Tam Quốc là thời kỳ có rất nhiều hàng tướng, hàng tướng là từ dùng để chỉ tướng lĩnh bị bắt làm tù binh vì thua trận hoặc chủ động đầu quân cho phe khác.
Dưới trướng những kiêu hùng như Lưu Bị, Tôn Quyền, Tào Tháo đều có không ít hàng tướng, trong số đó, có không ít người còn trở thành trọng thần trong tay họ. Có thể kể tới danh tướng Cam Ninh dưới trướng Tôn Quyền; Hoàng Trung, Mã Siêu dưới trướng Lưu Bị; Trương Cáp, Trương Liêu dưới trướng Tào Tháo.
Những tướng lĩnh vừa được kể tên đều nhận được sự trọng dụng của chúa công mình, thế nhưng có ba danh tướng Tam Quốc được nêu ra dưới đây lại không được người ta yêu thích sau khi đầu hàng.
1. Lã Bố
Trong diễn nghĩa, Lã Bố không hổ là đệ nhất danh tướng của Tam Quốc, thời điểm mười tám lộ chư hầu thảo phạt Đổng Trác, tại ải Hổ Lao, Lã Bố đã chém chết được hai đại tướng Phương Duyệt và Mục Thuận của phe chư hầu, còn chém đứt được cổ tay của Vũ An Quốc, Bạch Mã tướng quân Công Tôn Toản cũng thua dưới tay Lã Bố.
Khi ấy, để cứu Công Tôn Toản đang thua trận, Trương Phi đã xông lên đánh chiến ác liệt với Lã Bố, và rồi Quan Vũ, Lưu Bị cũng theo sau ra tay hỗ trợ Quan Vũ. Nhưng cho dù như vậy, ba anh em họ vẫn chẳng thể đánh bại được Lã Bố. Cuối cùng Lã Bố lo rằng khó lòng lấy một chọi ba, chủ động rút lui.
Khi diễn ra trận Duyện Châu, Lã Bố và Tào Tháo chạm mặt nhau. Khi ấy Lã Bố cậy mình có võ công cao cường, diễu võ dương oai trước mặt Tào Tháo. Hành động này đã chọc tức danh tướng Hứa Chử của Tào Nguỵ.
|
Hình ảnh nhân vật Lã Bố trên phim. |
Sau khi hai người đánh nhau hơn hai mươi hiệp, Tào Tháo cảm thấy "một người không thể thắng được Lã Bố", bởi vậy đã để Điển Vi, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Nhạc Tiến, Lý Điển lên hỗ trợ, sáu đại tướng cùng hợp sức tấn công Lã Bố, lúc này mới đẩy lui được Lã Bố nhờ ưu thế về mặt số lượng.
Trong hai trận đại chiến này, vì những người đánh nhau với Lã Bố như Trương Phi, Quan Vũ, Hứa Chử, Điển Vi, Hạ Hầu Đôn đều là danh tướng hàng đầu của Tam Quốc, thế nên mới tạo nên địa vị đệ nhất danh tướng Tam Quốc của Lã Bố.
Thế nhưng Lã Bố võ công dù cao cường nhưng lại là hạng hữu dũng vô mưu. Sách lược của Lã Bố tầm thường, còn không chịu tiếp thu ý kiến của Trần Cung, cuối cùng bị Tào Tháo đánh bại ở trận Hạ Bì. Đám người Lã Bố, Trần Cung đều trở thành tù nhân của Tào Tháo.
Sau khi bị bắt, Lã Bố chủ động tỏ ý sẵn lòng trở thành dũng tướng dưới trướng Tào Tháo, giúp Tào Tháo công thành đoạt đất, giành lấy thiên hạ. Lã Bố có ý đầu hàng, Tào Tháo lại chần chừ do dự.
Lã Bố là mãnh tướng Tào Tháo muốn có được, nhưng ông lại lo rằng Lã Bố không thành tâm quy hàng. Để giữ mạng, Lã Bố lại nhờ vả Lưu Bị xin tha cho mình, Lưu Bị lại sợ Tào Tháo thu nhận Lã Bố về phe Tào Nguỵ, sau này sẽ thành mối hoạ từ bên trong đối với mình, thế nên đã nhắc tới hai người là Đinh Nguyên, Đổng Trác.
Đinh Nguyên, Đổng Trác đều từng là cha nuôi của Lã Bố, thế nhưng vì lợi ích của bản thân, Lã Bố đã giết chết cả hai người này. Lã Bố có vết nhơ từng giết chúa công, thế nên Tào Tháo không dám giữ lại ông ta, cho người thắt cổ Lã Bố ở lầu Bạch Môn.
2. Quan Vũ
Quan Vũ là danh tướng của Thục Hán, là anh em kết nghĩa với Lưu Bị, tình cảm giữa hai người vô cùng thắm thiết.
|
Tranh vẽ Quan Vũ. |
Trước khi gặp được Gia Cát Lượng, sự nghiệp của Lưu Bị vẫn luôn nằm trong tình trạng kém thuận lợi, đánh đâu thua đó, thường xuyên phải đi ăn nhờ ở đậu.
