Chuyển di hài 3 người Việt thiệt mạng MH17 về nước thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Gia đình 3 mẹ con người Việt tử nạn trong vụ máy bay Malaysia rơi muốn đưa thi hài nạn nhân về VN. Vậy thủ tục chuyển và nhận di hài như thế nào?

Liên quan đến việc có 3 mẹ con người Việt Nam là nạn nhân trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia rơi ở Ukraina, trao đổi với báo chí hôm nay, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hữu Tráng cho biết, Cục Lãnh sự đã cử ông Lương Thanh Quảng - trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài - đến chia buồn và thăm cha mẹ chị Nguyễn Ngọc Minh, nạn nhân người Việt trong vụ máy bay Malaysia MH17 rơi tại Ukraina. Gia đình hiện rất bối rối và lo lắng việc hậu sự cho người thân, lúc này nguyện vọng của gia đình là sớm đưa di hài người thân trở về Việt Nam an táng.
Vậy thủ tục chuyển và nhận thi thể, thi hài người thân từ nước ngoài về như thế nào? Kiến Thức xin trích dẫn luật và nêu ý kiến của luật sư về vấn đề này.
 3 mẹ con người Việt là nạn nhân trong vụ máy bay Malaysia rơi ở Ukraina. 
Về quy trình di chuyển thi hài, di hài nhân thân từ nước ngoài về Việt Nam, pháp luật Việt Nam quy định rõ:
1. Thi hài, di hài của những người sau đây có thể được chuyển về Việt Nam (trừ trường hợp nêu tại mục 2):
a. Công dân Việt Nam có đăng ký thường trú tại Việt Nam;
b. Người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thân nhân (cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, chồng, vợ, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ruột của người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại) thường trú tại Việt Nam;
c. Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
2. Không đưa về Việt Nam thi hài của người chết do mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007 (bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola); Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
3. Hồ sơ xin chuyển thi hài, di hài gồm:
- 01 Đơn đề nghị đưa thi hài, hài cốt, tro cốt về nước (mẫu 01/NG- LS);
- 01 bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh của người chết (nếu có);
- 01 bản chụp Giấy phép thường trú tại Việt Nam của người chết trong trường hợp người chết là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
- 01 bản chụp giấy chứng tử;
- 01 bản chụp giấy chứng nhận vệ sinh, kiểm dịch y tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (đối với thi hài); giấy chứng nhận khai quật và giấy chứng nhận vệ sinh, kiểm dịch y tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (đối với hài cốt); giấy chứng nhận hỏa thiêu thi hài (đối với tro cốt);
- 01 bản chụp Đơn xin phép mang thi hài, hài cốt, tro cốt của người thân về chôn cất, bảo quản tại địa phương (mẫu 02/NG-LS) có xác nhận đồng ý của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của Việt Nam cấp hoặc cơ quan quản lý nghĩa trang.
4. Lệ phí có thể trả bằng tiền mặt nếu hồ sơ được nộp trực tiếp; hoặc bằng Money Order, Cashier’s Check hoặc Certified Check cho “Vietnam Consulate” nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện.
5. Nếu muốn nhận kết quả qua đường bưu điện, Quý vị cần gửi kèm theo 01 bì thư đảm bảo (certified mail) có ghi rõ địa chỉ người nhận và đã trả cước phí. Để tránh mất mát trong quá trình vận chuyển, đề nghị Quý vị sử dụng các dịch vụ chuyển phát bảo đảm của UPS hoặc Fedex và ghi lại tracking number để theo dõi việc chuyển phát thư. Tổng lãnh sự quán không chịu trách nhiệm trong trường hợp hồ sơ của Quý vị bị thất lạc do Quý vị dùng bì thư không đảm bảo.
6. Tổng lãnh sự quán xử lý hồ sơ và trả kết quả trong vòng 1-2 ngày làm việc. Nếu có yêu cầu làm gấp, Tổng lãnh sự có thể gửi trả kết quả trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.
Về quy trình nhận thi hài người thân từ nước ngoài, theo Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thi hài người Việt từ nước ngoài về thường được đưa qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hoặc Nội Bài.
Theo quy trình, khi thân nhân nhận được thông báo của kho hàng không ở 2 cửa khẩu sân bay quốc tế trên, khách hàng sẽ lên kho lấy vận đơn (do hãng hàng không chuyên chở lập), đóng tiền lưu kho. Sau đó thân nhân mở tờ khai hải quan (trong đó ghi người gửi, quan tài từ đâu chuyển về, theo vận đơn số bao nhiêu,...). Trước khi nhận quan tài, thân nhân phải cầm vận đơn hoặc giấy khai tử đến Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (TKDYTQT), để nơi đây cấp giấy phép nhập khẩu quan tài. (TTKDYTQT sẽ cử người ra sân bay kiểm tra, cấp giấy phép, thu lệ phí. Theo các điều lệ quốc tế, các trường hợp chết do bệnh truyền nhiễm đều không cho xuất, nhập qua biên giới (chỉ có thiêu thành tro cốt mới được nhập về). Các trường hợp mà TTKDYTQT cần phải kiểm tra là quan tài có còn nguyên vẹn không. Nếu quan tài (dù bằng kẽm) bị hở, bể là bắt buộc phải được thiêu ngay, không cho phép thông quan, nếu không thì thân nhân phải thay ngay quan tài khác mới cho nhập cảnh). Khi có giấy phép nhập khẩu của TTKDYTQT cấp, cơ quan hải quan mới cho thân nhân nhận quan tài.
Minh Hiếu

Bình luận(0)