Lãnh đạo Trung Quốc làm gì khi nghỉ hưu?

Google News

Khác với các lãnh đạo phương Tây, sau khi nghỉ hưu, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ viết cuốn sách phiếm luận nào về thời gian lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Sau khi nghỉ hưu, nhiều cựu thủ tướng, tổng thống về vui thú điền viên, nhanh chóng bị lãng quên. Nhiều người lại chuyển sang một giai đoạn hoạt động khác không kém phần sôi động. Loạt bài này sẽ tìm hiểu về cuộc sống của những lãnh đạo Trung Quốc sau khi "về vườn".
Các chính trị gia phương Tây thường tham gia hoạt động ngoại giao hoặc từ thiện sau khi nghỉ hưu. Nhưng ở Trung Quốc có một quy tắc ngầm rằng lãnh đạo nước này không nên gây chú ý sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Lanh dao Trung Quoc lam gi khi nghi huu?
 Ông Hồ Cẩm Đào khó có thể có cuộc sống hưu trí an nhàn. Ảnh: BBC
Khái niệm nghỉ hưu chỉ mang ý nghĩa tương đối trong nền chính trị Trung Quốc. Suốt nhiều thập kỷ, các cán bộ cấp cao nước này được kỳ vọng thực hiện theo khẩu hiệu: “Phục vụ cách mạng đến hơi thở và giọt máu cuối cùng”.
Nhưng đến năm 2002, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân khi đó đưa ra quy định tuổi nghỉ hưu là 68 đối với lãnh đạo cấp cao nhất, và 65 đối với lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, bản thân ông Giang Trạch Dân cũng trì hoãn giai đoạn nghỉ hưu của mình với việc tiếp tục vị trí Chủ tịch quân ủy thêm 2 năm cho đến năm 2004 rồi với chuyển giao cho người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, ông Giang hứa sau khi nghỉ hưu sẽ không làm gì khác ngoài việc giảng dạy trong trường đại học. Tuy nhiên, cựu lãnh đạo này lại nổi tiếng với vai trò chủ động trong nền chính trị hậu trường.
Văn phòng của ông Giang trong Trung Nam Hải, nơi các chính trị gia cấp cao Trung Quốc sinh sống và làm việc, đóng lại năm 2012, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Một số người tin rằng các lãnh đạo nghỉ hưu không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục tham gia vào chính trị vì họ cần bảo đảm sẽ không bị dính vòng lao lý vì những sai lầm trong quá khứ.
Tuy nhiên, có rất ít cơ hội để điều này thực sự xảy ra, BBC dẫn lời ông Steve Tsang, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại ĐH Nottingham (Anh). Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng tránh mở "hộp Pandora" bằng cuộc tấn công không cần thiết vào một chính trị gia không còn nắm quyền.
Một số nhà lãnh đạo cao tuổi có thể muốn yên thân an nghỉ tuổi già, nhưng họ cũng bị kéo vào các vấn đề chính trị bởi những người hưởng lợi từ tầm ảnh hưởng của họ.
Lanh dao Trung Quoc lam gi khi nghi huu?-Hinh-2
Ông Giang Trạch Dân về hưu năm 2004, nhưng vẫn hoạt động chính trị tích cực. Ảnh: BBC 
Ngay cả nếu ông Hồ Cẩm Đào muốn hưởng một cuộc sống an nhàn khi về hưu, ông Steve Tsang cho rằng nhiều quan chức vẫn muốn ông tham gia vào quá trình chuyển đổi quyền lực của đảng vào năm 2017.
“Những người đó sẽ có quyền lợi từ việc bảo đảm rằng ông Hồ Cẩm Đào không hoàn toàn nghỉ hẳn và sẽ không phai mờ hoàn toàn”, TS Tsang nói.
Phía sau hậu trường, các lãnh đạo nghỉ hưu của Trung Quốc vẫn bận rộn nhưng có một nguyên tắc rất rõ ràng: họ nên tránh xa các cuốn sách lịch sử của đất nước.
Một số chính trị gia có thể cố gắng viết hồi ký về thời kỳ nắm quyền của họ, nhưng ở Trung Quốc, họ không được khuyến khích kể lại những trải nghiệm cá nhân để công chúng đọc.
“Những cuốn sách như vậy sẽ không được xuất bản nếu không có giấy phép xuất bản chính thức, điều đó nghĩa là chúng sẽ bị soi cực kỳ kỹ”, TS Tsang nói. Ngay cả những cựu lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ của cơ chế này.
Ông Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc giai đoạn 1987-1998, được cho là có viết một cuốn sách để giải thích theo cách tương đối bảo thủ về vai trò của ông trong vụ Thiên An Môn năm 1989, nhưng không được xuất bản.
Một cựu thủ tướng khác, ông Triệu Tử Dương, được cho là đã lén mang cuốn sách của mình về sự kiện Thiên An Môn sang in tại một nhà xuất bản ở Hong Kong.
Theo Dân Việt

Bình luận(0)