Âm Lệ Hoa
Âm Lệ Hoa là người phụ nữ khiến Quang Vũ Đế Lưu Tú nhớ mãi không quên khi ông còn chưa lên ngôi. Bà có dung mạo xinh đẹp, tuyệt thế vô song (Ảnh minh họa)
Âm Lệ Hoa sinh trưởng tại quận Nam Dương, Tân Dã (gần tương ứng với Nam Dương, Hà Nam ngày nay). Theo Hậu Hán thư, nhà họ Âm có nguồn gốc từ hạ khanh Quản Trọng trứ danh của nước Tề trong thời Xuân Thu, sau sang cư ngụ nước Sở thì được phong làm Âm đại phu, từ đó sửa sang họ Âm. Năm 19 tuổi, bà được gả làm vợ của Lưu Tú. Sau khi Lưu Tú đăng cơ, bà được phong làm Quý nhân.
Năm Kiến Vũ thứ 17 (năm 41), Đôn hoàng hậu bị phế, Âm Lệ Hoa được sắc phong làm tân hậu. Trong Hậu Hán thư có ghi chép, Âm Lệ Hoa có phong thái dịu dàng, tính cách nhẹ nhàng cung kính, “không thích nô đùa, tươi cười đúng lúc đúng chỗ”, là một vị Hoàng hậu hiền huệ hiếm có.
Trương Lệ Hoa
Nhắc đến Trương Lệ Hoa, mọi người đều nghĩ đến một quý phi xinh đẹp tuyệt trần nhưng cũng đầy tai tiếng. Đa số đều có ấn tượng xấu với vị quý phi họ Trương, họ rằng nàng là hồng nhan họa thủy.
Vào cung không lâu, bằng nhan sắc trời cho của mình, Trương Lệ Hoa được hoàng thái tử Trần Thúc Bảo chú ý và lâm hạnh. Vì nhận được sủng ái liên tục, rất nhanh Trương Lệ Hoa đã có thai, sinh hạ người con trai thứ tư cho Thái tử, đặt tên là Trần Thâm. Liền ngay sau đó, Lệ Hoa lại sinh hạ người con thứ 8 cho Trần Thúc Bảo là Trần Trang.
Khi Trần Thúc Bảo kế vị, trở thành Hoàng đế nước Trần, Trương Lệ Hoa được phong là quý phi, quyền lực rất lớn, thậm chí còn qua mặt cả hoàng hậu. Khi Trần Thúc Bảo bị thương, ngay cả hoàng hậu ông cũng không gặp, chỉ để một mình quý phi Trương Lệ Hoa hầu hạ, đủ thấy vị mỹ nhân này được sủng ái cỡ nào.
Trương Lệ Hoa không những ung dung vào triều mà khi vào triều rồi, nàng cũng không đứng bên cạnh Hoàng đế giống như các vị đại thần khác. Mỹ nhân này ngồi trên đùi Hoàng đế, thi thoảng hai người còn âu yếm nhau, khiến quần thần khó có thể nhẫn nhịn.
Càng về sau, Hậu Chủ càng bỏ bê triều chính, các quan tấu sớ đều phải qua hoạn quan Thái Lâm Nhân và Lý Thiện Độ, mà cả hai vị quan này đều chịu sự chi phối của Trương Lệ Hoa. Hậu Chủ ngày càng lún sâu vào hưởng lạc, quyết định có việc gì thì Trương Lệ Hoa có thể tự quyết định, sau đó hãy bẩm báo cho mình cũng được. Do đó, trong ngoài đều do Lệ Hoa quyết định, bà ta tùy tiện phong tước, nhận hối lộ, kéo bè kết phái,... làm cho quốc sự Nam triều nhanh chóng hỗn loạn và suy yếu.
Năm 588, Trần Hậu Chủ quyết định phế ngôi Thái tử Trần Dận mà lập Thủy An Vương (con của Trương Quý phi) lên thay thế. Sang năm 589, nhà Tùy dẫn quân tấn công Nam triều, bao vây toàn bộ kinh đô. Đến bước đường cùng, Trần Hậu Chủ phải dẫn Trương Lệ Hoa nhảy xuống một cái giếng ở Ngự Uyển để trốn quân Tùy và bị tóm gọn.