Thế nhưng, dù ở trong tình huống ấy, hai danh tướng hàng đầu là Quan Vũ và Trương Phi vẫn chẳng bao giờ phản bội Lưu Bị.
Về sau, sau khi Lưu Bị thua trận, Quan Vũ và Lưu Bị, Trương Phi lạc mất nhau, Quan Vũ không biết Lưu Bị, Trương Phi còn sống hay đã chết. Dưới tình huống ấy, đối mặt với lời dụ hàng của Tào Tháo, Quan Vũ và Tào Tháo nêu ba điều kiện, tạm thời quy hàng Tào Tháo.
Nhưng sau này, sau khi biết được Lưu Bị vẫn còn sống, Quan Vũ đã khăng khăng rời khỏi phe Tào, đi tìm kiếm anh trai Lưu Bị của mình, thậm chí không ngại giết người như ngoé, chém chết sáu tướng lĩnh giữ ải ngăn cản mình.
Trong Tam Quốc, Quan Vũ nổi tiếng với lòng trung thành, thế nên Lưu Bị rất yên tâm về ông. Thời điểm đem quân đi giành lấy Tây Xuyên và Hán Trung, Lưu Bị đều để lại Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, nhưng điều đáng tiếc chính là, sau khi Lưu Bị giành được Hán Trung, thời cơ vẫn chưa chín muồi, Quan Vũ đã phát động trận Tương Dương – Phàn Thành, đem quân đi tiến đánh Tào Nhân.
Giai đoạn đầu của trận Tương Dương – Phàn Thành, Quan Vũ dìm bảy đạo quân, uy chấn khắp Hoa Hạ. Nhưng ngay sau đó, Tào Nguỵ liên tục phái quân tới chi viện cho Tào Nhân. Đồng thời, Tào Tháo còn bắt tay với Tôn Quyền để chống lại Quan Vũ.
|
Hình ảnh nhân vật Tôn Quyền trên phim. |
Hòng đoạt được lợi ích cho bản thân, Tào Tháo đã tiết lộ tin Tôn Quyền muốn đoạt lấy Kinh Châu cho Quan Vũ, thế nhưng Quan Vũ không chịu vứt bỏ thành quả chiến đấu mớt giành được, nên đã đắn đo chần chừ. Sau khi ông nhận được tin Giang Đông đã giành được quận Nam, tất cả đều đã muộn.
Ông bị Từ Hoảng đánh bại, sau đó lại trúng phải kế của Lã Mông trên đường rút quân, binh sĩ Kinh Châu ào ào bỏ lại ông để rời đi, Quan Vũ chỉ dẫn theo mười mấy kỵ binh bỏ chạy về Mạch Thành.
Sau khi Quan Vũ đến được Mạch Thành, ông bị binh sĩ Giang Đông đuổi theo và bắt sống.
Khi ấy Quan Vũ cũng đã ngỏ ý sẵn sàng đầu hàng Tôn Quyền, thế nhưng Quan Vũ có tiếng trung nghĩa, hành động đầu hàng của ông có thể chỉ là kế tạm thời, Tôn Quyền không hề tin tưởng ông. Đồng thời, Quan Vũ có tính ngông cuồng kiêu ngạo, nhiều lần mở miệng chửi rủa người Giang Đông, trong lòng người Giang Đông đều rất ghét Quan Vũ.
Cuối cùng Tôn Quyền không chiêu hàng Quan Vũ, mà cho người đẩy Quan Vũ đi chém đầu. Thế nhưng bản thân Tôn Quyền cũng phải trả giá cho việc chém đầu Quan Vũ, Lưu Bị đã ngay lập tức đem quân đi tấn công Tôn Quyền, khiến cả Thục Hán và Giang Đông đều tổn thất nặng nề.
3. Vu Cấm
Vu Cấm là một đại tướng trong số Ngũ tử lương tướng của Tào Nguỵ. Tuy rằng công trạng và năng lực của Vu Cấm đều không sánh bằng Trương Liêu, Từ Hoảng, nhưng do thời gian ông đi theo Tào Tháo sớm hơn, những chiến dịch ông từng tham gia, cùng với công trạng đều rất nhiều, thế nên ông có được địa vị rất cao ở phe Tào Nguỵ, là tướng lĩnh khác họ duy nhất của Tào Nguỵ được cầm trong tay "giả tiết việt".
Khi diễn ra trận Tương Dương – Phàn Thành, Tào Tháo cử Vu Cấm đem quân đi cứu viện cho Tào Nhân, tình hình vốn đang rất có lợi cho phe Tào Nguỵ, thế nhưng Quan Vũ đã lợi dụng thời điểm nước sông Hán dâng cao, cho đào đê sông, dìm nước đại quân của Tào Nguỵ, Vu Cấm và Bàng Đức cũng bị Quan Vũ bắt sống.