Quy trình, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân từ 1/1/2016

Google News

(Kiến Thức) - Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1/1/2016, người dân từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân 12 số.

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Hà Nội cùng 16 địa phương khác sẽ thí điểm cấp thẻ này từ năm 2016.
Đợt cấp thẻ căn cước công dân đầu tiên trên cả nước diễn ra tại Hà Nội vào ngày 1/1/2016. Việc cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện giống cấp chứng minh thư 12 số, tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương.
Quy trinh, thu tuc cap the Can cuoc cong dan tu 1/1/2016
 Mẫu thẻ Căn cước công dân.
Theo quy định, khi đăng ký làm thẻ, công dân không phải xuất trình sổ hộ khẩu và xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên hiện nay hệ thống dữ liệu quản lý cư dân quốc gia chưa được hoàn thiện nên từ nay đến năm 2019, các địa điểm cấp thẻ căn cước công dân vẫn áp dụng việc cấp giống như với chứng minh thư. 
Trình tự cấp thẻ Căn cước công dân cụ thể như sau:
Người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân xuất trình số định danh cá nhân đã được cấp; trường hợp chưa được cấp số định danh cá nhân thì xuất trình sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ về khai sinh.
Đối với người trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang ở tập trung trong doanh trại, nhà tập thể thì xuất trình Giấy chứng minh Quân đội, Giấy chứng minh Công an nhân dân kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị.
Khi đến làm thẻ Căn cước công dân, người làm thủ tục viết tờ khai theo mẫu quy định. Chụp ảnh (đối với người từ 15 tuổi trở lên): Ảnh do cơ quan quản lý căn cước công dân chụp hoặc thu qua camera; là ảnh màu; người được chụp ảnh đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự và không đeo kính;
Đối với người từ 15 tuổi trở lên, cán bộ quản lý căn cước công dân thu thập vân tay tất cả các ngón của người đến làm thủ tục.
Đối với người dưới 15 tuổi, người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục quy định.
Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan quản lý căn cước công dân phải làm xong thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời gian sớm nhất; thời hạn giải quyết việc cấp thẻ Căn cước công dân tại thành phố, thị xã là không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo thì thời hạn giải quyết việc cấp thẻ Căn cước công dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; tại các khu vực còn lại, thời hạn giải quyết việc cấp thẻ Căn cước công dân là không quá 15 ngày làm việc.
Theo Thông tư 170 quy định mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân do Bộ Tài chính ban hành, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ không phải nộp phí. Nhà nước không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25, đủ 40 và đủ 60 tuổi. Người dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ sẽ phải trả phí. Cụ thể, phí đổi thẻ là 50.000 đồng, cấp lại là 70.000 đồng.
Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định. Trường hợp là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo không phải nộp lệ phí đổi thẻ căn cước công dân.
Với công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng thuộc trường hợp được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Về cơ bản chứng minh thứ 12 số và căn cước công dân giống nhau vì cả hai cùng được cấp tại thời điểm công dân đủ từ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nội dung trong thẻ với 20 cột mục tại 2 loại giấy tờ này có sự khác nhau ở tên gọi, phần dân tộc được thay bằng quốc tịch; dấu của Bộ Công an được thay bằng Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam.
Ngoài ra, một điểm khác nhau là hạn sử dụng, hạn của chứng minh thư là 15 năm. Thẻ căn cước sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần đổi.
Thẻ căn cước công dân gồm 2 mặt. Mặt trước có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.
Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Diệu Nga (Tổng hợp)

Bình luận(0)