Vị đầu tiên là phi tần sống thọ nhất của Hoàng đế Càn Long: Uyển Quý Phi Trần Thị. Trong thời gian Hoàng đế Ung Chính tại vị, Trần thị được Hoàng đế ban cho Bảo Thân vương Hoằng Lịch làm thị thiếp, trở thành Cách cách.
Sau khi Bảo Thân vương Hoằng Lịch nối ngôi, trở thành Hoàng đế Càn Long, Trần thị sơ phong Thường tại. Năm Càn Long thứ 2, khi chính thức đại phong hậu phi, Trần thị được thăng làm Quý nhân. Trần thị và Hải thị là hai phi tử có thân phận thấp nhất ở thời điểm đấy.
Năm Càn Long thứ 14, Trần thị được tấn phong làm Tần với phong hiệu "Uyển". Dù danh vị cao hơn nhưng bà vẫn không được Hoàng đế đoái hoài nhiều hơn.
Nhưng không một ai có thể nghĩ đến, Trần thị đã ở danh vị Tần suốt 46 năm sau đó. Năm Càn Long thứ 59, Hoàng đế Càn Long trước khi nhường ngôi cho con trai Vĩnh Diễm (sau là Hoàng đế Gia Khánh) đã thực hiện đại phong hậu cung. Lúc đó, Trần thị được tấn phong làm Uyển phi.
Tháng Giêng năm Gia Khánh thứ 6, Hoàng đế Gia Khánh tấn thăng Trần thị làm Quý phi và thường tôn gọi là Uyển Quý Thái phi. Năm Gia Khánh thứ 12, Uyển Quý Thái phi Trần thị qua đời.
Có thể nói, trong lịch sử nhà Thanh, Uyển phi Trần thị là một trong những nữ nhân sống thọ nhất hậu cung. Bà đã sống đến năm 92 tuổi mà không hề bệnh tật đau yếu gì cả.
Vị phi tần thứ 2 có phong hiệu "Uyển" chính là Uyển Quý phi Tác Xước Lạc thị của Hoàng đế Hàm Phong.
Năm Hàm Phong thứ 2, Tác Xước Lạc thị nhập cung thông qua Nội vụ phủ tuyển tú đầu tiên của Hoàng đế Hàm Phong, sơ phong Thường tại với phong hiệu "Uyển". Theo quy định, nếu nhập cung qua Nội vụ phủ tuyển tú chỉ có thể làm Quan nữ tử, tuy nhiên Tác Xước Lạc thị lại có thể trở thành Nội đình Chủ vị có lẽ dựa vào gia thế.
Chỉ trong nửa năm, Tác Xước Lạc thị được phong thành Uyển Quý nhân.
Năm Hàm Phong thứ 4, Tác Xước Lạc thị được Hoàng đế tấn phong thành Uyển tần, dọn vào ở tại Cảnh Nhân cung. Từ điều này có thể thấy, Tác Xước Lạc thị rất được sủng ái.
Sau khi Hoàng đế Hàm Phong qua đời, Hoàng đế Đồng Trị lên ngôi, Tác Xước Lạc thị được phong thành Hoàng khảo Uyển phi.
Đến năm Đồng Trị thứ 13, Hoàng đế bệnh nặng. Vì muốn "xung hỉ", Lưỡng cung Thái hậu đã tiến hành đại phong hậu cung, lúc đó Tác Xước Lạc thị đã có được danh vị Quý phi. Từ đó bà sống nhàn nhã, tự tại trong hậu cung.
Năm Quang Tự thứ 14, Uyển Quý phi Tác Xước Lạc thị qua đời, thọ 59 tuổi.
Trong suốt thời gian sống tại hậu cung, Tác Xước Lạc thị có được sự sủng ái của Hoàng đế Hàm Phong, sau đó yên phận trải qua cuộc đời nhàn nhã ở hậu cung qua 3 đời Hoàng đế: Hàm Phong, Đồng Trị và Quang Tự. Đây là một trong những phi tần đặc biệt trong thời nhà Thanh.