báo Tử đầu” bệnh nặng, chạy chữa không khỏi, nửa năm sau thì qua đời.
Tích Lịch Hỏa Tần Minh – Trấn Tam Sơn Hoàng Tín
Hồi 33, sau khi Tần Minh mắc mưu độc của Tống Giang khiến vợ con bị giết còn mình thân cô thế cô mang tội phản nghịch, đành ngậm ngùi nhập hội với bọn Tống Giang, Hoa Vinh, Yến Thuận. Lúc cả hội bàn kế đánh trại Thanh Phong, vốn do Hoàng Tín quản, thì Tần Minh đã hé mở mối quan hệ thầy trò giữa chàng và “Trấn Tam Sơn” như thế này:
“Việc này các huynh đệ không cần phải quan ngại. Nguyên Hoàng Tín là thuộc hạ của tôi, khi trước tôi có dạy bảo các môn võ nghệ, cùng tôi nghĩa thầy trò rất là thân mật, vậy ngày mai tôi đến đó thuyết cho anh ta nhập bọn, rồi sẽ đem bảo quyến của Hoa Vinh sang đây, và bắt vợ con Lưu Cao, để báo thù cho huynh huynh trưởng, như thế thì phỏng được chăng?”.
Sau đó Tần Minh thuyết hàng được Hoàng Tín, rồi cả bọn làm một trận “tung trời” ở Thanh Phong, giết cả nhà quan tri trại Lưu Cao, thuận theo ý Tống Giang thẳng tiến tới Lương Sơn nhập hội. Khi phân chia ngôi thứ ở Lương Sơn, Tần Minh, xếp hạng 7, là 1 trong Ngũ Hổ Tướng trong khi học trò của “Tích Lịch Hỏa”, là Hoàng Tín ngồi ghế 38 (cao thứ nhì nhóm Địa Sát), chức Mã Quân Tiểu Bưu Tướng.
Nếu như Hoàng Tín là một trong số những hảo hán trở về và nhận chức phong của triều đình sau trận chiến với Phương Lạp thì thầy của chàng, Tần Minh thiệt mạng ở trận chiến tại Thanh Khê sau màn giao đấu với Phương Kiệt (cháu gọi Phương Lạp bằng chú) và Đỗ Vi.
Thanh Nhãn Hổ Lý Vân – Tiếu Diện Hổ Chu Phú
Lý Vân, hiệu Thanh Nhãn Hổ, nguyên là đô đầu huyện Nghi Thủy. Chàng xuất hiện lần đầu ở hồi 42, nhân chuyện Lý Quỳ sau khi giết bốn hổ trả thù cho mẹ, bị bọn Tào Thái Công ở thôn Nghi Lĩnh chuốc rượu bắt trói tính giao nộp cho Tri huyện Nghi Thủy. Lý Vân chính là người nhận lệnh áp giải Lý Quỳ.
Tin này đến tai anh em Chu Quý – Chu Phú, hai người bèn bàn tính chuyện giải cứu Lý Quỳ. Đoạn này, Tiếu Diện Hổ Chu Phú có nói một câu như sau: “Lý Đô Đầu là một người võ nghệ cao cường, ba bốn mươi người cũng khó gần ông ta... Nhưng việc này ta có thể lấy mẹo mà thi hành; Nguyên trước Lý Vân vẫn thương yêu tôi, thường có dạy tôi học võ…”.
Rồi đến khi thi triển kế, tiếp cận Lý Vân nhằm cho chàng dùng đồ ăn thức uống đã tẩm sẵn thuốc mê, Thi Nại Am tả tiếp cách hành xử và xưng hô của Chu Phú với Lý Vân: “Bấy giờ Lý Đô Đầu cưỡi ngựa đi sau, để cho bọn thổ binh dong Lý Quỳ đi trước. Khi đến chỗ vắng vẻ Chu Phú liền đến trước ngựa Lý Đô Đầu mà nói rằng: - Dám bẩm sư phụ, tiểu đồ có lòng thành kính, đón đợi ở đây, để dâng mấy chén tiếp phong, vậy xin sư phụ dừng chân mà chứng giám cho”.
Khi bọn Chu Phú cứu được Lý Quỳ, thì tác gia họ Thi tả tiếp đến chuyện Hắc Toàn Phong cùng Lý Lập giao đấu gần chục hiệp bất phân thắng bại, rồi Chu Phú nhảy vào can nói: “Xin sư phụ nghe lời tôi nói: Tôi đây nhờ ơn sư phụ dạy bảo đã nhiều, trong lòng nào phải không biết ơn sư phụ, song lúc nầy anh tôi là Chu Quý, hiện đương làm Đầu Lĩnh ở Lương Sơn Bạc... Chẳng may Lý Quỳ bị bắt, anh tôi sợ về Lương Sơn không biết nói với Tống Công Minh thế nào. Bởi vậy chúng tôi phải làm như thế, để cứu người”.
Rồi sau đó Lý Vân chấp thuận cùng bọn Lý Quỳ, Chu Phú gia nhập Lương Sợn Bạc. Khi phân chia ngôi thứ trên “Bến nước”, Chu Phú xếp hạng 93, chuyên quản lý các việc lặt vặt và việc nấu rượu trong quân. Lý Vân, bản lĩnh võ nghệ không hề tầm thường nhưng lại không được trọng dụng, thứ hạng cực thấp (97), nhiệm vụ… trông coi phòng ốc, nhà cửa.
Ở trận chiến Phương Lạp, cặp thầy trò Lý Vân – Chu Phú đều thiệt mạng, dù theo cách hoàn toàn khách nhau. Lý Vân tử trận khi giao chiến với đại tướng Vương Dần ở lần đánh thành Hấp Châu. Chu Phú, trong khi đó, dính phải dịch bệnh ở Hàng Châu, mà chết.