Lý Ý
Theo Thần Tiên truyện của Cát Hồng, Lý Ý là người quận Thục (nay là Thành Đô, Tứ Xuyên), sống vào những năm thời Hán Văn Đế, đến thời Tam quốc vẫn còn sống. Cũng có người nói rằng, ông là cháu đời thứ 17 của Lão Tử – Lý Nhĩ, đạo hạnh bí hiểm.
|
Ông là cao nhân chỉ điểm cho Lưu Bị trận Di Lăng, nhưng cũng như Gia Cát Lượng, Bị không nghe và chuốc lấy tai hoạ. (Ảnh: Qua Sohu.com). |
Trước cuộc chiến ở Di Lăng, Lưu Bị muốn đích thân dẫn đại binh đánh Ngô để báo thù cho người em kết nghĩa của mình là Trương Phi và Quan Vũ, nên đã nhờ Lý Ý đoán xem lành dữ thế nào. Lý Ý bèn lấy giấy vẽ hơn 40 bức tranh binh mã khí giới. Vẽ xong, ông lại xé vụn từng tờ một. Sau đó ông lại vẽ một người to lớn nằm ngửa trên mặt đất, một người bên cạnh đào đất chôn, bên trên viết một chữ “Bạch” lớn, sau đó chắp tay mà đi. Lưu Bị bực mình nói với quần thần rằng: “Đây là lão điên khùng! Không đáng tin chút nào!”. Sau đó, vì Lưu Bị không tin, đã lấy lửa đốt bỏ bức vẽ, rồi cất 70 vạn đại quân tiến lên.
Lý Ý vẽ hơn 40 bức binh mã khí giới ám chỉ 40 doanh trại ở ven sông của Lưu Bị. Ông xé nát bức vẽ ám chỉ doanh trại bị phá. Một người to lớn nằm ngửa trên mặt đất và một người đào đất chôn ám chỉ là Lưu Bị vì bại trận mà sẽ phải chết. Phía trên viết một chữ “Bạch” lớn chỉ Lưu Bị gửi gắm con nhỏ cho Gia Cát Lượng ở thành Bạch Đế. Khi Lưu Bị dùng lửa đốt bức vẽ đã chỉ rõ, 40 doanh trại sau này bị hoả công Đông Ngô của Lục Tốn thiêu rụi, chính là do quyết định sai lầm của ông gây ra. Những điều này về sau từng cái đều ứng nghiệm chuẩn xác.
Lâu Tử Bá
|
Người giúp Tào Tháo đánh Mã Siêu. (Ảnh: wap.chinaiiss) |
Lâu Tử Bá hay Lâu Tửu Bá là một nhân vật tài năng nhưng ít được nhắc đến trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến công vang dội của Tào Tháo.
Chuyện kể rằng, khi Tào Tháo cầm quân chinh phạt Mã Siêu và đóng quân ở sông Vị, thế trận giằng co khiến đôi bên khó phân được thắng bại. Chính trong lúc bế tắc đó, Lâu Tử Bá xuất hiện và mách nước cho Tào Tháo cách dụng binh phải dựa vào thiên thời, địa lợi.
Đồng thời, Tử Bá cũng đưa ra kế sách giúp Tào Tháo tưới nước đóng băng đắp thành, khiến quân Tào chỉ trong một đêm đã xây dựng được thành lũy kiên cố. Từ đó, Tào Tháo có cơ hội đánh bại được quân Mã Siêu. Sau khi mọi chuyện đã thành, Lâu Tử Bá được Tào Tháo ban thưởng nhưng ông không nhận, phiêu nhiên tự tại mà rời đi, Tào Tháo vô cùng ngưỡng mộ.
Thủy Kính tiên sinh
|
Tạo hình Thủy Kính tiên sinh trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010. |
Tư Mã Huy, tự Đức Tháo, hiệu Thủy Kính, còn gọi là Thủy Kính tiên sinh, người Dĩnh Xuyên, không rõ năm sinh năm mất, sống cuối thời Đông Hán (Hán mạt và Tam quốc). Ông sinh sống ở Thủy Kính trang thuộc phía nam của thành Tương Dương, Thủy Kính tiên sinh chính là người thầy đầu tiên của Gia Cát Lượng. Tương truyền ông là danh sĩ có tài kinh bang tế thế, kiến thức hơn người. Trước tình cảnh chính trị nhà Hán suy vong, đất nước bị chia cắt, thiên hạ lầm than, ông chọn cuộc sống mai danh ẩn tích.
Căn cứ theo Tam quốc chí chú của Bùi Tùng Chi, dẫn theo Tương Dương ký của Tập Tạc Xỉ thời Đông Tấn ghi chép, thì Bàng Đức Công chính là người tôn xưng Gia Cát Lượng là “Ngọa Long”, Bàng Thống là “Phụng Sồ”, Tư Mã Huy là “Thủy Kính”. Trong Tam quốc chí, Bàng Thống truyện, có chép “Tư Mã Huy là người thanh nhã, rất biết nhìn người”. Năm Bàng Thống 18 tuổi, lúc Lưu Bị hội kiến Tư Mã Huy, ông đã tiến cử với Lưu Bị cả Gia Cát Lượng lẫn Bàng Thống.
