Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Chỉ là bạn lúc cần?

Google News

Cả Moscow và Ankara đều cần hòa bình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria và đây được cho là nền tảng cho sự hợp tác chính trị giữa hai nước Nga-Thổ.

Video Tổng thống Putin trả lời báo chí sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga:
Ngày 9/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có chuyến thăm Nga và có cuộc hội đàm với Tổng thống Putin. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội đàm, ông Erdogan và ông Putin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được sự đồng thuận về việc bình thường hoá quan hệ.
Chuyến thăm này được dư luận đặc biệt chú ý bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần như cắt đứt hoàn toàn quan hệ sau vụ cường kích Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24/11/2015. Điều gì khiến quan hệ hai nước nhanh chóng trở lại nồng ấm như vậy?
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thắt chặt lại quan hệ
Phát biểu sau cuộc hội đàm với ông Erdogan, Tổng thống Nga Putin cho biết hai bên đang tiến hành thảo luận nhằm mở rộng quan hệ về kinh tế.
“Việc đưa du khách Nga quay lại Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi”, ông Putin cho biết. Tổng thống Nga cũng nói thêm rằng, hai nước đang hợp tác nhằm sớm khôi phục lại các chuyến bay thương mại từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan he Nga-Tho Nhi Ky: Chi la ban luc can?
 Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp tại St Petersburg. Ảnh: Sputnik
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết hai bên sẽ có những bước đi hướng tới việc giải quyết vấn đề đầu tư chung cũng như thực thi các mối quan hệ kinh tế khác. Ông Erdogan cũng cho biết, một dự án khí đốt với Nga cũng sẽ sớm thành hiện thực.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Erdogan và ông Putin kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga tại khu vực biên giới Syria khiến quan hệ hai nước Nga-Thổ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Chuyến đi tới St Petersburg - quê hương của ông Putin - cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Erdogan sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hôm 15/7 dẫn tới một cuộc thanh trừng những nhân vật bị cáo buộc ủng hộ đảo chính trong giới quân sự, tư pháp, giáo dục… khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đang rơi vào căng thẳng.
"Chuyến thăm của ngài ngày hôm nay, bất chấp tình hình chính trị trong nước đang rất khó khăn cho thấy chúng ta muốn khởi động lại đối thoại và khôi phục lại quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Putin nói khi gặp ông Erdogan.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào "một giai đoạn hoàn toàn khác” trong mối quan hệ với Nga và sự đoàn kết giữa hai nước có thể góp phần giải quyết những vấn đề của khu vực.
Ông Erdogan cũng cảm ơn người đồng cấp Nga đã gọi điện thoại bày tỏ sự ủng hộ với mình ngay sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 và coi đây là một “niềm hạnh phúc lớn”.
Quan hệ Nga -Thổ được cho là có bước chuyển biến theo chiều hướng tích cực sau khi vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lên tiếng xin lỗi vì cái chết của viên phi công Nga trong vụ máy bay Su-24 của Nga bị máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại khu vực biên giới của Syria. Gần như ngay lập tức lệnh cấm bán tour du lịch trọn gói đến Thổ Nhĩ Kỳ được bãi bỏ và có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông sản thực phẩm và cấm các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Nga.
Các nhà phân tích cho rằng, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ cá nhân giữa ông Putin và Erdogan có thể sẽ sâu sắc hơn với việc ông Erdogan công khai cho biết ông cảm thấy thất vọng với Mỹ và Liên minh châu Âu. Tổng thống Nga đã nhanh chóng lên án cuộc đảo chính hơn các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn thế nữa, trong khi phương Tây lên tiếng nghi ngại về chiến dịch thanh trừng của ông Erdogan hậu đảo chính thì Nga không đề cập gì đến vấn đề này.
Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở ngã ba đường
