|
Lưu Ngọc Quỳnh Khôi nhận vòng nguyệt quế tại Lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ Trường ĐH Bách khoa TPHCM (Ảnh: Như Quỳnh). |
Viết bài báo quốc tế "nhanh như chớp"
Sinh năm 1998, Lưu Ngọc Quỳnh Khôi (trú tại TPHCM) vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành quản lý xây dựng, khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM.
Bậc cử nhân, Khôi tốt nghiệp loại giỏi chương trình kỹ sư kỹ thuật xây dựng tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào năm 2020 với số điểm tổng kết 8,58/10 và giấy khen kỹ sư ưu tú.
Học cùng lúc hai trường ĐH nên năm sau đó, anh sở hữu thêm tấm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM.
Anh hiện đang công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM.
|
Thời sinh viên, Quỳnh Khôi theo học cùng lúc 2 trường đại học danh tiếng (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Chia sẻ về học viên cao học vừa bảo vệ xuất sắc, PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn - giảng viên khoa Kỹ thuật Xây dựng, người trực tiếp hướng dẫn Khôi - cho biết đây là trường hợp "hiếm có", công bố 8 bài báo quốc tế trong 1,5 năm học cao học.
Đặc biệt, Khôi là người đầu tiên đăng ký chương trình thạc sĩ ngành quản lý xây dựng theo hướng nghiên cứu.
Xác định ngay từ đầu sẽ dấn thân vào con đường nghiên cứu, Quỳnh Khôi quyết định học thạc sĩ theo phương thức nghiên cứu thay vì hướng ứng dụng. Với Khôi, đây chính là bước đệm để anh có thể tiếp cận với đa dạng phương pháp khoa học, phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu lâu dài.
Lĩnh vực tân thạc sĩ nghiên cứu là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) vào giải quyết các yếu tố trong quản lý xây dựng.
Sau một thời gian dài không ngừng tìm kiếm và phân tích các thuật toán dùng để giải quyết vấn đề tối ưu hóa, Quỳnh Khôi tiến hành hướng nghiên cứu chính là sử dụng mô hình thuật toán nấm nhầy (slime mold algorithm) trong việc cân bằng tối ưu hóa tiến độ, chi phí và các yếu tố khác (như chất lượng, rủi ro,…) trong quản lý xây dựng.
Mỗi yếu tố này đều tác động qua lại lẫn nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của một dự án xây dựng, do đó việc tìm ra giải pháp tối ưu tất cả yếu tố là rất cần thiết.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Khôi cho biết đã gặp không ít trở ngại trong việc kết nối giữa thuật toán và bài toán xây dựng cụ thể. Anh mất gần 6 tháng để có thể hình dung, áp dụng và giải quyết được vấn đề mà mình mong muốn.
Quỳnh Khôi chia nội dung nghiên cứu thành 5 giai đoạn chính. Ở giai đoạn 1, anh tập trung vào mô hình thuật toán gốc giải quyết tiến độ, chi phí và chất lượng dự án.
Sau mỗi lần chạy thử nghiệm, Khôi xem xét các kết quả thu về, trên cơ sở đó tìm cách lai ghép mô hình gốc với các phương pháp tương ứng nhằm cải thiện nền thuật toán gốc.
Tương ứng với mỗi giai đoạn của mô hình, Khôi sẽ viết những bài báo khoa học để chứng minh tính ưu việt của đề tài nghiên cứu.