Tấn Vương Dương Quảng cũng suýt bị hớp hồn, toan đưa bà về làm thê thiếp thì được cận thần can ngăn, nói rằng không thể yếu lòng mà để lại mầm hoạ. Sau đó bà bị áp giải đến suối Thanh Khê để hành quyết, năm đó Trương Lệ Hoa mới chỉ 37 tuổi.
Công chúa Dương Lệ Hoa
(Ảnh minh họa)
Người phụ nữ cuối cùng đó là Dương Lệ Hoa, trưởng nữ của Tùy Văn Đế Dương Kiên và Văn Hiến hoàng hậu Độc Cô Già La. Dương Lệ Hoa nhập cung từ năm 12 tuổi, đến năm 19 tuổi, nàng đã trải qua một con đường rất dài: Xuất giá, lên ngôi Hoàng hậu, trở thành Thái hậu và sau cuối là một Công chúa.
Năm 573, Thái tử Vũ Văn Uân 14 tuổi thành hôn cùng Dương Lệ Hoa 12 tuổi. Dương Lệ Hoa trở thành Thái tử phi.
Mùa hè năm 578, Vũ Đế đột ngột lâm bệnh và qua đời.Sau khi Bắc Chu Vũ Đế băng hà, Thái tử Vũ Văn Uân nối ngôi, tức Bắc Chu Tuyên Đế. Tuyên Đế đã sách lập Dương Lệ Hoa làm Hoàng hậu. Bà hạ sinh Công chúa Vũ Văn Nga Anh.
Tuy nhiên, khi đó Bắc Chu Tuyên Đế được nhận định không thích hợp trở thành Hoàng đế bởi tính tình thất thường, hoang dâm và phung phí. Tiêu biểu cho tính khí thất thường của vị Hoàng đế này là hành động truyền ngôi lại cho con trai Vũ Văn Xiển 6 tuổi (tức Bắc Chu Tĩnh Đế) chỉ sau một năm đăng cơ. Nguyên nhân là vì cảm thấy quá buồn chán. Ông xưng làm Thiên Nguyên Hoàng đế còn Dương Lệ Hoa là Thiên Nguyên Hoàng hậu.
Trong một lần bất hòa với Dương Lệ Hoa, Thiên Nguyên Hoàng đế muốn ban chết cho nàng nhưng Độc Cô Già La đích thân vào cung khuyên ngăn, bà liên tục dập đầu cầu xin khiến Thiên Nguyên Hoàng đế bỏ lệnh này.
Năm 580, Thiên Nguyên Hoàng đế qua đời. Vì Bắc Chu Tĩnh Đế còn quá nhỏ nên Tùy quốc công Dương Kiên nhiếp chính. Dương Lệ Hoa được tôn thành Thái hậu.
Năm 581, Tùy quốc công Dương Kiên buộc Bắc Chu Tĩnh Đế phong mình thành Tùy vương. Hai tháng sau, Dương Kiên soán ngôi, chấm dứt thời Bắc Chu và lập ra nhà Tùy. Nói một cách khác, Dương Kiên đã buộc cháu ngoại phải nhường ngôi cho mình.
Dương Kiên lên ngôi, lấy hiệu Tùy Văn Đế. Năm 586, Tùy Văn đế phong trưởng nữ Dương Lệ Hoa làm Lạc Bình công chúa. Tuy nhiên, nàng luôn tỏ thái độ bất mãn với hành động cha ruột soán ngôi con trai của mình.
Dương Lệ Hoa hoàn toàn không hiểu được những gì mà phụ thân đã làm, nàng cũng chưa từng nghĩ đến phụ thân sẽ đoạt đi quyền lực từ tay mình. Không chấp nhận được sự thật trước mắt, Dương Lệ Hoa vẫn luôn giữ phong thái của một Thái hậu. Tùy Văn Đế luôn cảm thấy có lỗi với con gái nên cố gắng làm nhiều việc để con vui.
Dương Lệ Hoa gạt bỏ lời khuyên tái hôn của cha mẹ, sống cô độc đến khi mất. Năm 609, Dương Lệ Hoa qua đời ở tuổi 49.