3 lý do giúp Hồng quân đè bẹp phát xít Đức trong trận Stalingrad

Google News

Năm 2018 tròn 75 năm kết thúc trận chiến máu lửa Stalingrad – bản lề quan trọng của Thế chiến 2, mà ở đó Hồng quân đã ngoan cường lật ngược thế cờ.

Ngày 2/2 vừa qua đánh dấu 75 năm kể từ khi kết thúc trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Trận chiến này đã làm thay đổi tiến trình Thế chiến thứ 2 và đẩy phát xít Đức xuống vực thẳm thất bại.

Chiến sĩ Hồng quân vẫy cờ Đỏ ở trung tâm thành phố Stalingrad. Ảnh: Tass.

Vì sao quân phát xít Đức vốn thường tự khoe khoang là một trong những đội quân mạnh thế giới từ cổ chí kim lại gặp phải tình cảnh này. Dưới đây là 3 lý do mà Hồng quân Liên Xô giành chiến thắng trong trận chiến Stalingrad lịch sử (23/8/1942 - 2/2/1943), theo góc nhìn của trang RBTH:

1. Sự kháng cự kiên cường của quân dân Liên Xô

Đòn tấn công hiểm ác của Đức nhằm vào thành phố Stalingrad vào mùa hè năm 1942 gần như không thể ngăn chặn được. Trùm phát xít Đức Adolf Hitler khát khao đánh chiếm thành phố này bằng mọi giá. Y muốn cắt đứt tuyến tiếp vận của Liên Xô thông qua sông Volga và chiếm lấy nguồn dầu mỏ Kavkaz. Để chống lại cuộc tiến công của Đức, Liên Xô đã phải gồng mình huy động tất cả các nguồn lực.

Để tăng cường tinh thần và kỷ luật của binh sĩ Liên Xô, lãnh tụ Joseph Stalin đã phát đi mệnh lệnh nổi tiếng 227, khẳng định “không còn thời gian để rút lui nữa”. Liên Xô tung ra khẩu hiệu “Không lùi, dù chỉ một bước!”.

Vào tháng 8, cuộc rút lui của Hồng quân dừng lại ở Stalingrad. Một khẩu hiệu phổ biến khác của thời đó là: “Không còn đất cho chúng ta đằng sau sông Volga”. Lãnh đạo thành phố Stalingrad kêu gọi người dân biến “mỗi con phố, khu nhà thành một pháo đài bất khả chiến bại”. Khí thế chiến đấu dâng lên hừng hực trong quân và dân Liên Xô tại mặt trận nóng bỏng này.

Không quân phát xít Đức trút bom xuống Stalingrad vào tháng 9/1942. Ảnh: Global Look Press.

Một sĩ quan Đức hồi tưởng về trận đánh Stalingrad: “Đối phương giữ một phần nhà máy Cách mạng tháng Mười. Nguồn kháng cự chính nằm ở khu luyện kim. Nếu chiếm được chỗ này, điều đó đồng nghĩa với việc Stalingrad thất thủ. Máy bay chúng tôi đã giội bom xuống khu vực này trong nhiều tuần.. Không còn chỗ nào là chưa bị cày xới... Trong 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ tiến lên thêm được chừng 70m. Vào đúng lúc đó, một lá cờ đỏ phất lên, rồi một lá cờ xanh. Điều đó có nghĩa là quân Nga đã bắt đầu phản kích... Tôi không hiểu nổi người Nga lấy đâu ra sức mạnh nữa. Đó là lần đầu tiên trong cuộc chiến  này tôi gặp phải một nhiệm vụ không thể hoàn thành nổi.... Và bây giờ khu vực lò luyện kim nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của họ”.

2. Chủ nghĩa anh hùng tập thể

Cuộc kháng cự mạnh mẽ của Liên Xô có thể đã không thành hiện thực nếu thiếu tinh thần anh hùng của tập thể những người bảo vệ Stalingrad. Huy hiệu “Vì sự nghiệp phòng ngự Stalingrad” đã được phát cho khoảng 760.000 người lính Liên Xô. Hơn 100 chiến sĩ Liên Xô đã nhận được phần thưởng cao quý nhất, là huân chương “Anh hùng Liên Xô”, ghi nhận lòng quả cảm và đức hy sinh phi thường.