Trong bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tư Mã Huy xuất hiện ở Chương 37: “Tư Mã hai lần tiến cử danh sĩ, Lưu Bị ba phen tới thảo lư”, là một nhân vật phụ xuất hiện khá ngắn nhưng đủ nói lên được cái tài bao trùm thiên hạ của ông.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, sau khi Thái Mạo là tướng quân của Lưu Biểu tạo phản đem quân phục kích Lưu Bị, Lưu Bị may mắn thoát chết vượt qua suối Đàn Khê gặp được Thuỷ Kính tiên sinh. Sau khi thấu rõ sự tình, Lưu Bị biết được Tư Mã Huy là người thấu tỏ trời đất trong thiên hạ, mong được Tư Mã Huy tiến cử hiền tài.
Tư Mã Huy nói “Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ”, Lưu Bị mới sốt sắng hỏi Ngọa Long, Phượng Sồ là ai thì Tư Mã Huy mỉm cười nói thiên cơ bất khả lộ. Lưu Bị lại một lần nữa mạo muội mong được Thuỷ Kính tiên sinh hạ sơn trợ giúp nhưng Tư Mã Huy lấy cớ tuổi đã quá chiều, ngày tháng còn chẳng còn nhiều, chỉ muốn làm bạn với non xanh nước biếc.
|
Lưu Bị đại nạn không chết gặp được quý nhân. |
Giữa lúc u sầu ngập lối vì chưa tìm được quân sư trợ giúp thì Từ Thứ xuất hiện. Vốn dĩ Từ Thứ muốn đến chỗ Lưu Biểu đầu quân nhưng sau khi quan sát hai ngày, Từ Thứ nhận định Lưu Biểu là người: “Tuy có lòng thiện nhưng không có trí lớn, yêu người thiện mà không biết dùng, ghét kẻ ác mà không biết trị” nên bỏ quay về.
May thay lại gặp ngay Lưu Bị gặp nạn tá túc qua đêm tại đây, Tư Mã Huy liền tiến cử với Lưu Bị, Từ Thứ sau hồi từ chối cũng thuận lòng phò tá.
Khi Từ Thứ về làm quân sư cho Lưu Bị, lúc này đại quân của Tào Tháo từ Hứa Xương ập tới muốn đánh chiếm 9 quận Kinh Châu. Để đánh 9 quận Kinh Châu thì việc đầu tiên là phải đánh Tân Dã. Mà Lưu Bị lúc này lại đang mượn Tân Dã của Lưu Biểu để đóng quân nên không thể không ra ứng chiến.
Đây cũng chính là lúc mà Từ Thứ được thi triển tài năng, giúp Lưu Bị sau bao năm chinh chiến ngược xuôi đều thất bại, nay mới có ngày được ca khúc khải hoàn khi đánh bại đại tướng Tào Nhân của quân Tào.
Giữa lúc Lưu Bị vẫn còn đang say trong niềm vui của kẻ chiến thắng thì nơi quê nhà, Tào Tháo cho người bắt giữ mẫu thân của Từ Thứ nên Từ Thứ không thể không vì chữ hiếu mà quay về phương Bắc. Lưu Bị lại thêm một lần u sầu thống khổ.
Cuộc đời luôn là vậy, sự thật luôn cay nghiệt hơn những gì chúng ta tưởng. Người thành công, muốn làm đại nghiệp thì ắt phải qua thăng trầm, sóng gió để tôi luyện bản thân và ý chí, người kiên định ắt là người chiến thắng.
Có câu: “Gái có công chồng không phụ, người có chí ắt trời cao tương trợ“. Trước lúc ra đi, Từ Thứ vì trọng nghĩa, trọng tình với Lưu Bị mà tiến cử Ngoạ Long tiên sinh, tức Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Đây cũng là cội nguồn của điển tích lưu danh muôn thuở: “Ba lần thăm lều cỏ” của Lưu Bị.
Tư Mã Huy nghe nói Từ Thứ bỏ đi, mới đến hỏi thăm, nghe Lưu Bị nói chuyện đó, Tư Mã Huy giậm chân nói rằng Thứ đã trúng kế Tào, Từ mẫu tính tình cương nghị, phen này Thứ không về thì mẹ sống, mà về nhất định mẹ Từ Thứ sẽ chết. Lưu Bị sửng sốt, hồi lâu mới đem chuyện Gia Cát Lượng hỏi Tư Mã Huy.
Tư Mã Huy nói: “Từ Thứ ra đi rồi thì chớ, còn làm phiền đến người này làm chi. Gia Cát Lượng ngồi nhàn ở Ngọa Long San, thường tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị. Nhưng thực ra tài người này không thể tưởng tượng được, có thể ví như Khương Tử Nha làm nên sự nghiệp 800 năm nhà Chu, Trương Lương làm nên sự nghiệp 400 năm nhà Hán vậy. Ngọa Long mà bữa trước tôi nói với tướng quân, chính là Gia Cát Lượng, còn Phượng Sồ là Bàng Thống”.
Lưu Bị nghe Tư Mã Huy thuyết giảng, như người tỉnh cơn mê, dứt khoát tìm gặp bằng được Gia Cát Lượng.
Nói rồi Tư Mã Huy trở về, tới cổng than thở một mình: “Gia Cát Lượng gặp được minh chúa xong không gặp thời. Đáng tiếc thay!”.
Sau khi 3 lần kiên trì không quản gian nan tìm gặp Gia Cát Lượng. Cuối cùng Gia Cát Lượng cũng bằng lòng hạ sơn phò tá Lưu Bị, mở ra một kỷ nguyên mới, trùng hưng Hán thất, lập nhà Thục Hán, tuy nhiên sự nghiệp thống nhất Trung nguyên của ông không thực hiện được, đành ngậm tiếc nuối mà qua đời. Điều này quả ứng nghiệm với những gì Tư Mã Huy nói. Đủ thấy tài nhìn người, đoán tương lai tài tình của Tư Mã Huy.