Thời gian qua, mạng xã hội xôn xao với đoạn clip người đàn ông tố cáo bắt quả tang vợ mình ngoại tình với Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp Vũ Anh Minh thuộc Bộ GTVT. Sau đó, người đàn ông tự xưng là Vũ Trọng Lâm, Trưởng ban Khai thác mặt bằng của Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy đã lên tiếng xin lỗi ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ GTVT trên mạng xã hội, dư luận đặt câu hỏi, với việc tố oan người có chức quyền thì bị xử lý thế nào, có phạm tội vu khống hay làm nhục người khác không? Trong trường hợp nhầm lẫn và người này đã lên tiếng xin lỗi, bản thân người bị tố oan không khiếu nại thì có bị xử lý?
|
Ông Trần Văn Lâm - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) cho biết vụ Vụ trưởng bị tố ngoại tình là sự nhầm lẫn. (Ảnh: Báo Giao thông)
|
PV Kiến Thức đã trao đổi với Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật và Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp để làm rõ những băn khoăn trên.
Nếu không cố tình bịa đặt thì không cấu thành tội
Trong vụ việc một người tố Vụ trưởng Bộ GTVT ngoại tình với vợ một người đàn ông, sau đó người đàn ông tố cáo vụ việc này nhận ra nhầm lẫn và đã chính thức có lời xin lỗi thì hành vi đó có phạm tội vu khống hay làm nhục người khác, có bị xử lý theo các quy định của pháp luật, thưa các luật sư?
Luật sư Hoàng Cao Sang: Để bị xem là cấu thành tội vu khống thì phải xác định được người đó “bịa đặt” câu chuyện xấu cho một ai đó rồi loan truyền nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của người đó. Hoặc “bịa đặt” người đó phạm tội và tố cáo đến cơ quan chức năng. Như vậy, trong trường hợp này phải xác định người tung clip là cố tình “bịa đặt” về việc ông Minh ngoại tình với vợ mình, nếu không phải là người này “bịa đặt” thì không cấu thành tội vu khống.
Để cấu thành tội vu khống là phải xác định hành vi “bịa đặt”. Nếu người tung clip đã cố tình bịa đặt và chỉ đích danh ông Minh rồi loan truyền cho nhiều người, thì ngay lúc tung clip người này đã cấu thành tôi vu khống, mặc dù sau đó nói không phải ông Minh. Đối với tội vu khống thì cơ quan chức năng chỉ khởi tố khi có đơn yêu cầu của người bị hại, nếu người bị hại không có đơn yêu cầu thì cơ quan chức năng không có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự họ.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Thái. |
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Vu khống, xúc phạm, chửi bới, can thiệp vào cuộc sống gia đình người khác nhằm làm tổn hại và tổn hại nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác là một trong những dấu hiệu cấu thành tội phạm: tội làm nhục người khác và tội vu khống trong Bộ luật hình sự .
Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”
Tuy nhiên đây rõ ràng là một sự nhầm lẫn vì tội vu khống là phải biết rõ những điều mình phát ngôn là bịa đặt. Còn đây khi tố cáo thì người tố cáo sự việc hoàn toàn không biết rõ sự việc mà cố tình thực hiện nhưng vậy loại trừ vì phạm điều 122 tội vu khống. Tuy nhiên có thể xem xét vi phạm điều 121 tội làm nhục người khác.
Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip... Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình.
Theo quy định tại Ðiều 37 Bộ luật Dân sự thì:“ Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”
Theo quy định tại Ðiều 604 Bộ luật Dân sự thì:“Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng – Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
“1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”
Như vậy, mặc dù ông Minh không có đơn tố cáo và nhung căn cứ hành vi chưa đến mức truy tố trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị phạt.
Có nên tìm người đàn ông tên Minh để minh oan cho vụ trưởng?
Để làm rõ việc tố cáo của người đàn ông trên là nhầm lẫn và không cố tình bịa đặt, đồng thời minh oan cho Vụ trưởng Bộ GTVT bị tố oan, theo các luật sư có nên tìm người đàn ông cũng tên Minh khiến người chồng này làm clip tố cáo vợ ngoại tình nhầm với ông Vũ Anh Minh để sự việc được sáng tỏ?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Theo tôi, cũng không cần thiết phải tìm người đàn ông tên Minh kia vì: Các bên đều thừa nhận sự nhầm lần và Người đàn ông kia ngồi trên ôtô cũng chưa đủ căn cứ xử lý vì phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng.
Luật sư Hoàng Cao Sang: Nếu trong trường hợp ông Nguyễn Anh Minh tố giác người tung clip về hành vi vu khống ông thì người tung clip hoặc cơ quan tố tụng sẽ tìm hiểu về người tên Minh kia để chứng mình là do nhầm lẫn giữa Minh này và Minh kia chứ không phải người tung clip cố tình bịa đặt. Hoặc ông Nguyễn Anh Minh yêu cầu người tung clip phải chứng minh là do nhầm lẫn để tránh ảnh hưởng đến danh dự của mình.
|
Luật sư Hoàng Cao Sang. |
Qua vụ việc trên, các luật sư có thể chia sẻ những suy nghĩ liên quan đến vẫn đề ứng xử trong mối quan hệ vợ chồng và xã hội khi ghen tuông và nghi ngờ bạn đời không chung thủy?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Chắc có cả nghìn bài thơ và có hàng nghìn cách ứng xử khác nhau. Hiện này 30% sự đổ vỡ của hôn nhân là do một trong hai bên ngoại tình và không đồng cảm trong lĩnh vực tình cảm. Nguyên nhân thì nhiều nhưng người ta nói ghen là thể hiện tình yêu. Thực tế ghen 1 chút cũng là sự thi vị nhưng ghen mà làm ầm lên thế này thì lại là thái quá. Tôi thiết nghĩ ngay xưa các cụ đã có câu: “Chuyên của nhà mình kể chẳng ai thương, dù rằng đắp điếm trăm đường. Trâm ngôn đã nói xấu chàng thì hồ ai”. Vì vậy, việc trong nhà nên về nhà giải quyết, hoặc đóng cửa bảo nhau là thượng sách.
Luật sư Hoàng Cao Sang: Tôi cho rằng chúng ta không nên đưa ra những nhận xét, quan điểm, kết luận khi chưa có đầy đủ chứng cứ. Vì khi chưa có chứng cứ cụ thể thì nó vẫn còn mang tính suy diễn, võ đoán, có thể trúng có thể không, mà không trúng thì ảnh hưởng xấu đến người khác. Mà trong vẫn đề tình yêu, hôn nhân gia đình lại càng phải bình tĩnh hơn, nếu không có thể tan vỡ cả một gia đình vì sự nóng vội thiếu kìm chế.
Xin cảm ơn các luật sư về cuộc trao đổi này!