Những mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại được cho là đã cản trở sự tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định chính trị trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng đã phải chịu một loạt các vụ tấn công khủng bố và gần nhất là cuộc đảo chính quân sự hôm 15/7 vừa qua. Chính vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ cần có một sự thay đổi căn bản về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên đây được cho là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Sau cuộc đảo chính quân sự bất thành, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước và tập trung quyền lực không giới hạn trong tay mình. Ông Erdogan được cho là đã triệt để sử dụng tình hình hiện nay để tiêu diệt các đối thủ chính trị với lý do trấn áp đảo chính.
Quan he Nga-Tho Nhi Ky: Chi la ban luc can?-Hinh-2
 Sau cuộc đảo chính vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, tập trung quyền lực nhiêu hơn vào tay Tổng thống. Ảnh: AP
Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu về việc thông qua Hiến pháp mới, theo đó sẽ chuyển Thổ Nhĩ Kỳ thành một nước cộng hòa tổng thống. Điều này cho phép ông Erdogan nắm quyền trong 12 năm mà không có đối thủ cạnh tranh. Vào thời điểm hiện nay, ông Erdogan được cho là người duy nhất có quyền lựa chọn chính sách đối ngoại của nước này.
Cho đến nay, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hỗ trợ cuộc các mạng Arab nói chung và hỗ trợ phe đối lập ở Syria nói riêng được cho là đã thất bại. 5 năm can thiệp vào cuộc xung đột vũ trang ở Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp nhận 2,5 triệu người tị nạn vào lãnh thổ nước mình. Nó cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ xung đột lợi ích với EU, Mỹ, Nga và Iran cũng như phải gánh chịu các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu và sự sụp đổ của thị trường du lịch.
Việc can thiệp vào Syria cho đến nay đã tiêu tốn của Thổ Nhĩ Kỳ trên 20 tỷ USD và đó là lý do giải thích tại sao Ankara khó có thể chấp nhận sự thất bại của chính sách can thiệp này. Nó cũng cho thấy sự miễn cưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc công khai từ bỏ sự hỗ trợ cho phe đối lập ở Syria. Hơn thế nữa các đồng minh như Qatar, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác cũng có quan điểm tương tự về Syria và Ankara không có ý định làm mếch lòng các nước này.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cần nhau để ổn định tình hình Trung Đông?
Các nhà phân tích cho rằng, chính sách đối ngoại trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang gần như bị cô lập. Các đồng minh truyền thống của nước này trong NATO dường như đang ủng hộ kẻ thù của Ankara là người Kurd, trong khi đó những người bạn mới mà Thổ Nhĩ Kỳ có được trong thế kỷ 21 như Nga, Iran hay Trung Quốc lại tỏ ra xem thường sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho phe đối lập ở Syria. Sự hỗ trợ của các đồng minh vùng Vịnh đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là quá mạnh mẽ và đủ để bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc chấp nhận chính sách của Mỹ và EU hỗ trợ người Kurd hoặc buộc phải thay đổi hoàn toàn chiến lược về Syria của mình để có thể nhận được sự ủng hộ của Nga và Iran.
Quan he Nga-Tho Nhi Ky: Chi la ban luc can?-Hinh-3
Nội chiến Syria hiện đang châm ngòi cho những bất ổn ở Trung Đông. Ảnh: Reuters 
Hiện các quan chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn với nhau. Họ vừa đề cập đến sự cần thiết phải nối lại quan hệ với Syria lại vừa muốn ủng hộ phe đối lập tại nước này. Ông Erdogan cũng dành nhiều thời gian để đàm phán với cả lãnh đạo Iran và Saudi Arabia.
Tất cả những động thái trên cho thấy nỗ lực của Ankara nhằm “thử nghiệm” chính sách ngoại giao mới bằng việc so sánh quan điểm của các thế lực lớn trên thế giới, vạch ra nhiều trường hợp và tính toán những hậu quả cho từng trường hợp của thể liên quan đến những bước đi của nước này.
Đối với Nga - nước đang chịu sự cô lập của phương Tây, việc làm bạn với Thổ Nhĩ Kỳ được cho là hứa hẹn nhiều triển vọng tích cực không chỉ trong việc khôi phục quan hệ kinh tế mà còn là sự hợp tác về chính trị ở Trung Đông, trong đó có vấn đề Syria. Hiện cả Ankara và Moscow được cho là cần sự thống nhất và ổn định ở Syria.
Việc tiếp diễn cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria sẽ khiến thêm nhiều binh sĩ Nga thiệt mạng cũng như lây lan chủ nghĩa khủng bố, ly khai và mất ổn định đối với Thổ Nhĩ Kỳ và rộng hơn là toàn khu vực. Chính vì vậy, hòa bình ở khu vực Trung Đông được cho là cần thiết cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga và điều này có thể trở thành nền tảng hợp tác chính trị giữa hai nước.
Theo VOV

Bình luận(0)