Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ chống lại miền bắc Việt Nam, các tàu biển của Liên Xô vận chuyển hàng hóa và thiết bị kỹ thuật- quân sự trên đường qua Biển Đông đến các cảng miền Bắc đã phải đối mặt với mối đe dọa và hành động khiêu khích của các máy bay và tàu chiến Mỹ.
|
Tàu sân bay và chiến đấu cơ Mỹ "làm mưa làm gió" trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Dưới đây là báo cáo của thuyền trưởng tàu Izhma của được gửi vào tháng Hai năm 1965:
"Tôi đang theo dõi các phản lực cơ, máy bay chiến đấu và trực thăng của Mỹ thường xuyên bay trên tàu. Trong 35 phút qua, mấy máy bay phản lực đã bay lượn trên tàu mô phỏng cuộc tấn công. Trước tàu chúng tôi xuất hiện chiếc tàu sân bay Mỹ với 8 tàu hộ tống. Hạm đội tàu sân bay đang xích lại gần với chúng tôi”.
Bộ Vận tải Hàng hải của Liên Xô ở Moscow hầu như hàng ngày đã nhận được những báo cáo tương tự như vậy từ các tàu biển đang trên đường tới bờ biển Việt Nam. Chỉ riêng trong hai tháng — tháng 1 và tháng 2 năm 1965 — đã ghi nhận khoảng 200 trường hợp khi Các lực lượng vũ trang Mỹ vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Vào tháng Hai năm 1968, tàu Nogaevo vận chuyển 3.200 tấn bột và các quà tặng mà học sinh các trường phổ thông ở Vladivostok đã quyên góp cho học sinh Việt Nam, đang trên đường tới Việt Nam. Ngày 21 tháng 2, khi tàu đến cảng Hải Phòng, các máy bay Mỹ sáu lần bay lượn trên tàu ở độ cao không quá 50 mét.
Vào tháng 6 năm 1968, tàu Poronaisk đã đưa đến Hải Phòng nhóm chuyên gia kỹ thuật Liên xô để phát triển các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các tổ hợp tên lửa. Trên đường đi qua Biển Đông, các tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ bao gồm cả hàng không mẫu hạm Enterprise đã theo sát tàu Liên Xô. Các máy bay trực thăng cất cánh từ tàu sân bay cố gắng ép buộc tàu Liên Xô đi lệch hướng.
Khi đó tàu "Nhà luyện kim Kurako" là một trong những chiếc tàu chở hàng khô nhanh nhất của Liên Xô. Vào tháng Sáu năm 1968, tàu đã thực hiện chuyến đi thứ hai tới Việt Nam, vận chuyển kim loại và phân bón. Trên tàu cũng có một số máy bay trực thăng dành cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tính tổng cộng khoảng 9 nghìn tấn hàng. Hai ngày cuối cùng trước khi đến Hải Phòng, các tàu chiến và máy bay Mỹ đã giám sát thường xuyên chiếc tàu Liên Xô. Dưới đây là một vài đoạn trong nhật ký thuyền trưởng:
“Ngày 3 tháng 6:
11.00 giờ: Máy bay Mỹ bốn lần bay trên tàu ở độ cao 150 mét. Ở đằng xa xuất hiện hàng không mẫu hạm.
17.00 giờ: Máy bay Mỹ bay trên tàu chúng tôi ở độ cao 30 mét, tạo ra một tình huống khẩn cấp. Chúng tôi thấy hàng không mẫu hạm ở khoảng cách 4 hải lý.
22.00 giờ: Ở phía trái xuất hiện một hàng không mẫu hạm thứ hai cách tàu chúng tôi ba hải lý. Máy bay Mỹ chiếu đèn pha vào tàu chúng tôi.
Ngày 4 tháng 6
8.00 giờ: Máy bay Mỹ bay quanh tàu chúng tôi.
14.00 giờ: Tàu tuần tra số 852 của Mỹ theo sát tàu chúng tôi trong một vài phút, sau đó hướng đến phía Nam.
15.00 giờ: Máy bay trực thăng của Mỹ 6 lần bay quanh tàu ở độ cao cột buồm.
16.00 giờ: Lại một lần nữa có máy bay trực thăng bay vòng quanh ở độ cao 60 mét”.
Tại cuộc gặp với giám đốc cảng Hải Phòng, thuyền trưởng tàu "Nhà luyện kim Kurako" nói:
"Những nỗ lực của Mỹ đe dọa chúng tôi đều là uổng công vô ích. Đối với các thủy thủ Liên Xô, việc vận chuyển hàng viện trợ cho nhân dân Việt Nam anh em đang đấu tranh để giành chiến thắng là một vinh dự lớn! ".
Trên thực tế, trong những năm cuộc không chiến của Mỹ, mỗi tháng đã có khoảng 40 tàu Liên Xô ghé vào các cảng miền bắc Việt Nam.