"Ban đầu viết bài báo khoa học gửi cho các tạp chí quốc tế, mình bị từ chối đến 5-6 lần. Lúc đó, cũng buồn lắm! Tuy nhiên, mình lấy lại quyết tâm, đọc những phản biện của chuyên gia để hoàn thiện thêm và cuối cùng đạt kết quả ngoài mong đợi", tân thạc sĩ chia sẻ.
|
Quỳnh Khôi sắp xếp thời gian khoa học khi vừa đi học vừa đi làm (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bằng nỗ lực đáng kể, anh đã có tới 8 bài báo quốc tế thuộc ISI/Scopus thay vì mục tiêu 5 bài như ban đầu. Trong đó, có 1 bài Q1 đạt IF = 4.996; 1 bài Q2 đạt IF = 3.75; 1 bài Q2 đạt IF = 1.843; 1 bài Q2 đạt IF = 3.83; 1 bài Q3 đạt IF = 1.7; 1 bài Q3 đạt IF = 1.77; 2 bài Q3 đạt IF = 1.83 (điểm quy đổi giá trị bài báo quốc tế).
Trong khi đó, theo quy định, để hoàn thành chương trình thạc sĩ theo hướng nghiên cứu, học viên cần có tối thiểu 1 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận.
Lưu Ngọc Quỳnh Khôi tiết lộ sẽ chưa dừng lại ở con số 8 bởi sau khi anh bảo vệ luận văn xong vẫn còn những bài chờ đăng.
Với những nỗ lực của mình, sau 1,5 năm theo học, Quỳnh Khôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với điểm số 8.6/10. Anh là người có thành tích cao nhất trong số những học viên cao học khác tại Lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ tháng 7/2023 của ngành quản lý xây dựng.
Cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM còn nhận được học bổng Hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam năm học 2022-2023 do Hội khuyến học thương gia Đài Loan tài trợ với kinh phí lên đến 400 triệu đồng.
Vừa làm việc vừa theo học bậc tiến sĩ
Vừa đi làm vừa đi học, Quỳnh Khôi luôn tận dụng thời gian buổi tối và các ngày cuối tuần để nghiên cứu.
Trong quá trình theo học tại Trường ĐH Bách khoa, học viên này luôn trao đổi cụ thể với cán bộ hướng dẫn và các thầy cô khác để có thể học hỏi thêm nhiều nguồn kiến thức mới.
|
Quỳnh Khôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với điểm số 8.6/10 sau 1,5 năm theo học (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bên cạnh đó, nhờ vào kinh nghiệm chuyên môn đúc kết được khi làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng giúp anh có thêm nhiều cơ sở dữ liệu để giải quyết các vấn đề liên quan đến công trình nghiên cứu của mình.
Ở vị trí của người trực tiếp dẫn dắt và cũng là đồng tác giả nhiều bài báo, PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn nhận định Khôi là một học viên năng nổ, có trách nhiệm, đáp ứng tốt các yêu cầu của môn học và luôn thuộc nhóm sinh viên có kết quả học tập cao.
Đối với đề tài nghiên cứu, thầy Sơn cho biết kết quả nghiên cứu đã được áp dụng thử vào một dự án thực tế tại TPHCM và cho ra dữ liệu và kết quả khả thi.
Tuy nhiên, vì mô hình thuật toán ra đời vào năm 2021, vẫn còn khá mới nên việc tìm hiểu, nghiên cứu tính năng của mô hình phải thật sự kỹ càng mới có thể ứng dụng vào các bài toán xây dựng một cách hợp lý.
|
Không phải "mọt sách" chỉ biết học tập và nghiên cứu, Quỳnh Khôi còn là một cán bộ đoàn năng nổ, thường xuyên tổ chức, tham gia các buổi tình nguyện, hoạt động xã hội (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bên cạnh việc phối hợp cùng khắc phục các nhược điểm trên, để có thể thực sự mang kết quả nghiên cứu đi vào thực tế, hai thầy trò có kế hoạch mang các ứng dụng nghiên cứu vào phần mềm trên điện thoại và máy tính một cách trực quan và thuận tiện cho việc sử dụng.
Tới đây, Lưu Ngọc Quỳnh Khôi tiếp tục cuộc hành trình theo đuổi chương trình tiến sĩ và ấp ủ về tối ưu hóa đề tài thạc sĩ cũng như sẽ mở rộng các hướng mới.