Thí sinh Vietnam’s Got Talent uống nhầm axit trong đêm bán kết 4, diễn ra tối 11/1 khiến khán giả được một phen đau tim. Đó chính là màn biểu diễn của ảo thuật gia Trần Tấn Phát.
Trần Tấn Phát đã mang đến một tiết mục ảo thuật đầy tính may rủi với việc chọn nguyên liệu chính là axit. Trong 5 chiếc ly giống nhau có 1 ly đựng axit, 4 chiếc ly còn lại đựng nước. Việc của chàng ảo thuật gia là chọn đúng chiếc ly không chứa axit để uống. Đáng tiếc, Tấn Phát đã uống đúng chiếc ly chứa dung dịch có thể gây chết người này.
|
Thí sinh Trần Tấn Phát nói yêu cầu của màn ảo thuật |
Vụ việc ngay sau đó đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng về việc có nên hay không nên tổ chức chương trình có tính chất nguy hiểm đến tính mạng, trách nhiệm của Ban tổ chức đến đâu trong sự cố thí sinh uống nhầm axit này…? Để giúp độc giả giải đáp thắc mắc trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội và đồng nghiệp.
- Theo luật sư, việc tổ chức chương trình mà có tính chất nguy hiểm đến tính mạng như thế này có nên không?
Theo quan điểm của tôi, sự việc của thí sinh Tấn Phát trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt (Vietnam’s Got Talent) biểu diễn tiết mục
ảo thuật nguy hiểm khó có thể quy kết Ban tổ chức chương trình VietNam’s Got Talent tổ chức chương trình có tính chất nguy hiểm được. Vì tham gia chương trình này còn có rất nhiều thí sinh lựa chọn nhiều tiết mục mang tính nghệ thuật. Việc lựa chọn tiết mục nguy hiểm là phụ thuộc vào quyết định của thí sinh tham dự, bên cạnh đó trước khi thực hiện phần thi của mình, thí sinh Tấn Phát cũng đã viết bản cam kết sẽ chịu trách nhiệm đối với hậu quả sẽ xảy ra. Vietnam’s Got Talent không những chỉ là chương trình giải trí mà còn có giá trị nhân văn như khích lệ người Việt Nam tự tin thể hiện bản thân, hay tìm ra được những con người có những khả năng đặc biệt để tiếp tục trau dồi và phát triển bản thân….
Từ trước đến nay có rất nhiều chương trình xiếc thú, ảo thuật,… nếu nói đến độ nguy hiểm và khả năng xảy ra rủi ro thì còn hơn tiết mục của thí sinh Tấn Phát. Hầu như cuộc thi nào cũng có những tiềm ẩn rủi ro nhất định, vấn đề là Ban tổ chức phải có các phương án phù hợp để xử lý, khắc phục những sự cố. Ví dụ đơn giản nhất như cuộc thi Hội khỏe phù đổng cho các cháu học sinh diễn ra hàng năm, từng xảy ra sự cố như một số cháu gãy tay, gãy chân… nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của các cháu, nhưng cũng không thể nói cuộc thi đó mang tính chất nguy hiểm được.
Theo tôi, không nên vì một sự cố hi hữu trên sân khấu chương trình mà kết luận là không nên tổ chức chương trình này.
- Ở tiết mục này, giám khảo Huy Tuấn là người đảo vị trí 5 chiếc ly công khai trên sân khấu, nên khi Tấn Phát chọn nhầm chiếc ly chứa axit, tất cả giám khảo và khán giả đều nhìn thấy nhưng không một ai có phản ứng gì. Việc giám khảo Huy Tuấn ngồi im khi biết thí sinh này đã chọn nhầm cốc axit như vậy có đúng không, thưa ông?
- Khó thể khẳng định việc giám khảo Huy Tuấn ngồi im khi biết thí sinh này chọn nhầm cốc axit như vậy là đúng hay không đúng. Trước khi thực hiện màn ảo thuật này, chính thí sinh đã yêu cầu giám khảo: “Cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa anh cũng không được rời khỏi vị trí chiếc ghế”. Hơn ai hết, bản thân Tấn Phát ý thức được rõ việc mình làm.
Giám khảo Huy Tuấn tin tưởng vào khả năng của thí sinh và có thể nghĩ việc yêu cầu ngồi yên là một phần trong tiết mục của thí sinh. Nếu ở vào vị trí của anh Huy Tuấn ở thời điểm đó và trong hoàn cảnh đó thì tôi nghĩ ai cũng sẽ hành động như anh ấy cả thôi.
- Vậy theo ông, trách nhiệm của Ban tổ chức đến đâu trong sự cố này?
- Không thể quy trách nhiệm của Ban tổ chức trong trường hợp này được. Như chúng ta đã biết Tìm kiếm tài năng – Vietnam’s Got Talent là phiên bản dành cho khán giả Việt Nam của chương trình giải trí truyền hình nổi tiếng thế giới Got Talent thuộc bản quyền của Fremantle Media. Và đã có rất nhiều nước trên thế giới mua bản quyền và tổ chức phát sóng chương trình này, về quy chế tổ chức, thể lệ cuộc thi theo tôi đã được quy định rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Mặt khác, để chương trình được phát sóng thì Ban tổ chức đã phải xin phép và lấy ý kiến từ rất nhiều cơ quan tổ chức liên quan.
Thể lệ cuộc thi được đưa ra không trái với các quy định pháp luật cũng như thuần phong mỹ tục và nhằm mục đích tìm kiếm các tài năng thực thụ. Các thí sinh tham gia chương trình cũng phải ký các cam kết nhất định. Về rủi ro thì không ai lường trước được. Thí sinh lựa chọn các bài thi theo lựa chọn của họ, không trái với thể lệ cuộc thi và thể hiện được khả năng vượt trội của mình - điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Cá nhân tôi ủng hộ điều này.
Đối với vụ việc uống nhầm axit của thí sinh Tấn Phát, BTC cũng đã cắt nhanh tiết mục và đưa thí sinh này ra ngoài sơ cứu rồi đưa đến ngay bệnh viện để bác sỹ kiểm tra. Đây là một sự cố hi hữu, đáng tiếc xảy ra trên sân khấu chương trình và là tai nạn nghề nghiệp mà thí sinh này gặp phải khi theo đuổi đam mê ảo thuật mạo hiểm. Thí sinh Tấn Phát chỉ bị bỏng nhẹ, không cần phải nhập viện điều trị nhưng phía BTC chương trình đã đề nghị bác sĩ cho thí sinh ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi.
- Xin cảm ơn ông!