Mỗi tòa nhà ở Stalingrad biến thành một pháo đài chống phát xít. Ảnh: Global Look Press.

Ngôi nhà Pavlov, một tòa chung cư 4 tầng bình thường, đã trở thành biểu tượng cho sự kháng cự của binh sĩ Hồng quân ở Stalingrad. Bên phòng ngự chỉ có 24 người nhưng quân Đức không tài nào chiếm được tòa nhà này trong suốt 3 tháng tấn công thành phố. Tướng Vasily Chuikov, một trong các tư lệnh Liên Xô tại mặt trận Stalingrad, nhận xét: Số lượng thương vong quân Đức khi cố gắng đánh chiếm Pavlov nhiều hơn khi đánh chiếm thủ đô Paris của Pháp.

Đồi Mamayev Kurgan – một điểm cao khống chế thành phố, là một biểu tượng khác cho sự kháng cự anh hùng của Stalingrad. Điểm cao này đã chứng kiến cuộc giao tranh đặc biệt dữ dội. Việc kiểm soát ngọn đồi này giúp kiểm soát thành phố. Quân Liên Xô đã bảo vệ các chốt chiến đấu của mình bên các sườn đồi trong suốt chiến dịch Stalingrad. Hàng chục ngàn chiến sĩ Hồng quân đã ngã xuống để bảo vệ điểm cao chiến lược này. Sau khi kết thúc trận chiến Staligrad, người ta phát hiện ra rằng mỗi mét vuông đất trên quả đồi này chứa từ 500 đến 1.250 mảnh đạn.

3. Sai lầm của quân Đức

Cuộc phản công của Hồng quân bắt đầu vào giữa tháng 11/1942. Thành công của cuộc phản công này là nhờ một phần vào các sai lầm của các viên tư lệnh phát xít Đức.

Trong trận chiến Stalingrad, quân đội Liên Xô bắt được khoảng 92.000 tù binh Đức. Ảnh: Global Look Press.

Đầu tiên Đức đánh giá quá cao tiềm lực của mình và cố gắng tung 2 đòn cùng một lúc: Đòn đánh vào Kavkaz để chiếm các mỏ dầu ở Azerbaijan, và đòn thứ hai vào Stalingrad. Quân Đức đã mắc sai lầm phân tán lực lượng. Thiếu tướng Đức Hans Doerr sau này viết: “Stalingrad phải đi vào lịch sử như là lỗi lầm lớn nhất mà các tư lệnh quân sự đã mắc phải”.

Vào tháng 11 năm đó, quân Đức còn mắc thêm một sai lầm nữa. Khi cố chiếm Stalingrad, quân Đức đã căng mỏng hai bên sườn ra hàng trăm kilômét, cứ đinh ninh là sau đòn tiến công này Hồng quân sẽ không còn sức lực chống trả. Đã vậy, hai bên sườn của quân Đức lại được che chắn bởi các đơn vị đồng minh của Đức, là quân Italy, Hungary, và Romania có trình độ kém hơn quân Đức.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Kurt Zeitzler về sau nhớ lại rằng ông ta đã cảnh báo Hitler rằng “cần phải thanh toán mối đe dọa nghiêm trọng thường trực quanh Stalingrad”. Đáp lại, Hitler đã gọi viên Tổng tham mưu trưởng này là “người bi quan tuyệt vọng”.

Một điều nữa cũng quan trọng theo Zeitzler là vào mùa thu năm 1942, hiệu quả chiến đấu của binh sĩ Liên Xô và trình độ chỉ huy của tư lệnh Liên Xô đã nâng lên nhiều. Hồng quân chỉ cần 4 ngày để đập tan quân đồng minh phát xít bảo vệ 2 bên sườn đội hình quân Đức và bao vây khoảng 300.000 lính Đức bên trong.

Theo Trung Hiếu / VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)