“Sói xám”: Tổ chức khủng bố nguy hiểm ở Thổ Nhĩ Kỳ

Google News

(Kiến Thức) - Có tin nói, Thổ Nhĩ Kỳ đang lợi dụng tổ chức khủng bố “Sói xám” để chống lại người Kurd ở trong nước và trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Ngày 24/11/2015, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ F-16 bắn rơi một máy bay ném bom Su-24M của Nga gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Hai phi công đã nhảy dù khỏi máy bay và rơi xuống khu vực do phiến quân Turkmen chiếm giữ ở Syria. Nhóm phiến quân Turkmen dưới sự chỉ huy của Alparslan Celik, con trai của  cựu Thị trưởng thành phố Keban (Thổ Nhĩ Kỳ), đã bắn chết một viên phi công Nga đang dùng dù tiếp đất.
“Soi xam”: To chuc khung bo nguy hiem o Tho Nhi Ky
Thành viên "Sói xám" Alpaslan Celik (giữa) khẳng định chính hắn đã bắn chết Trung tá Oleg Peshkov, phi công lái chiếc Su-24 bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.  
Trong đoạn video được Reuters công bố, Alpaslan Celik - Sư đoàn phó Sư đoàn Turkmen thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA) - khẳng định chính hắn đã bắn chết Trung tá Oleg Peshkov, phi công lái chiếc Su-24 bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.  
Alpaslan Celik là thành viên của tổ chức “Sói xám” khét tiếng, một tổ chức cực hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ,  hoạt động xuyên quốc gia và bị coi là phát xít mới.
Thành viên “Sói xám” biến thành "sát thủ máu lạnh”
Được Đại tá Alparslan thành lập trong những năm 1960, “Sói xám” là tổ chức bạo lực chính trị trong giai đoạn 1976-80 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian này, các thành viên “Sói xám” biến thành "sát thủ" tham gia vào "vụ giết người và đấu súng trên đường phố”.  Theo con số thống kê, 220 thành viên “Sói xám” đã thực hiện 694 vụ giết các nhân vật cánh tả, các nhà hoạt động tự do và trí thức.
Các thành viên “Sói xám” đã giết hàng trăm người Alevis trong vụ thảm sát Maras năm 1978 và đứng đằng sau vụ thảm sát ở Quảng trường Taksim năm 1977.
Thành viên “Sói xám” Mehmet Ali Agca đã tiến hành vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II năm 1981.
Tổ chức “Sói xám” theo đuổi mục tiêu thành lập một nước Thổ  Nhĩ Kỳ  chỉ dành cho  “những người Thổ thực sự”.  “Sói xám” thù địch với hầu như tất cả các yếu tố phi Thổ Nhĩ Kỳ ở trong nước - bao gồm cả người Kurd, người Alevis, người Armenia, người Hy Lạp và các tín đồ Kitô giáo. Trong hai ngày 7-8/9/2015, các phần tử dân tộc chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có các thành viên “Sói xám” đã tấn công 128 văn phòng của Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Có cáo buộc rằng một số kẻ tấn công là thành viên đảng cầm quyền AKP "giả mạo Sói xám”.
“Soi xam”: To chuc khung bo nguy hiem o Tho Nhi Ky-Hinh-2
Dấu hiệu đặc trưng của tổ chức khủng bố "Sói xám"
Tuy hầu hết các trường đại học lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ đều có chi nhánh của tổ chức “Sói xám”, nhưng quyền lực thực sự của tổ chức này là trên các đường phố và trong số những người nghèo bất mãn trong các khu phố do người Hồi giáo Sunni chi phối ở Thổ Nhĩ Kỳ.  Tổ chức “Sói xám” cũng  hoạt động mạnh ở phần lãnh thổ bị Thổ Nhĩ Kỳ-kiểm soát ở đảo Síp. Nó có nhiều chi nhánh ở nhiều nước Tây Âu có đông đảo người Thổ sinh sống như  Vương quốc Bỉ, Hà Lan và Đức. Tại Đức, “Sói xám” là tổ chức cực hữu lớn nhất,  với ít nhất 10.000 thành viên.
Các học giả và các nhà báo đã liệt kê “Sói xám” vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Mưu đồ phục hồi Đế chế Ottoman
Hệ tư tưởng của “Sói xám” là tôn vinh “thời kỳ vinh quang trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ” (Đế chế Ottoman) và “sự siêu đẳng” của các chủng tộc Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia nói tiếng Thổ.  Tổ chức “Sói xám” mưu đồ thành lập một “đại quốc gia” của những người nói tiếng Thổ trải dài từ khu vực Balkan đến Trung Á. Sau sự tan rã của Liên bang Xô viết vào năm 1991, tổ chức “Sói xám” kêu gọi thành lập "một đế chế Thổ Nhĩ Kỳ hồi sinh bao gồm nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ  vừa tuyên bố độc lập”.
Trong cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh (1988-1994), khoảng 200 thành viên”Sói xám” đã đứng về phía  Azerbaijan chiến đấu chống lại các lực lượng Armenia. Sau một nỗ lực cướp chính quyền bất thành ở Azerbaijan năm 1995, tổ chức “Sói xám” đã bị cấm hoạt động ở nước này. Năm 3005, Kazakhstan cấm tổ chức “Sói xám” hoạt động và đưa tổ chức này vào danh sách khủng bố.
Các thành viên “Sói xám” cũng đã tham chiến trong các cuộc chiến Chechnya thứ nhất (1994-1996) và Chechnya thứ hai (1999-2000). Phương tiện truyền thông Nga đã cáo buộc rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã biết việc này và có thể đã hỗ trợ hoặc ít nhất là không ngăn chặn các hoạt động “Sói xám” ở Chechnya.
Tổ chức “Sói xám” đã thiết lập các trại huấn luyện ở Trung Á sau khi Liên Xô tan rã,  nhưng không được  các nước cộng hòa Trung Á ủng hộ. Tổ chức này quay sang nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu tập trung ở khu tự trị Tân Cương, và ủng hộ Phong trào Đông Turkestan đòi độc lập.
Tháng 7/2015, tổ chức “Sói xám” đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, đốt cờ của  Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tấn công các nhà hàng Trung Quốc và "khách du lịch bị nhầm lẫn là người Trung Quốc" để trả đũa chính phủ Trung Quốc cấm đoán người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ  (Uyghur) trong tháng Ramadan.  Không những thế, các thành viên “Sói xám” ở  Châu Âu còn tấn công khách du lịch Trung Quốc tại Hà Lan.
Các thành viên “Sói xám” cũng đã tấn công lãnh sự quán Thái Lan tại Istanbul để trả đũa việc Bangkok trục xuất hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc.
“Soi xam”: To chuc khung bo nguy hiem o Tho Nhi Ky-Hinh-3
Người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tên là Adem Karadag đã bị cảnh sát Thái Lan bắt do liên quan đến vụ đánh bom ở Bangkok.
Vụ đánh bom khủng bố ở  Bangkok bị nghi ngờ là do tổ chức “Sói xám” tiến hành để trả đũa việc chính phủ Thái Lan trục xuất hành trăm nghi phạm khủng bố người Duy Ngô Nhĩ về  Trung Quốc thay vì cho phép họ đi đến Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn. Một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tên là Adem Karadag đã bị cảnh sát Thái Lan bắt do liên quan đến vụ đánh bom. Cảnh sát đã tìm thấy nhiều vật liệu chế tạo bom trong căn hộ của người đàn ông này.
Minh Châu (Theo Wikipedia)

Bình luận(0)